Lao động trẻ 'nằm im mặc sự đời', quỹ đạo kinh tế toàn cầu sắp thay đổi?
Hai hiện tượng ngẫu nhiên nhưng xuất hiện cùng lúc
Nghiên cứu của hãng tư vấn Qualtrics International cho biết, cứ 10 người thuộc thế hệ Millennial (sinh trong khoảng 1980 - 1996) và Gen Z (từ 1997 trở về sau) thì có 4 người muốn bỏ việc nếu phải quay trở lại văn phòng toàn thời gian. Một khảo sát khác của Microsoft chỉ ra, gần một nửa lao động toàn cầu đang cân nhắc nghỉ việc.
Không cần khảo sát cũng chẳng phải nói đâu xa xôi, trên thực tế thì nước Mỹ đã và đang phải trải qua một hiện tượng vô cùng hiếm gặp trong lịch sử khi số lượng lao động bỏ việc lập kỷ lục cao. Các nhà nghiên cứu gọi hiện tượng này là Great Resignation (Đại khủng hoảng lao động).
Phong trào "lying flat" (nằm im mặc sự đời) tại Trung Quốc cũng tương tự. Bắt nguồn từ một bài đăng trên mạng xã hội, người trẻ đang muốn chống lại mô hình làm việc "996" khắc nghiệt mà họ phải chịu đựng nhiều năm qua: làm từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần.
Tại các quốc gia giàu có như Đức và Nhật Bản, người lao động cũng đang dần từ bỏ công việc bàn giấy và lựa chọn những lối đi riêng.
Ông Xiang Biao, Giám đốc Viện Nhân học Xã hội Max Plack (Đức), bình luận: "Dù diễn ra cùng lúc, Đại khủng hoảng lao động tại Mỹ và phong trào 'nằm im mặc sự đời' ở Trung Quốc chỉ là các sự kiện ngẫu nhiên".
Tuy nhiên, ông Xiang tiếp tục: "Chúng ta có thể liên kết hai hiện tượng với nhau. Cả hai đều xảy ra khi nền kinh tế tăng trưởng quá nóng và không bền vững, cả về mặt môi trường lẫn về tinh thần của người lao động".
Người Mỹ chẳng buồn đi làm
Tại Mỹ, các mối lo về tài chính của thế hệ Millennial đã có rất lâu từ trước đại dịch. Do khối nợ sinh viên phình to, kết hợp cùng với tốc độ phục hồi hậu Đại suy thoái quá chậm, Millennial có thể là thế hệ đầu tiên tại Mỹ không giàu bằng cha mẹ họ.
COVID-19 dường như đã khiến những lo ngại trên trở nên nhức nhối hơn. Thiệt hại khổng lồ về kinh tế lẫn con người trong đại dịch còn khiến người trẻ tự hỏi điều gì là ưu tiên hàng đầu đối với họ.
Theo khảo sát của tổ chức phi lợi nhuận Mind Share Partners, hơn 66% thế hệ Millennial ở Mỹ đã bỏ việc trong năm 2021 do các vấn đề tâm lý. Tỷ lệ ở Gen Z thậm chí còn cao hơn, khoảng 81%.
Tháng 7/2020, cơ quan liên bang nơi anh Ben Anderson làm việc đã triệu tập nhân viên trở lại văn phòng. Không ai cung cấp vật tư y tế hay bố trí chỗ làm để họ giãn cách xã hội. Sau khi một đồng nghiệp dương tính COVID, Anderson bắt đầu ngẫm nghĩ rốt cuộc một công việc ổn định có phải là chìa khóa cho một cuộc sống an cư hay không.
Thực chất, Anderson đã tính bỏ việc vài năm rồi. Anh giành được tấm bằng ưu tú ở đại học, chuyển đến thành phố lớn để làm việc và dành 7 năm làm công việc toàn thời gian. Tuy nhiên, Anderson vẫn không tiết kiệm đủ tiền để mua nhà.
"Công việc áp lực kinh khủng và tôi phải sống xa gia đình. Có một lúc, tôi đã nghĩ 'Sống thế này để làm gì?'", Anderson chia sẻ với Bloomberg.
Tưởng chừng chỉ người trẻ nghỉ việc, nhưng ít nhất một nghiên cứu cho thấy người lao động trong độ tuổi 30 - 45 cũng đang bỏ việc với tỷ lệ cao.
Nate Mann (40 tuổi) là một trong những người lớn tuổi nhất trong thế hệ Millennial. Vài chục năm qua, anh làm nhân viên pha chế tại thủ đô Washington, thường xuyên thức khuya và làm việc cao độ để nhận 80.000 USD/năm.
Khi đại dịch buộc các quán bar phải đóng cửa vào năm ngoái, Mann quyết định tập trung theo đuổi công việc vẽ tranh. Nhiều người bạn của Mann cũng đã bỏ những công việc trả lương bèo bọt hoặc quá nhàm chán.
Trung Quốc "nằm im mặc sự đời"
Đến cả Chủ tịch Tập Cận Bình cũng thừa nhận về sự tồn tại của phong trào "nằm im mặc sự đời" ở Trung Quốc. Trong một bài phát biểu vào tháng 8, ông kêu gọi giới chức phải ngăn chặn hiện tượng này, đồng thời tạo cơ hội cho người trẻ thăng tiến.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng gấp đôi trong thập kỷ qua, nhưng không phải ai cũng gặt hái được lợi ích. Ở nhiều thành phố lớn, chi phí sinh hoạt thậm chí còn tăng nhanh hơn tiền lương.
"Quê nhà" của phong trào "nằm im mặc kệ sự đời" có thể là thành phố Thâm Quyến, nơi đặt trụ sở của các tập đoàn công nghệ hàng đầu đất nước như Huawei và Tencent. Thâm Quyến cũng là nơi ở của 18 triệu người lao động nhập cư ôm mộng làm giàu.
Giờ đây, khi nền kinh tế chững lại, nhiều người đang tự hỏi liệu những ước mơ đó có xứng đáng để họ dày công nỗ lực hay không.
Jack, một nhân viên công nghệ 32 tuổi, từng tràn đầy hy vọng khi một công ty viễn thông thuê anh 5 năm trước. Tuy nhiên, dù phải xử lý khối lượng công việc khổng lồ, Jack vẫn không thể thành công. Theo thời gian, nhiệt huyết của anh cạn dần. Bây giờ Jack vẫn làm việc, nhưng không còn chăm chỉ như xưa.
"Nhiều ngành công nghiệp mạng đã đạt đến giai đoạn bão hòa, khó tăng trưởng. Công việc nặng nhọc vẫn còn đó, tôi vẫn áp lực khủng khiếp nhưng hy vọng làm giàu thì vơi dần", Jack bày tỏ.
Chưa kể, Thâm Quyến còn là một trong các thành phố đắt đỏ nhất thế giới. "Ngay cả với những lao động có chuyên môn và được trả lương cao như tôi và bạn gái cũng cảm thấy cuộc sống quá bức bối", Jack nói thêm.
Theo Bloomberg, "nằm im mặc sự đời" có thể là dấu hiệu của một giai đoạn mới trong quá trình phát triển kinh tế của Trung Quốc: Khi đất nước trở nên giàu có hơn, người lao động có thể kén chọn hơn.
Tuy nhiên, phong trào này nếu còn tiếp diễn có thể đẩy nhanh xu hướng suy giảm dân số của Trung Quốc. Năm ngoái tỷ lệ sinh tại nước này đã tụt xuống mức thấp kỷ lục, gây lo ngại lớn giữa lúc lực lượng lao động bị thu hẹp nhanh chóng.
Một mô hình tăng trưởng mới?
Tại Nhật Bản, người trẻ cũng đang tìm cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống như ở Mỹ hay Trung Quốc. Vào thập niên 1990, truyền thông địa phương từng vẽ nên một bức tranh không mấy đẹp đẽ về những "người trẻ tự do" chối bỏ văn hóa công sở khắc nghiệt của Nhật Bản để làm những công việc vặt.
Khoảng năm 2010, những người trẻ tự do được ghép vào một hiện tượng lớn hơn, gọi là "thế hệ satori". Satori là một khái niệm trong Phật giáo Nhật Bản, hàm ý chỉ những người đã đạt đến trạng thái giác ngộ, không ham mê vật chất.
Kairu Taira (22 tuổi) cho biết thế hệ satori bị chỉ trích vì "không chịu giúp sức cho nền kinh tế", bởi họ chi tiêu quá ít. Song, dần dà người dân Nhật Bản cũng đã bắt đầu chấp nhận thế hệ satori. Điều này cho thấy kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục chững lại và người trẻ vẫn sẽ có xu hướng chối bỏ công việc văn phòng.
Ngay cả ở các khu vực có phúc lợi tốt như châu Âu, nhiều người cũng đang muốn bỏ việc. So với trước đại dịch, lượng người lao động tại khu vực Eurozone hiện nay đã giảm khoảng 2 triệu người.
Milena Kula (26 tuổi) cảm thấy nhẹ nhõm khi hợp đồng của cô với một tổ chức phi lợi nhuận tại Berlin (Đức) kết thúc. "Tôi ghét công việc bàn giấy. Khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong ngày là 45 phút đạp xe đi làm", Kula cho hay.
Hiện cô đang sống ở vùng nông thôn Brandenburg và xây dựng một không gian chung cho những người muốn sống gần gũi và bền vững với môi trường.
Ông Bobby Duffy - Giám đốc Học viện Chính sách tại King's College London, cho rằng ẩn sâu trong những thay đổi về nhận thức của giới trẻ ngày nay là những xu hướng dài hạn sắp xuất hiện.
Tương tự, nhà phân tích Benjamin Granger của Qualtrics nhận thấy lượng lớn người trẻ bỏ việc ở Mỹ và châu Âu là dấu hiệu của một thay đổi mang tính cấu trúc. Ông Granger nói họ đang bị thôi thúc "phải làm điều gì đó ý nghĩa, có mục đích hơn".
Tại Trung Quốc, xu hướng trên có thể còn được quan tâm hơn. Bắc Kinh muốn xoa dịu phong trào "nằm im mặc sự đời" bằng các chính sách ưu ái người trẻ tuổi hơn. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chững lại đang khiến các nhà lãnh đạo chú trọng hơn đến cách phân bổ của cải.
Kế hoạch "thịnh vượng chung" mà ông Tập giới thiệu trong năm nay có nhiều chính sách hướng đến những người lao động trẻ hoặc lao động tự do, chẳng hạn như chính sách điều tiết giá nhà ở, chi phí học tập,…
Suy cho cùng, nếu những trăn trở của người trẻ về công việc vẫn còn tồn tại, thì theo thời gian, quỹ đạo của nền kinh tế chung ắt sẽ thay đổi. "Đây có thể là một nguồn năng lượng mới, giúp thúc đẩy các mô hình tăng trưởng mới", ông Xiang của Viện Max Planck nhấn mạnh.