Vũ khí bí mật 1.800 tỷ USD của Fed trong các cuộc chiến chống lạm phát, suy thoái
Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) họp phiên thường kỳ vào ngày 3-4/5 vừa qua. Hai kết luận được nhắc đến nhiều nhất sau cuộc họp là lãi suất quỹ liên bang tăng thêm 50 điểm cơ bản và bảng cân đối kế toán của Fed sẽ giảm 47,5 tỷ USD vào tháng 6, sau đó tăng tốc lên thành 95 tỷ USD mỗi tháng.
Ngoài ra, các quan chức của ngân hàng trung ương Mỹ còn quyết định một thay đổi đáng chú ý nữa là nâng lãi suất hợp đồng repo nghịch đảo lên 0,8%. Hạn mức repo với mỗi định chế tài chính là 160 tỷ USD/ngày. Hạn mức này có thể được tăng lên tạm thời nếu Chủ tịch Fed nhận thấy cần thiết.
Repo và repo nghịch đảo là gì?
Hợp đồng mua lại (repo) là giao dịch phổ biến trên thị trường tài chính và có bản chất tương đối giống như một khoản cho vay có tài sản bảo đảm với kỳ hạn rất ngắn, thường là qua đêm.
Ví dụ: Ngân hàng P khi cần tiền gấp có thể đem tài sản bảo đảm là các loại chứng khoán an toàn như tín phiếu Kho bạc, trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm cao AAA, … để bán cho Ngân hàng Q và lấy tiền mặt, đồng thời cam kết mua lại số chứng khoán nói trên vào một ngày xác định trong tương lai. Đến ngày thỏa thuận, P sẽ mua lại chứng khoán và trả tiền cho Q.
Sự khác biệt lớn nhất của giao dịch repo và cho vay có bảo đảm nằm ở quyền sở hữu đối với chứng khoán. Với cho vay có bảo đảm, quyền sở hữu vẫn luôn nằm ở bên vay là Ngân hàng P. Nhưng ở giao dịch repo, quyền sở hữu từ P chuyển sang Q vào ngày vay, rồi sau đó từ Q quay lại P vào ngày hoàn trả.
Fed thường xuyên thực hiện giao dịch repo để điều tiết cung tiền và thực thi chính sách tiền tệ. Tại cuộc họp ngày 3-4/5, Fed không chỉ nâng lãi suất quỹ liên bang mà còn nâng lãi suất cho vay repo từ 0,5% lên 1%. Tác động chung của việc nâng lãi suất là hạn chế vay nợ trong nền kinh tế và giảm lượng tiền lưu thông.
Khi thấy hệ thống thiếu thanh khoản, Fed sẽ mở rộng cửa sổ repo, sẵn sàng nhận chứng khoán từ các ngân hàng và bơm tiền vào hệ thống.
Ngược lại, khi thấy hệ thống dư thừa thanh khoản, Fed sẽ sử dụng tới hợp đồng repo nghịch đảo để hút bớt tiền ra.
Trong hợp đồng repo nghịch đảo, Fed sẽ đóng vai trò là bên đi vay, đưa chứng khoán cho các ngân hàng để nhận tiền về. Việc Fed vay tiền của các ngân hàng khiến cho cung tiền trong hệ thống tài chính giảm đi.
Tại cuộc họp ngày 3-4/5 vừa qua, Fed đã nâng lãi suất áp dụng cho hợp đồng repo nghịch đảo lên 0,8%, khiến việc cho Fed vay tiền trở nên hấp dẫn hơn với các ngân hàng.
Fed hút tiền về qua kênh repo nghịch đảo
Theo thống kê từ Fed chi nhánh St. Louis trong biểu đồ bên dưới, ngày 4/5 là lần thứ 3 ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất repo nghịch đảo kể từ đầu dịch COVID-19.
Lần đầu tiên diễn ra vào tháng 6/2021, lãi suất tăng từ 0 lên 0,05%. Lần thứ 2 vào tháng 3 năm nay, lãi suất tăng từ 0,05% lên 0,3%.
Biểu đồ dưới đây cho thấy giá trị hợp đồng repo nghịch đảo, hay chính là số tiền mà các ngân hàng cho Fed vay, tăng lên trong quá trình Fed nâng lãi suất.
Hôm 17/6/2021 khi Fed lần đầu nâng lãi suất lên 0,05%, giá trị repo nghịch đảo tăng sốc từ khoảng 500 tỷ USD lên 750 tỷ USD chỉ trong một ngày.
Khi Fed nâng lãi suất repo nghịch đảo lên 0,3% vào giữa tháng 3 năm nay, giá trị vay cũng tăng thêm 100 tỷ USD trong hai ngày và vượt mốc 1.700 tỷ USD.
Tính đến ngày 16/5, giá trị các hợp đồng repo nghịch đảo của Fed đã vượt 1.800 tỷ USD.
Dấu hiệu chính sách tiền tệ đổi chiều
Hai công cụ của Fed được nói đến nhiều nhất sau mỗi cuộc họp là lãi suất quỹ liên bang (Fed Funds Rate) và quy mô bảng cân đối kế toán.
Tính từ đầu dịch COVID-19 đến cuộc họp ngày 4/5/2022, Fed mới chỉ nâng lãi suất quỹ liên bang hai lần và chưa giảm quy mô bảng cân đối kế toán.
- TIN LIÊN QUAN
-
Fed sẽ làm gì để hút bớt 95 tỷ USD thanh khoản mỗi tháng? 12/05/2022 - 08:47
Số liệu từ Fed cho thấy trong những tuần gần đây, ngân hàng trung ương Mỹ đã bớt can thiệp trên thị trường mở, để cho bảng cân đối đi ngang. Phải đến tháng 6, Fed mới bắt đầu giảm quy mô tài sản và hút tiền về bằng cách để các trái phiếu đáo hạn và chủ động bán bớt chứng khoán.
Việc Fed có khoảng 1.800-2.000 tỷ USD tiền mặt vay của các ngân hàng cho thấy một góc nhìn khác về chính sách tiền tệ của Fed.
Lãi suất repo nghịch đảo đã tăng ba lần trong một năm qua. Giao dịch repo nghịch đảo cũng giúp Fed hút tiền về mà không cần giảm quy mô bảng cân đối.
Trong tương lai, Fed hoàn toàn có thể sử dụng công cụ repo nghịch đảo cùng với việc điều chỉnh lãi suất quỹ liên bang và bảng cân đối kế toán.
Chẳng hạn, nếu nhận thấy chiến dịch thắt chặt tiền tệ đang diễn ra quá mạnh tay và tổn hại tới nền kinh tế, Fed có thể giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang và tốc độ bán tài sản, đồng thời âm thầm hạ lãi suất repo nghịch đảo.
Sự kết hợp chính sách này sẽ giải phóng một lượng thanh khoản vào hệ thống tài chính, hạn chế tác động tiêu cực của việc thắt chặt tiền tệ. Do hợp đồng repo nghịch đảo ít được dư luận chú ý tới nên Fed có thể sử dụng công cụ này khi không muốn bị mang tiếng là chùn tay trong cuộc chiến chống lạm phát.
- TIN LIÊN QUAN
-
Lạm phát 7,5% giống 'như cú đấm vào bụng Chủ tịch Fed', nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn? 12/02/2022 - 10:26
Khi Fed hạ lãi suất repo nghịch đảo về 0, các ngân hàng sẽ không còn động lực gì để tiếp tục cho Fed vay tiền và toàn bộ số tiền 1.800 – 2.000 tỷ USD trong các hợp đồng repo nghịch đảo hiện nay sẽ chảy từ Fed ra thị trường.
Muốn thấy số tiền trên lớn đến đâu, hãy thử so sánh với kế hoạch giảm quy mô bảng cân đối kế toán: Fed dự tính mỗi tháng hạ danh mục chứng khoán và hút bớt 95 tỷ USD khỏi nền kinh tế, tức là sau một năm mới hút được 1.140 tỷ USD, còn kém xa quy mô hợp đồng repo nghịch đảo hiện nay.
Việc theo dõi lãi suất repo nghịch đảo cũng như quy mô vay tiền của Fed thông qua công cụ này sẽ giúp nhà đầu tư nhận biết được khi nào ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu thay đổi lập trường chính sách từ thắt chặt sang nới lỏng, từ kiên quyết chống lạm phát sang ưu tiên tăng trưởng.