|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu giảm về âm chưa đủ, thị trường dầu mỏ thế giới còn phải chống đỡ nạn cướp biển

21:19 | 27/04/2020
Chia sẻ
Trong khi các công ty dầu khí quốc tế còn đang phải chật vật để ứng phó với đà lao dốc lịch sử của giá dầu thô, nạn cướp biển gia tăng lại khiến chuỗi cung ứng thêm khốn khổ.
Giá dầu giảm về âm chưa đủ, thị trường dầu mỏ thế giới còn phải chống đỡ nạn cướp biển - Ảnh 1.

Một công nhân kiểm tra cơ sở vật chất tại giàn khoan của tập đoàn Total ở Amenem, cách cảng Harcourt của đồng bằng Nigeria 35km. (Ảnh: AFP)

Theo Cục Hàng hải Quốc tế (IMB), quí I năm nay chứng kiến nạn cướp biển gia tăng và hoành hành trên khắp thế giới. Chỉ trong ba tháng đầu năm, IMB ghi nhận tổng cộng 47 vụ tấn công, trong khi cùng kì năm ngoái là 38 vụ.

Vịnh Guinea - một trung tâm sản xuất quan trọng, bao quanh bởi 8 quốc gia xuất khẩu dầu ở Tây Phi, nổi lên như một điểm nóng về nạn cướp biển trên toàn cầu, chiếm 21 vụ tấn công trong năm nay và 90% vụ bắt cóc trên biển vào năm 2019.

CNBC dẫn nghiên cứu của công ty tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft cho biết hầu hết các vụ tấn công diễn ra ở vùng biển Nigeria, tuy nhiên nạn cướp biển dự kiến sẽ gia tăng vào năm 2020 và 2021 cũng như mở rộng sang các khu vực láng giềng, từ đó gây rủi ro nghiêm trọng cho các công ty vận tải và dấu khí quốc tế.

Số lượng thủy thủ đoàn bị bắt cóc ngoài khơi Vịnh Guinea đã tăng 50% từ 78 người năm 2018 lên 121 người trong năm 2019 và Vịnh Guinea đã vượt qua các khu vực nổi tiếng khác như Eo biển Malacca để trở thành điểm nóng toàn cầu. Eo biển Malacca là tuyến đường thủy ngăn cách Malaysia và Singapore với Indonesia.

"Nạn cướp biển sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2020 và 2021 khi các lực lượng an ninh khu vực không thể giải quyết được vấn đề, một phần do phải xử lí các điểm nóng an ninh trên khắp châu Phi và phần khác là do thiếu thiết bị", ông Alexandre Raymakers - nhà phân tích cấp cao tại Verisk Maplecroft cho hay.

"Các nhà khai thác và vận chuyển dầu khí trong khu vực nên dự trù trước tình trạng gián đoạn về chuỗi cung ứng, các tuyến đường xuất khẩu và chi phí gia tăng do phải trả tiền chuộc để cứu thủy thủ đoàn", ông Raymakers nói thêm.

Khoảng 60% sự cố trong năm 2019 đều xảy ra ở vùng lãnh hải Nigeria, đặc biệt là ở các khu vực xung quanh đồng bằng Nigeria cũng như tại cảng Lagos - một trung tâm vận chuyển dầu khí tại Tây Phi.

Rủi ro với ngành dầu mỏ

Trước đây, hải tặc thường chỉ giới hạn hoạt động trong việc đột kích các tàu chở dầu để bán trữ lượng dầu thô trên tàu ra chợ đen. Tuy nhiên, giá dầu sụp đổ vào năm 2015 đã buộc hải tặc tại Tây Phi thay đổi chiến thuật, tập trung nỗ lực để bắt cóc thủy thủ đoàn nhằm đòi tiền chuộc, ông Raymakers nhấn mạnh.

Không giống hải tặc Somalia, hải tặc ở đồng bằng Nigeria không sử dụng các cảng biển hoặc khu vực bãi biển để đánh chiếm tàu chở dầu vì các nhóm cướp biển này không có khả năng thu giữ tàu hoặc sản phẩm trên tàu để đòi tiền chuộc, do đó các công ty trong khu vực hiếm khi bị mất tàu hoặc hàng hóa.

Tuy nhiên, các công ty trên thường bị trễ chuyến và phải gánh thêm chi phí do thủy thủ đoàn bị bắt cóc và sau đó họ phải trả tiền chuộc để cứu người.

"Các công ty dầu khí quốc tế như Shell, ExxonMobil, Total, Chevron và Eni hoạt động ở Gabon, Guinea Xích đạo và Nigeria đặc biệt có nguy cơ gặp phải nạn cướp biển, gây gián đoạn chuỗi cung ứng", CNBC dẫn lời nhà phân tích Raymakers lí giải.

"Mặc dù nhiều công ty đã rút ra bài học và trang bị hệ thống an ninh toàn diện để bảo vệ tài sản và thủy thủ đoàn ở Nigeria, các công ty cung ứng và dịch vụ nhỏ sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn khi nạn cướp biển gia tăng", ông Raymakers nói thêm.

Trong bối cảnh giá dầu thô toàn cầu lao dốc nghiêm trọng do nhu cầu giảm, Vesrisk dự đoán hải tặc nhiều khả năng sẽ cố gắng đánh chiếm các tàu chở dầu dùng làm kho chứa dầu thô dư thừa trên biển. Thủy thủ đoàn và hàng hóa là "mục tiêu lí tưởng và dễ tiếp cận với bọn cướp biển", báo cáo của Verisk nêu rõ.

Khả Nhân