Chứng khoán Mỹ bật tăng khi có hi vọng mới về điều trị COVID-19, Fed giữ nguyên lãi suất gần 0
Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 532 điểm, tương đương 2,2% và đóng cửa ở 24.634 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cùng tăng lần lượt 2,7% và 3,6%.
Tính từ đầu tháng đến nay, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 13%. Nếu duy trì được mức này, tháng 4/2020 sẽ là tháng tăng trưởng mạnh nhất của S&P 500 kể từ năm 1974. Dow Jones cũng đã tăng 12,4% so với ngày đầu tháng và đang chuẩn bị ghi nhận tháng tích cực nhất kể từ 1987.
Hãng dược phẩm Gilead Sciences cho biết Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ đang nghiên cứu thuốc Remdesivir của hãng này trong vai trò điều trị COVID-19. Kết quả sơ bộ cho thấy các bệnh nhân có phản ứng tích cực. Giá cổ phiếu Gilead tăng 5,7% trong phiên 29/4.
Hai tuần trước, hãng tin STAT News trích dẫn một cuộc thử nghiệm tại bệnh viện Đại học Chicago cho biết thuốc Remdesivir rất có tiềm năng trong điều trị đại dịch hiện nay. Cổ phiếu Gilead khi đó đã tăng 16% trong một phiên.
Ngày 29/4, Tiến sĩ Anthony Fauci – Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia cho biết Remdesivir có tác động tích cực "hết sức rõ ràng" khi điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Việc tìm ra một loại vắc xin hay thuốc điều trị đại dịch sẽ giúp nền người dân yên tâm hơn và nền kinh tế nhanh chóng quay trở lại nhịp điệu bình thường.
Về phía doanh nghiệp, Alphabet – công ty mẹ của Google công bố kết quả kinh doanh đi xuống nhưng vẫn khả quan hơn dự báo, cổ phiếu bật tăng 8,9%.
Các đại gia công nghệ khác như Facebook, Amazon cũng tăng lần lượt 6,2% và 2,5%, Apple đi lên 3,3%. Tính từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu công nghệ của chỉ số S&P 500 đã tăng 0,3%, xóa đi mức lỗ trong đợt bán tháo cuối tháng 3.
Các thông tin tích cực về thuốc của Gilead và khối công nghệ đã giúp thị trường vượt qua thông tin GDP Mỹ giảm 4,8% trong quí I. Đây là lần đầu tiên GDP của Mỹ tăng trưởng âm kể từ lần giảm 1,1% trong quí I/2014. Đây cũng là mức sụt giảm sâu nhất kể từ lần giảm 8,4% trong quí IV/2008 giữa thời kì Đại Suy thoái.
Tính từ đáy ngày 23/3 đến nay, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã hồi phục mạnh mẽ 34%, S&P 500 cũng tăng tới 33%.
Về phía chính sách tiền tệ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa kết thúc hai ngày họp 28-29/4 và quyết định giữ nguyên lãi suất điều hành trong khoảng 0-0,25% cho đến khi nền kinh tế vững chắc trở lại.
Trong thông cáo sau cuộc họp, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) nói: "Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng nặng nề lên hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát trong ngắn hạn, đồng thời gây ra rủi ro đáng kể lên triển vọng kinh tế trung hạn".
Do vậy, "FOMC dự định sẽ giữ nguyên khoảng lãi suất hiện nay cho tới khi có thể tin tưởng chắc chắn rằng nền kinh tế chống chịu được với các biến cố và đang trên đường đạt mục tiêu toàn dụng việc làm và ổn định giá cả".
Chủ tịch Jerome Powell cho biết Fed nhiều khả năng sẽ phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế, nói thêm rằng ngân hàng trung ương này "sẽ tận dụng tối đa quyền lực của mình".