Tăng thuế, thử thách khó nhằn nhất của ông Tập trên hành trình đi tìm 'thịnh vượng chung'
Là một phần của chiến dịch "thịnh vượng chung" nhằm thúc đẩy bình đẳng kinh tế và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo của Trung Quốc, Bắc Kinh đã thông báo sẽ thí điểm chính sách thuế bất động sản ở một số địa phương, có thể là Hải Nam và Thâm Quyến.
Đây là bước nhỏ mới nhất của Bắc Kinh trên hành trình cải cách thuế, một mục tiêu mà giới lập pháp ấp ủ nhiều năm nhưng chưa mấy thành công. Tại Trung Quốc, sử dụng một bộ luật thuế để thúc đẩy chính sách xã hội dường như không quá khó.
Tuy nhiên, Bắc Kinh khá nhạy cảm với dư luận, đặc biệt là đối với tầng lớp trung lưu và vấn đề thuế ở đất nước tỷ dân cũng gây xôn xao về mặt chính trị không kém Mỹ hay châu Âu.
Năm 2013, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã kêu gọi áp dụng thuế bất động sản và tiến tới thuế thừa kế. Sau nhiều tháng tranh cãi nội bộ, các đề xuất này được hạ từ hướng dẫn xuống "ý kiến". Chưa kể, Bắc Kinh còn công bố chúng ngay trước kỳ nghỉ lễ lớn của người dân để tránh điều tiếng dư luận.
Đề xuất thuế bất động sản mới của Bắc Kinh cho thấy ông Tập đang phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của tầng lớp trung lưu. Chính phủ không muốn làm mất lòng người dân bằng các loại thuế mới gây tranh cãi, nhưng nếu mạnh dạn hơn, Bắc Kinh có thể xúc tiến được những chính sách dưới đây:
Thuế bất động sản
Bất động sản hiện chiếm khoảng 70% tài sản của các hộ gia đình ở thành phố. Thuế bất động sản sẽ đóng vai trò như một loại thuế tài sản, và có thể giúp ổn định giá nhà ở các thị trường địa ốc nóng nhất đất nước.
Tuy nhiên, giá nhà tăng vọt đã làm giàu cho chính quyền các địa phương. Doanh số bán đất chiếm khoảng 35% doanh thu của chính quyền các tỉnh, thành trong 9 tháng đầu năm 2021, cho nên các địa phương sẽ chống đối những quy định có khả năng làm giảm giá trị nhà đất.
Năm 2014, sự phản đối của chính quyền cấp thành phố cũng như cấp quận đã cản trở Bắc Kinh hoàn thiện một loại sổ đăng ký bất động sản trên toàn quốc. Truyền thông đưa tin, chỉ có 16% số thành phố và 4% số quận đạt được các tiêu chí chuẩn trong tháng đầu tiên thực hiện.
Giới chức cấp cao đã cố gắng trấn an công chúng rằng sổ đăng ký bất động sản không phải dùng để đánh thuế bất động sản. Mãi đến năm 2018, dự án này của Bắc Kinh mới hoàn thành.
Theo nhận định của hai nhà kinh tế Larry Hu và Ji Xinyu từ ngân hàng Macquarie, những người phản đối việc áp thuế bất động sản "không những đông mà còn rất quyền lực". Chính phủ Trung Quốc không chỉ "phải phân bổ lại của cải từ giàu sang nghèo, mà còn từ các thế hệ cũ và cư dân thành phố lớn cho những người còn lại".
Liệu thuế bất động sản có mang lại hiệu quả như kỳ vọng hay không là một câu hỏi mở. 10 năm trước, Thượng Hải đã áp thuế bất động sản 0,4 - 0,6% đối với nhà mua mới cũng như căn thứ hai của cư dân địa phương.
Hai chuyên gia của Macquarie cho biết, mức thuế trên đã tạo ra hơn 19 tỷ nhân dân tệ cho Thượng Hải vào năm ngoái, nhưng chỉ chiếm khoảng 3,4% tổng doanh thu thuế và chưa đến 7% doanh thu từ việc bán đất của Thượng Hải trong cùng năm. Trong khi đó, giá nhà ở đây vẫn tiếp tục tăng.
Nhận định của Bloomberg: Bắc Kinh trước mắt chỉ có thể áp dụng thí điểm thuế bất động sản ở một số địa phương.
Thuế thu nhập
Trung Quốc đã cải cách hệ thống thuế cá nhân từ vài năm trước để giảm bớt gánh nặng cho những người có thu nhập thấp và thúc đẩy tiêu dùng nói chung. Song, hệ thống này vẫn ưu ái người giàu khi đánh thuế thu nhập từ hoạt động kinh doanh và đầu tư ở mức thấp hơn nhiều so với thuế thu nhập cá nhân.
Ông Jason Mi, một đối tác của EY, cho rằng việc điều chỉnh thuế thu nhập là không quá khó. "Nguồn thu nhập chính của các cá nhân có thu nhập cao chủ yếu đến từ kinh doanh…Các khoản này đều có thể được tính vào thuế thu nhập cá nhân trong tương lai", ông Mi nói.
Đồng thời, Trung Quốc có thể giảm mức thuế chung từ 45% xuống 35% để thúc đẩy tầng lớp trung lưu, Giám đốc Shi Zhengwen của Trung tâm Nghiên cứu Luật Tài khóa và Thuế tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, gợi ý.
Trước đây, Trung Quốc từng thành công trong điều chỉnh thêm thuế thu nhập cá nhân. Năm 2018, Bắc Kinh đã nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế từ 3.500 nhân dân tệ lên 5.000 nhân dân tệ/tháng và bổ sung các điều khoản khấu trừ mới như tiền học của con cái và điều trị bệnh hiểm nghèo. Các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp đã kêu gọi nâng mức sàn lên 10.000 nhân dân tệ/tháng.
Gần đây, Bắc Kinh đã nêu cao tinh thần thực thi pháp luật, ban lệnh ân xá cho những người nợ thuế và bêu tên một số người nổi tiếng như nữ diễn viên Trịnh Sảng, người được yêu cầu phải nộp 299 triệu nhân dân tệ tiền thuế, phí và tiền phạt quá hạn hồi tháng 8.
Nhận định của Bloomberg: Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm xử lý vấn nạn trốn thuế của người giàu, nhưng chưa phát tín hiệu về thời điểm công bố những cải cách tiếp theo.
Thuế thừa kế
Trung Quốc là một trong số ít nền kinh tế lớn không đánh thuế thừa kế. Song, ngày càng có nhiều tài phiệt tại Trung Quốc muốn bảo vệ khối tài sản để trao lại cho con cháu, và Bắc Kinh nhận thấy đây là một cách để ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng kéo dài.
Bắc Kinh lần đầu đưa ra ý tưởng thuế thừa kế vào năm 1995, khi cục thuế của nước này soạn thảo các quy định nhằm vào những người có khối tài sản trên 1 triệu nhân dân tệ. 4 năm sau, các quan chức Bộ Tài chính cho biết thuế thừa kế có thể được thông qua sớm nhất vào năm 2000 nhưng lại bất thành.
Giới chức Trung Quốc lần cuối nói về thuế thừa kế vào năm 2013, khi Hội đồng Nhà nước tuyên bố sẽ nghiên cứu chính sách này. Năm 2017, truyền thông nhà nước Trung Quốc lại khuyến khích Bắc Kinh nên tập trung vào khuyến khích người dân làm giàu, cho rằng thuế thừa kế sẽ chỉ khiến các tài phiệt chuyển vốn ra nước ngoài.
Các ý kiến phản đối áp thuế thừa kế vừa mang tính thực tiễn lại vừa có yếu tố chính trị. Thứ nhất, Trung Quốc hiện không có hệ thống nào để theo dõi hoặc xác minh tài sản của một cá nhân. Thứ hai, trước khi đồng ý đóng thuế, người dân có thể sẽ đòi xem bản kê khai tài sản của các quan chức cấp cao, ông Jia Kang - cựu lãnh đạo Viện Khoa học Tài khóa Trung Quốc, cho hay.
Nhận định của Bloomberg: Nếu việc áp dụng thuế thừa kế buộc người giàu phải tiết lộ đầy đủ khối tài sản của họ, thì đương nhiên không ai muốn làm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/