|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thị trường dầu mỏ rung lắc dữ dội, lợi nhuận quí I của một công ty năng lượng hàng đầu thế giới lao dốc 66%

06:23 | 29/04/2020
Chia sẻ
BP - một trong các gã khổng lồ ngành dầu khí thế giới, đã báo cáo lợi nhuận sụt giảm 66% và khối nợ tăng mạnh trong quí I năm nay do nhu cầu dầu thô sụp đổ và giá dầu lao dốc chưa từng có.

Financial Times dẫn lời gã khổng lồ ngành năng lượng Anh cho biết doanh số các sản phẩm dầu khí tinh chế của hãng đã giảm mạnh trong tháng 3, khi chính phủ nhiều nước trên khắp thế giới ban bố lệnh phong tỏa qui mô lớn để kiểm soát đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, BP vẫn duy trì mức cổ tức 10,50 cent/cp trong quí I vì công ty này, tương tự như nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác, phải vận dụng một loạt đòn bẩy tài chính để bảo đảm các khoản thanh toán cổ tức cho cổ đông.

Trong ba tháng đầu năm nay, lợi nhuận ròng của BP đạt 791 triệu USD, trong khi cùng kì năm ngoái là gần 2,4 tỉ USD.

Mặc dù lợi nhuận ròng quí I đã vượt qua con số ước tính là 710 triệu USD, cổ phiếu của BP đã giảm gần 3% trong phiên giao dịch sớm hôm nay (28/4). Vào đầu năm 2020, BP rất tự tin rằng công ty có thể tạo ra nhiều tiền mặt hơn, tuy nhiên gã khổng lồ này nhanh chóng rơi vào khủng hoảng ngay khi tân CEO Bernard Looney lên nắm quyền điều hành.

"Môi trường kinh doanh lúc này đang rất hỗn loạn", ông Looney chia sẻ với tờ Financial Times hôm 28/4. Vị CEO này cho rằng BP đang củng cố tình hình tài chính và sẽ tăng thanh khoản để hạ giá hòa vốn từ mức 56 USD/thùng dầu hồi năm ngoái xuống dưới 35 USD/thùng.

Lệnh phong tỏa và hạn chế di chuyển đã khiến nhu cầu dầu mỏ sụp đổ. Bên cạnh đó, tình trạng dư thừa nguồn cung, cạn kiệt kho chứa và đà lao dốc chưa từng có của giá dầu đã đẩy toàn ngành dầu khí vào chế độ bảo toàn tiền mặt.

Thị trường dầu mỏ rung lắc dữ dội, lợi nhuận quí I của một công ty năng lượng hàng đầu thế giới lao dốc 66% - Ảnh 1.

Logo của gã khổng lồ ngành dầu mỏ thế giới BP. (Ảnh: PA)

Trong phiên giao dịch sáng 28/4, giá dầu Brent đã giảm 4,3% xuống còn 19 USD/thùng. Tuần trước, giá dầu Brent đã tụt xuống dưới ngưỡng 20 USD/thùng lần đầu tiên trong gần hai thập kỉ.

Lợi nhuận của BP không chỉ bị ảnh hưởng bởi mảng giao dịch dầu mỏ yếu kém mà còn đến từ kết quả tệ hại của Rosneft - công ty dầu khí Nga mà BP có góp vốn. Trong quí I năm nay, dòng tiền của BP đã giảm xuống còn 1 tỉ USD, trong khi của năm ngoái là 5,3 tỉ USD.

BP cho biết giá dầu trong ngắn hạn và nhu cầu cho các sản phẩm tinh chế của công ty sẽ tiếp tục đối mặt với "một mức độ bất ổn chưa từng có".

Chia sẻ với Financial Times, CEO Bernard Looney cho hay mặc dù BP không có kế hoạch sa thải nhân sự trong ba tháng tới, "công ty sẽ cắt giảm nhân sự trên toàn cầu cho đến cuối năm nay". Đại dịch COVID-19 chỉ góp phần đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm chi phí và tái cấu trúc lại doanh nghiệp dưới thời vị CEO mới này.

Tỉ số vốn vay, mà BP định nghĩa bằng nợ ròng chia cho tổng nợ ròng cộng vốn chủ sở hữu, đã tăng lên hơn 36% trong quí I - một trong các giá trị cao nhất trên toàn ngành dầu mỏ và cao hơn mức mục tiêu 20 - 30% của BP.

Ông Biraj Borkhataria - nhà phân tích tại RBC Capital Markets, dự đoán tỉ lệ vốn vay của BP sẽ còn tiếp tục tăng lên khi sản lượng chế biến giảm, biên lợi nhuận của các cơ sở lọc dầu mỏng dần và giá dầu liên tục thấp, góp phần làm suy yếu dòng tiền của công ty.

Nhà phân tích trên nói thêm, "câu hỏi quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại là BP sẵn sàng điều chỉnh bảng cân đối kế toán đến đâu để bảo vệ mức chia cổ tức". BP đã tuyên bố sẽ giảm chi tiêu vốn từ con số 15 tỉ USD ban đầu xuống còn 12 tỉ USD. Dù vậy, CEO Looney thông tin thêm rằng BP sẽ "đánh giá" quyết định chia cổ tức vào quí II năm nay.

Mặc dù giá cổ phiếu của BP đã giảm xuống đáy 24 năm vào tháng trước, ông Looney khẳng định gã khổng lồ ngành năng lượng Anh sẽ không thay đổi cam kết giảm phát thải khí nhà kính.

Đến nay, BP là đại gia dầu mỏ đầu tiên trên thế giới công bố lợi nhuận quí I. Các ông lớn khác như Royal Dutch Shell, ExxonMobil, Chevron và Total dự kiến sẽ công khai lợi nhuận trong vài ngày tới.

Khả Nhân

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.