|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Báo cáo việc làm tháng 6 mang tới tia hy vọng nhưng không có chỗ để Fed mắc sai lầm

08:21 | 11/07/2022
Chia sẻ
Theo The Conversation, báo cáo việc làm tháng 6 cho thấy thị trường lao động Mỹ đang tương đối ổn định và có thể giúp ích phần nào cho Fed trong cuộc chiến chống lạm phát. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ cũng đang lộ ra những dấu hiệu suy yếu, cho thấy Fed không thể mắc sai lầm.

Thấy gì từ báo cáo việc làm tháng 6?

Báo cáo mới từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa có thêm 372.000 việc làm trong tháng 6 - tốt hơn mức 250.000 việc làm mà các nhà kinh tế Dow Jones dự báo.

Con số này thấp hơn so với mức tăng 384.000 của tháng 5 và thấp hơn các báo cáo việc làm gần đây, nhưng theo tiêu chuẩn lịch sử thì vẫn rất khả quan. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế chủ chốt đều tạo thêm việc làm.

 

Nhìn chung, người dân Mỹ đang tiếp tục quay trở lại lực lượng lao động, phần lớn do mức lương tốt hơn cũng như chi phí sinh hoạt tăng cao hơn khiến họ khó có thể chi tiêu thoải mái nếu không có nguồn thu nhập ổn định.

Chẳng hạn, số người làm việc bán thời gian vì lý do kinh tế đã giảm 707.000 trong tháng 6. Điều này có vẻ cho thấy rằng ngày càng có nhiều người mong muốn và có thể tìm kiếm một công việc toàn thời gian được trả lương cao hơn, ổn định hơn.

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới giảm nhẹ xuống còn 56,8% - thấp hơn 1 điểm % so với trước đại dịch COVID-19. Con số này có thể bắt nguồn từ việc phụ nữ ngần ngại trở lại thị trường việc làm hoặc đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm dịch vụ trông trẻ.

Suy thoái hay không?

Vậy, báo cáo việc làm tháng 6 tốt hơn dự kiến có đồng nghĩa rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái? Theo The Conversation thì đó là một câu hỏi lớn cần phải tìm lời giải.

Mức tăng việc làm trong tháng 6 rất mạnh, nhưng thị trường lao động tại Mỹ rõ ràng đang hạ nhiệt. Ngoài ra còn có bằng chứng cho thấy nền kinh tế nói chung đang dần suy yếu.

Hai dấu hiệu này chứng tỏ những nỗ lực tích cực gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm khống chế lạm phát bằng cách kìm hãm tăng trưởng đang phát huy tác dụng.

Thị trường nhà ở là một ví dụ rõ nét. Lãi suất thế chấp trung bình 30 năm đạt 5,8% trong tháng 6 - mức cao nhất trong 13 năm qua, sau khi Fed nâng lãi suất chuẩn thêm 75 điểm cơ bản.

Giờ đây, các chuyên gia đang thấy ảnh hưởng của việc Fed tăng lãi suất tới các công việc trong lĩnh vực xây dựng nhà ở. Do chi phí đi vay tăng lên kìm nén nhu cầu mua nhà, lượng công việc trong lĩnh vực xây dựng đã giảm lần đầu tiên trong một năm qua.

Ngoài ra, trong tháng 5, doanh số bán lẻ bất ngờ đi xuống và một chỉ số dự báo kinh tế đã giảm tháng thứ hai liên tiếp. Cả hai đều là dấu hiệu chứng tỏ nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại.

 

Có thể tránh được cuộc suy thoái không?

vẻ kỳ lạ khi ngân hàng trung ương Mỹ cố gắng làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế, nhưng điều đó lại cho thấy quyết tâm chế ngự lạm phát đang trên đỉnh hơn 40 năm của các nhà hoạch định chính sách.

Vấn đề giá cả tăng cao là mối quan tâm lớn đối với Fed, vì đây là một thành phần quan trọng trong “nhiệm vụ kép” của cơ quan này: kiểm soát lạm phát và duy trì tăng trưởng việc làm lành mạnh.

Lạm phát vượt tầm kiểm soát là “thuốc độc” cho bất kỳ nền kinh tế nào. Khi đà tăng của giá cả vượt xa mức thu nhập, người tiêu dùng phải hạn chế chi tiêu. Sản xuất giảm sút và người dân sẽ mất việc.

 

Phương tiện duy nhất của Fed để giảm lạm phát là kiềm chế nhu cầu bằng cách giảm cung tiền và tăng lãi suất. Tuy nhiên, điều này cũng kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế, The Conversation lý giải.

Vì vậy, ngân hàng trung ương Mỹ đang cố gắng thực hiện một cuộc “hạ cánh mềm”, tức là hạ nhiệt lạm phát mà không làm tổn hại đến tăng trưởng, đến mức gây ra một cuộc suy thoái.

một số dấu hiệu ban đầu cho thấy Fed đang thành công. Nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chững lại, dù báo cáo việc làm tháng 6 cho thấy sức mạnh tiềm ẩn trên thị trường lao động.

Đồng thời, lạm phát dường như cũng đang giảm bớt, một phần nhờ vào nhu cầu dầu thô toàn cầu đi xuống. Giá xăng - yếu tố mà người tiêu dùng dễ thấy nhất, đã giảm trong những tuần gần đây sau khi đạt đỉnh 5 USD/gallon vào tháng 6.

Tuy nhiên, thực hiện một cuộc hạ cánh mềm vẫn là một bước đi khó khăn của Fed. Ngân hàng trung ương này có thể làm giảm nhu cầu thông qua lãi suất, nhưng không thể xử lý được vấn đề nguồn cung.

Nguyên nhân chính khiến chi phí năng lượng và lương thực leo thang trong những tháng qua không phải do nhu cầu, mà do tình hình chiến sự tại Ukraine, The Conversation lưu ý.

Các lệnh trừng phạt đối với Nga - nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, cùng với việc số lượng chuyến hàng từ Nga đến châu Âu giảm sút đã làm gián đoạn thị trường năng lượng và kéo giá dầu toàn cầu lên cao.

Trong khi đó, Ukraine - một quốc gia sản xuất lương thực và hàng hoá nông nghiệp chủ chốt, đang gặp khó khăn trong việc xuất khẩu ngô, lúa mì và các sản phẩm khác do Nga phong toả các cảng chính.

Tình trạng thiếu hụt năng lượng và thực phẩm tiếp diễn đồng nghĩa rằng áp lực lạm phát có thể tiếp tục phình to cho dù Fed có làm gì đi chăng nữa. Điều đó có thể buộc Fed phải tăng lãi suất rất nhiều và làm hại đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Bối cảnh trên khiến con đường chính sách hiện tại của Fed trở thành chặng đường gian nan nhất mà họ trải qua kể từ những năm 1980. Fed phải thực hiện mọi thứ một cách hoàn hảo thì mới có thể thành công.

Báo cáo việc làm tháng 6 là một tin tốt, nhưng nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi thế khó. Dữ liệu trong tháng 8 và tháng 9 sẽ đóng vai trò quan trọng để công chúng biết nền kinh tế đang đi theo hướng nào, rằng liệu nó có đâm đầu vào suy thoái hay không.

Yên Khê

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.