|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Nhân vật uy quyền' bí ẩn tái xuất để giải thích đường lối cứng rắn của Trung Quốc

17:04 | 26/10/2021
Chia sẻ
Bài phỏng vấn của tờ Tân Hoa Xã với nhân vật "có thẩm quyền" giấu tên cho thấy chính phủ Trung Quốc sẽ không có động thái nới lỏng chính sách lớn và sẽ tiếp tục siết chặt đòn bẩy và bất động sản.

Năm 2016, một "nhân vật uy quyền" giấu tên thu hút sự chú ý của quốc tế khi vạch ra tư duy kinh tế dài hạn của giới lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc. Người này chia sẻ trên truyền thông nhà nước rằng chính phủ nên ưu tiên cắt giảm đòn bẩy thay vì thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Trong 5 năm qua, người này đã im hơi lặng tiếng. Nhưng trong cuộc phỏng vấn dài với tờ Tân Hoa Xã (Xinhua) cuối tuần qua, "nhân vật uy quyền" bất ngờ xuất hiện trở lại. Nhiều nhà quan sát cho rằng con người bí ẩn này là Phó Thủ tướng Lưu Hạc, cánh tay phải của Chủ tịch Tập Cận Bình. 

Cùng với các cơ quan chính phủ "có thẩm quyền", con người bí ẩn bày tỏ niềm tin vào nền kinh tế, bất chấp sự bi quan của các nhà kinh tế. Đồng thời, người này cũng dập tắt các hy vọng về việc nới lỏng các chính sách trên quy mô lớn khi nói rằng kịch bản này rất khó xảy ra.

'Nhân vật uy quyền' bí ẩn tái xuất để giải thích đường lối cứng rắn của Trung Quốc - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc năm 2020. (Ảnh: Getty Images).

Trong bài báo tờ Tân Hoa Xã với tựa đề "10 câu hỏi về nền kinh tế", nhân vật giấu tên cho biết các nhà hoạch định chính sách quyết tâm không kích thích ồ ạt cho nền kinh tế trong khi cắt giảm sự phụ thuộc vào nợ và bất động sản.

Bài báo xoa dịu nỗi lo về rủi ro tăng trưởng, viết rằng tạo việc làm, giá tiêu dùng và thương mại quốc tế vẽ nên bức tranh kinh tế ổn định. Thay vì thúc đẩy nền kinh tế, cải cách phía cung để loại bỏ tình trạng sản xuất thừa trong các ngành ô nhiễm và kiềm chế thị trường nhà ở vẫn là trọng tâm chính.

Tuy nhiên, bài báo không loại trừ khả năng điều chỉnh chính sách, báo hiệu chính phủ sẽ có thêm biện pháp để kích cầu nội địa. Nhìn chung, giọng điệu của bài phỏng vấn khá lạc quan, trái ngược với góc nhìn tiêu cực của các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm tới xuống dưới 5% trong bối cảnh thiếu điện, bất động sản bị siết và các đợt bùng phát COVID-19 tái diễn.

'Nhân vật uy quyền' bí ẩn tái xuất để giải thích đường lối cứng rắn của Trung Quốc - Ảnh 2.

Lập trường diều hâu trên – tập trung vào các vấn đề cấu trúc dài hạn thay vì thay đổi ngắn hạn – tương tự thông điệp của "nhân vật có thẩm quyền" vài năm trước.

Tháng 5/2016, khi kinh tế Trung Quốc phục hồi từ sự sụp đổ của bong bóng chứng khoán, tờ Nhân dân Nhật báo (People's Daily) đăng tải bài phỏng vấn toàn trang với "nhân vật uy quyền", cảnh báo sự phục hồi hình chữ L (chứ không phải chữ U hoặc chữ V) là bình thường mới.

Người này nói rằng Trung Quốc nên ưu tiên giảm đòn bẩy trong nền kinh tế trước tăng trưởng ngắn hạn và cần năng nổ giải quyết nợ xấu thay vì trì hoãn hay che giấu chúng.

Bài báo năm 2016 có lúc đã nhấn chìm thị trường chứng khoán, Bloomberg cho biết. Đến nửa cuối năm 2016, ngân hàng trung ương Trung Quốc bắt đầu tăng lãi suất để thắt chặt chính sách tiền tệ. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm bắt đầu tăng và vượt quá 4% vào tháng 11/2017 sau khi chạm đáy 2,7% tháng 8/2016. 

Lần này, tuy kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ nhanh chóng cắt giảm dự trữ bắt buộc đã suy giảm, hầu hết các nhà kinh tế vẫn dự đoán một số hình thức nới lỏng sẽ được thực hiện trong vài tháng tới.

Nhưng có thể Bắc Kinh sẽ sẵn lòng chấp nhận tăng trưởng suy yếu nhiều hơn so với kỳ vọng chung. Việc Trung Quốc thúc đẩy thuế bất động sản bất chấp doanh số bán nhà giảm tốc cho thấy sự tập trung của Bắc Kinh vào chất lượng của GDP hơn là tốc độ tăng. Và nhân vật bí ẩn từ chính phủ đã đảm bảo rằng thông điệp này được phát đi rõ ràng tới mọi người.

Giang