COVID-19 xô đổ nỗ lực hàng thập kỷ của giới lãnh đạo Trung Quốc
Cuộc chiến thương mại với Mỹ đã chứng minh cho giới lãnh đạo Trung Quốc rằng nước này phải đẩy nhanh nỗ lực mở rộng thị trường tiêu dùng nội địa để nền kinh tế không còn lệ thuộc vào nhu cầu của phương Tây.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã đẩy Trung Quốc đi theo hướng ngược lại. Vai trò của xuất khẩu đối với tăng trưởng lớn hơn nhiều năm trở lại đây, khiến nền kinh tế thứ hai thế giới càng dễ bị ảnh hưởng bởi chi tiêu của người tiêu dùng phương Tây. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng kinh tế mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang vật lộn để giải quyết.
Trái ngược với sự bình phục nhanh chóng của tiêu dùng trong đại dịch giống như ở Mỹ, Trung Quốc lại chứng kiến tiêu dùng phục hồi chậm chạp. Doanh số bán lẻ vẫn chưa tăng nhanh bằng trước thời điểm đại dịch. Số liệu mới nhất cho thấy doanh số tháng 9 tăng 4,4% so với một năm trước, thấp hơn nhiều tốc độ 8% trong cả năm 2019, theo Wall Street Journal.
Một phần nguyên nhân là do Trung Quốc không phát tiền trực tiếp như Mỹ, do đó người tiêu dùng không có nhiều tiền mặt. Nguyên nhân khác là xu hướng tiết kiệm nhiều hơn, với nhiều người Trung Quốc quyết định để dành tiền cho những giai đoạn bất trắc, đặc biệt là khi nỗi lo đại dịch tái bùng phát vẫn còn.
Ngược lại, xuất khẩu của Trung Quốc đã bùng nổ rực rỡ. Nhu cầu của phương Tây dành cho các sản phẩm như laptop, xe đạp và đồ nội thất tăng đột biến. Với các trung tâm sản xuất khác như Việt Nam và Malaysia gặp khó khăn vì COVID-19, Trung Quốc được cho là sẽ càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong xuất khẩu toàn cầu trong năm 2021, sau khi đạt mức kỷ lục 15% năm ngoái.
Xuất khẩu tăng vọt có ích cho Trung Quốc trong thời gian ngắn, duy trì tăng trưởng vững vàng trong đại dịch.
Nhưng rõ ràng COVID-19 đã làm đảo lộn nỗ lực dài hạn là tái cân bằng nền kinh tế để không còn lệ thuộc quá nhiều vào bán hàng cho thế giới, cũng như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và bất động sản nữa.
Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào thị trường nước ngoài cũng có nguy cơ làm bùng phát căng thẳng thương mại. Vào năm 2020, thặng dư thương mại của Trung Quốc với thế giới đạt mức cao nhất trong nhiều năm là 535 tỷ USD. Riêng thặng dư của Trung Quốc với Mỹ tăng 7% so với một năm trước đó lên 317 tỷ USD. Tháng 9 vừa qua, thặng dư thương mại hàng tháng của Trung Quốc với Mỹ lập kỷ lục mới là 42 tỷ USD.
Ông Sebastian Eckardt, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại World Bank nhận xét: "Xét trong một số lĩnh vực, COVID-19 đã khuếch đại sự mất cân bằng trong kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc không thể quay lại dựa vào xuất khẩu làm động lực chính cho tăng trưởng".
Hiểu rõ rủi ro, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã coi thúc đẩy nhu cầu nội địa là ưu tiên hàng đầu trong hơn một thập kỷ.
Nỗ lực này càng trở nên cấp thiết vào năm ngoái, khi Chủ tịch Tập Cận Bình vạch ra kế hoạch "lưu thông nội địa" ưu tiên tiêu dùng trong nước làm động lực tăng trưởng chính, đồng thời giảm phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc không sẵn lòng mở hầu bao như chính phủ muốn.
Bà Iris Pang, nhà kinh tế tại ING Bank ở Hong Kong cho biết: "COVID-19 đã thay đổi tâm lý của người Trung Quốc và ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng".
Bên cạnh nỗi lo về các ổ dịch COVID-19 mới, nhiều người Trung Quốc còn lo ngại rằng tăng trưởng thu nhập sẽ yếu ớt và triển vọng việc làm không mấy sáng sủa. Loạt chính sách hà khắc áp đặt lên khu vực tư nhân càng làm giới trẻ băn khoăn về cơ hội việc làm và ngần ngại chi tiêu.
Việc siết chặt bất động sản, nguồn lưu trữ tài sản phổ biến của các gia đình Trung Quốc, khiến một số nhà kinh tế và chủ nhà sợ rằng thị trường nhà đất có thể trải qua một cuộc điều chỉnh.
Tỷ lệ tiết kiệm của Trung Quốc, vốn cao hơn hẳn so với Mỹ và các nền kinh tế lớn, tiếp tục leo lên 45,2% trong tháng 5 từ mức 43,2% năm 2020 và 40,6% năm 2019, theo khảo sát của UBS.
Khi nhiều người giảm mua sắm, vai trò của tiêu dùng ngày càng thu nhỏ. Năm 2020, tiêu dùng cá nhân chiếm 38,1% GDP, mức thấp nhất kể từ năm 2016.
Thuyết phục các hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn đòi hỏi Trung Quốc xử lý những vấn đề mang tính cơ cấu như bất bình đẳng kéo dài và thiếu mạng lưới an sinh xã hội phổ quát, các nhà nghiên cứu cho biết.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đang tung hô ưu tiên chính sách mới là "thịnh vượng chung", nhắm đến phân chia của cải đồng đều hơn trong xã hội. Mục tiêu của chính sách, bao gồm nâng thu nhập bình quân đầu người, có thể sẽ giúp tái cân bằng kinh tế Trung Quốc.
Nhưng "thịnh vượng chung" có thể sẽ gây ra nỗi đau chính trị do nó bao gồm tăng thuế và phân phối lại của cải của người giàu hoặc chính quyền địa phương cho người dân bình thường.
Ông Michael Pettis, Giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh lập luận rằng chừng nào các hộ gia đình Trung Quốc chưa được hưởng phần lớn hơn trong tăng trưởng chung của Trung Quốc thì chừng đó khả năng chi tiêu của họ sẽ tiếp tục bị kìm hãm.
Nhưng việc cải thiện mạng lưới an sinh đồng nghĩa với việc giúp các hộ gia đình giàu lên còn chính quyền địa phương nghèo đi, do những chương trình này thường được chi trả bởi chính quyền địa phương.
"Lấy của người giàu chia cho người nghèo vốn đã khó về mặt chính trị, chuyển tài sản và thu nhập từ chính quyền địa phương sang hộ gia đình có thể còn khó hơn", ông Pettis nói.