|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông trùm Phố Wall liệt kê loạt rủi ro rình rập kinh tế Mỹ

08:11 | 18/07/2022
Chia sẻ
Lạm phát cao, lãi suất tăng, căng thẳng địa chính trị, niềm tin người tiêu dùng sa sút nằm trong số những nguy cơ đe dọa nền kinh tế Mỹ, theo tỷ phú Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase.

JPMorgan Chase là ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo tài sản.

Cuối tuần trước, JPMorgan Chase công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu 31,63 tỷ USD và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) 2,76 USD, cả hai đều thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích.

Lợi nhuận thuần giảm 28% so với cùng kỳ năm trước còn 8,65 tỷ USD, một phần nguyên nhân là nhà băng lớn nhất nước Mỹ phải tăng trích lập dự phòng nợ xấu.

Giá cổ phiếu JPMorgan Chase hiện nay đang ở mức thấp nhất trong khoảng 20 tháng qua, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Trong cuộc họp báo với nhà phân tích, tỷ phú Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO của ngân hàng, cho rằng nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng nhưng cũng chỉ ra hàng loạt rủi ro đang rình rập.

Giá cổ phiếu JPMorgan đang ở đáy 20 tháng, hiện thấp hơn 30% so với đầu năm 2022.

Một mặt, ông Dimon nhận định “nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cả thị trường lao động và chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ở mức lành mạnh”.

Sau đó, vị tỷ phú chỉ ra hàng loạt dấu hiệu cảnh báo mà nhà đầu tư cần chú ý: “Căng thẳng địa chính trị, lạm phát cao, niềm tin của người tiêu dùng sa sút, những bất định về kế hoạch tăng lãi suất, thắt chặt định lượng chưa từng có tiền lệ và ảnh hưởng tới thanh khoản toàn cầu, cộng với cuộc xung đột ở Ukraine và tác hại tới giá năng lượng và lương thực toàn cầu, tất cả nhiều khả năng sẽ có tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới”.

Bình luận của ông Dimon được đưa ra hôm 14/7 khi nhà đầu tư đang tập trung đánh giá xem nền kinh tế Mỹ có đang rơi vào suy thoái hay không. Các dữ liệu vĩ mô mới đây gửi đi những thông điệp chưa thực sự rõ ràng.

Tín hiệu tích cực

Theo nhận định của các lãnh đạo JPMorgan Chase tại buổi công bố kết quả kinh doanh quý II, hiện nay chưa có tín hiệu nào cho thấy nền kinh tế Mỹ sắp suy thoái.

Như CEO Jamie Dimon đã nói, thị trường lao động Mỹ vẫn khá vững mạnh và tạo ra thêm 372.000 việc làm mới trong tháng 6, vượt xa ước tính 250.000 của Dow Jones. Trong khi đó, tiền lương trung bình theo giờ tháng 6 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo CNBC, chi tiêu của các hộ gia đình vẫn tăng, tuy tốc độ hơi chậm. Cụ thể, tiêu dùng tháng 5 tăng 0,2%, thấp hơn mức 0,4% mà các nhà kinh tế của Reuters kỳ vọng.

Tỷ phú Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO ngân hàng lớn nhất nước Mỹ JPMorgan Chase. (Ảnh: CNBC).

Trong chính các mảng hoạt động của JPMorgan cũng có những dấu hiệu cho thấy lĩnh vực tiêu dùng vẫn đang khỏe mạnh. Người dân vẫn chi tiêu vào các hàng hóa không thiết yếu như đi du lịch và ăn nhà hàng.

Tại bộ phận ngân hàng tiêu dùng và cộng đồng của JPMorgan, tổng chi tiêu qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ (credit card và debit card) tăng 15% trong quý II. Các khoản vay qua thẻ tăng 16% với số tài khoản mở mới tiếp tục ở mức cao.

Tuy nhiên, các tin tích cực có lẽ chỉ đến đây là hết.

Rủi ro đe dọa kinh tế

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua dự báo của các chuyên gia và là mức tăng cao nhất kể từ cuối năm 1981.

Nhân tố chính khiến lạm phát phi mã là giá nhiên liệu cao. Giá dầu thô WTI tại Mỹ hiện cao hơn đầu năm khoảng 28% so với đầu năm trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine làm nguồn cung thêm khan hiếm. Giá xăng tại Mỹ lập đỉnh lịch sử trên 5 USD/gallon (khoảng 1,3 USD/lit) trong tháng 6, nay đã hạ nhiệt một phần.

Giá nhiên liệu cao đã gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người dân. Đại học Michigan cho biết chỉ số tâm lý người tiêu dùng tháng 6 giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm và chạm mức thấp nhất trong lịch sử.

Áp lực lạm phát cao đã buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thắt chặt tiền tệ bằng cách nâng lãi suất và hút tiền về. Biểu đồ bên dưới cho thấy từ đầu năm 2022 đến nay, Fed đã nâng lãi suất ba lần: thêm 25 điểm cơ bản (bps) trong tháng 3, thêm 50 bps trong tháng 5 và 75 bps trong tháng 6.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất tới 100 bps trong cuộc họp ngày 26-27/7.

Sau hai lần giảm liên tiếp trong tháng 3/2020 đưa lãi suất về gần 0, Fed đã ba lần tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2022 và có thể sẽ hành động mạnh tay hơn trong cuộc họp 26 - 27/7 sắp tới.

Fed đã bắt đầu bán bớt tài sản để giảm cung tiền, qua đó giảm quy mô bảng cân đối kế toán. Cung tiền còn đi xuống vì Fed đẩy mạnh hút thanh khoản thông qua hợp đồng repo đảo ngược.

Tính đến tháng 7/2022, Fed đã hút khoảng 2.200 tỷ USD về thông qua hợp đồng repo nghịch đảo.

Lạm phát cao không chỉ tác động tới chính sách tiền tệ của Fed mà còn ảnh hưởng lớn tới môi trường chính trị của Mỹ.

Theo một khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Joe Biden gần đây đã giảm xuống còn 37% khi đa số người dân Mỹ cho rằng các chính sách của ông khiến cho tình hình kinh tế xấu đi. Chỉ khoảng 13% số người được hỏi đánh giá rằng điều kiện kinh tế hiện nay là “tuyệt vời/tốt”.

Trước khi điểm danh loạt nguy cơ với kinh tế Mỹ trong cuộc họp báo hôm 14/7, tỷ phú Jamie Dimon trong tháng 6 từng cảnh báo nhà đầu tư nên chuẩn bị cho một “trận cuồng phong kinh tế”.

Đức Quyền - Song Ngọc

Dragon Capital: Tiến trình nâng hạng, triển khai KRX sẽ thu hút thêm sự quan tâm của NĐT chứng khoán
Theo Dragon Capital, dù các yếu tố bên ngoài vẫn tiềm ẩn rủi ro nhưng các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam và nỗ lực hiện đại hóa của Chính phủ lại cho thấy triển vọng thị trường chứng khoán tích cực.