|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hàng loạt tỷ phú Trung Quốc cam kết góp tiền vào chiến lược 'Thịnh vượng chung' do chính phủ khởi xướng

08:08 | 14/09/2021
Chia sẻ
Khoảng 600 triệu người - gần gấp đôi dân số Mỹ - sống với số tiền tương đương khoảng 150 USD một tháng.

Trung Quốc đã không ngừng theo đuổi tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỷ, tạo ra nhiều tỷ phú hơn Mỹ và đưa 800 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói nhưng vẫn để lại 600 triệu người chỉ sống với vỏn vẹn 150 USD (~3,5 triệu đồng) một tháng.

Giờ đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đang lên kế hoạch mà một số chuyên gia cho rằng sẽ là một bước đi đầy kịch tính, cố gắng tái cấu trúc xã hội Trung Quốc bằng cách cắt giảm giới siêu giàu mới nổi của đất nước và phân phối lại của cải đồng đều hơn cho 1,4 tỷ dân.

Động lực này liên quan đến các kế hoạch "điều chỉnh thu nhập cao quá mức" và "khuyến khích những người có thu nhập cao, các doanh nghiệp đóng góp cho xã hội nhiều hơn", theo một bài luận của ông Tập, Tân Hoa xã cho hay.

Trong khi khẩu hiệu "thịnh vượng chung" hầu như không mới khi so sánh với các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác, bài phát biểu của ông Tập hồi tháng trước là ví dụ rõ ràng nhất về kế hoạch rõ ràng của ông về một xã hội được định hình lại.

Một số chuyên gia cho rằng, sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ, giờ đây, khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu chậm lại do thương chiến và dịch bệnh, chính quyền cảm thấy cần đưa ra một lời hứa mới, và đó chính là bình đẳng.

Trung Quốc từng “o bế” các tỷ phú, nhưng một cuộc thanh trừng mạnh mẽ đã bắt đầu - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân tiếp đón vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Tử Cấm Thành, năm 2017. (Ảnh: CGTN).

Thịnh vượng chung - cơ hội cho tất cả

"Chính phủ Trung Quốc biết rằng mọi con mắt trong nước và quốc tế đều đang theo dõi", Austin Strange, phó giáo sư tại Đại học Hong Kong, cho biết. "Đây là cơ hội để thể hiện là một chính phủ có tư duy tương lai, quan tâm đến công dân, bao gồm cả những người ở dưới đáy của xã hội.”

Là một phần trong tầm nhìn sâu rộng cho tương lai, chính phủ đã thực thi chính sách siết chặt quy định đối với những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc khiến thị trường tài chính phương Tây rơi vào vòng xoáy.

Nhưng những nỗ lực này còn vượt ra ngoài nền kinh tế, bao gồm việc hạn chế số lượng giờ chơi điện tử cho trẻ vị thành niên để cố gắng loại bỏ văn hoá thần tượng không lành mạnh, mà trong đó thanh thiếu niên "thần tượng một cách mù quáng những người nổi tiếng", tờ Global Times đưa tin vào tuần trước.

Thông điệp này gây được tiếng vang với Cao Xinyin, 19 tuổi, một sinh viên đại học ở Bắc Kinh. Chị cho biết: “Sự thịnh vượng chung có nghĩa là mọi người đều có thể sống một cuộc sống chất lượng cao. Ai cũng sẽ sống một cuộc sống lành mạnh hơn, cư xử tốt hơn, tâm trạng vui vẻ hơn và sẽ có nhiều khả năng theo đuổi và thực hiện ước mơ của mình."

Nỗ lực mới nhất của ông Tập trong việc siết chặt các quy định nhìn chung có vẻ không có gì đáng ngạc nhiên với một đất nước như Trung Quốc. Nhưng cần để ý, từ những năm 1970, quốc gia này đã chấp nhận những cải cách mở cửa nền kinh tế để giúp biến nước này thành cường quốc toàn cầu như ngày nay.

Theo Ngân hàng Thế giới, hơn 800 triệu người Trung Quốc đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực kể từ năm 1978, và hơn một nửa dân số được coi là thuộc tầng lớp trung lưu. Theo Báo cáo của Hurun, một tổ chức có trụ sở tại Thượng Hải chuyên theo dõi dân số giàu có của Trung Quốc, có 1.058 tỷ phú sống ở Trung Quốc vào năm ngoái so với 696 ở Mỹ.

Nhưng mặc dù các dự báo cho rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể vượt Mỹ về quy mô sớm nhất vào năm 2028, quốc gia này cũng có mức bất bình đẳng thu nhập cao nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác trên thế giới.

Khoảng 600 triệu người - gần gấp đôi dân số Mỹ - sống với số tiền tương đương khoảng 150 USD một tháng, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết vào năm ngoái. Jiangnan Zhu, phó giáo sư chính trị tại Đại học Hong Kong, cho biết, "Sự chênh lệch giàu nghèo đã trở nên khá nghiêm trọng ở Trung Quốc."

Và sự cam kết của các tỷ phú giàu nhất đất nước

Trung Quốc từng “o bế” các tỷ phú, nhưng một cuộc thanh trừng mạnh mẽ đã bắt đầu - Ảnh 2.

Jack Ma, Chủ tịch tập đoàn Alibaba. (Ảnh: Getty Images).

Trung Quốc là quốc gia lớn duy nhất có nền kinh tế tăng trưởng vào năm ngoái, đã kiểm soát phần lớn dịch bệnh COVID-19 sau khi nó được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm 2019. Nhưng trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế ở tầng lớp trung lưu của đất nước đã có sự suy giảm tổng thể.

Ryan Hass, một thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Brookings ở Washington, nói rằng giờ đây "kỷ nguyên phát triển kinh tế thần tốc đã qua, giới lãnh đạo Trung Quốc đang chuyển trọng tâm sang việc cải thiện các vấn đề về chất lượng cuộc sống."

Đáp lại lời kêu gọi từ chính phủ, một số gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc cam kết đóng góp nhiều hơn cho các chương trình xã hội từ thiện.

Một trong những công ty lớn nhất của Trung Quốc, Tencent, đã cam kết chi 15 tỷ USD cho một loạt các sáng kiến, từ môi trường đến giáo dục và phát triển nông thôn để hỗ trợ công nghệ cho người cao tuổi. Tencent cho biết động thái này là cách họ tham gia "chiến dịch phân chia lại tài sản của Trung Quốc."

Alibaba, một gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc, đã cam kết một số tiền tương tự, trong một tuyên bố giữa tuần trước.

Cùng với hệ thống thuế và phúc lợi được cải tiến, ông Tập có thể đang lên kế hoạch sử dụng những khoản quyên góp từ thiện lớn đó làm động lực chính cho các cải cách của mình, theo Vivian Zhan, phó giáo sư chính trị tại Đại học Hong Kong Trung Quốc cho biết.

Chỉnh phủ có "nhiều công cụ chính sách để điều chỉnh các công ty lớn và huy động các nguồn lực từ chúng để phân phối lại cũng như phục vụ cho các mục tiêu chính sách khác", bà nói.

Đạt Thái