|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc bắt đầu gây hệ lụy đáng lo cho các nước khác

08:11 | 27/07/2022
Chia sẻ
Đức và Hàn Quốc bất ngờ ghi nhận thâm hụt thương mại với Trung Quốc trong tháng 6. Nhập khẩu của Trung Quốc suy giảm sẽ làm tổn thương các nền kinh tế từng hưởng lợi từ nhu cầu nội địa của nước này.

Một nhà sản xuất máy móc nông nghiệp ở Liên Vân Cảng, Trung Quốc. (Ảnh: Zuma Press). 

Bất ngờ khó chịu

Sự giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang ảnh hưởng tới các nước xuất khẩu lớn ở châu Âu và Đông Á thông qua sự sụt giảm nhu cầu dành cho hàng hóa chế tạo. Một điều hiếm có đã xảy ra: Đức và Hàn Quốc vừa ghi nhận thâm hụt thương mại với Trung Quốc.

Tháng 6 năm nay, nhập khẩu hàng hoá của Trung Quốc tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa toàn cầu đắt đỏ đồng nghĩa với việc số liệu này đã che giấu kết quả tồi tệ hơn của các sản phẩm chế tạo.

Dữ liệu hải quan mới công bố cho thấy kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao và hàng cơ khí, điện tử của Trung Quốc giảm khoảng 8% trong tháng trước. Có vẻ sẽ không có sự cải thiện nào trong tháng 7, khi mà kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc đã giảm 2,5% trong 20 ngày đầu tháng.

 

Theo bà Trinh Nguyen, nhà kinh tế thị trường mới nổi tại ngân hàng đầu tư Natixis, nguyên nhân chính của sự sụt giảm trên là tác động dai dẳng của các đợt phong tỏa, làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Bà đánh giá: “Những nước chịu tác động trực tiếp từ nhu cầu nội địa của Trung Quốc, đặc biệt là với sản phẩm chế tạo, dễ bị tổn thương hơn các nước khác”.

Tiếng tăm cường quốc nhập khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới của Trung Quốc thường làm lu mờ thực tế rằng phần lớn nhập khẩu của nước này là sản phẩm chế tạo, nhằm phục vụ cho cả nhu cầu nội địa lẫn để lắp ráp thành sản phẩm rồi tiếp tục xuất khẩu.

Đức và Hàn Quốc thường đạt thặng dư thương mại với Trung Quốc trong phần lớn thập kỷ qua. Nhưng trong tháng trước, cả hai đều bất ngờ ghi nhận thâm hụt, theo dữ liệu của Hàn Quốc và Trung Quốc.

Bà Trinh Nguyen nói thêm: “Sự sụt giảm của Trung Quốc xảy ra vào thời điểm xấu đối với những nước này vì hóa đơn nhập khẩu của họ đang phình to ra còn nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chính lại giảm mạnh". 

 

Không phải nhất thời

Tệ hơn nữa, một số sự suy giảm trong lĩnh vực nhập khẩu của Trung Quốc mang tính cơ cấu chứ không phải hiện tượng nhất thời.

Kim ngạch xuất khẩu xe điện của Trung Quốc nhảy vọt trong năm nay. Đồng thời, Giáo sư John Gong tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh cho biết chuỗi cung ứng xe điện tập trung nhiều vào Trung Quốc, qua đó làm giảm nhu cầu của nước này đối với linh kiện ô tô từ các nước như Hàn Quốc.

Ông Rory Green, trưởng chuyên gia nghiên cứu về châu Á tại TS Lombard cho biết: “Tôi dự doán các nền kinh tế thắng lớn trong đại dịch như Hàn Quốc và Đài Loan sắp bước vào giai đoạn thực sự khó khăn khi chu kỳ hàng hóa toàn cầu, Trung Quốc và chất bán dẫn đều chuyển biến tiêu cực”.

Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc phục hồi trong tháng 6 sau khi suy giảm liên tiếp hai tháng trước đó. Nhưng ông Craig Botham, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics cảnh báo sự tăng trưởng này sẽ không kéo dài lâu.

Ông nhận định: “Các mặt hàng xuất khẩu thông thường vốn nhắm vào người tiêu dùng đầu cuối không có hy vọng tăng trưởng vì người dân Trung Quốc thấy rằng họ đang ở trong tình cảnh bấp bênh. Và hàng hóa trung gian chỉ hữu ích khi nhu cầu xuất khẩu toàn cầu mạnh mẽ - nhưng tôi thấy nhu cầu đang giảm dần”.

 

Triển vọng mờ mịt

Các nhà kinh tế đang hạ thấp kỳ vọng cho nền kinh tế Trung Quốc bởi số ca nhiễm COVID-19 ở nước này vẫn duy trì ở mức cao, đồng nghĩa với nguy cơ phong tỏa lớn. Khủng hoảng trong thị trường bất động sản cũng đã trở nên trầm trọng hơn, làm phức tạp thêm vấn đề.

Theo khảo sát mới nhất của Bloomberg, dự báo trung vị cho tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022 đã rớt xuống còn 3,9%. Các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu trong quý này lần lượt là 7,8% và 5,4%.

Nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ Mỹ và châu Âu cùng sự phục hồi của hoạt động kinh tế sau khi Thượng Hải mở cửa, Trung Quốc ghi nhận thặng dư thương mại kỷ lục 98 tỷ USD trong tháng 6. Nhà kinh tế trưởng Botham dự đoán “nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đạt được thặng dư thương mại kỷ lục cho cả năm 2022” do nhu cầu nhập khẩu thấp.

Ông Le Xie, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại công ty dịch vụ tài chính Banco Bilbao Vizcaya Argentaria chỉ ra rằng trong kịch bản tươi sáng hơn, nhập khẩu của Trung Quốc có thể phục hồi và đạt được tốc độ tăng trưởng hàng năm 7-8%. Điều kiện là nền kinh tế Trung Quốc không phải hứng chịu thêm các đợt phong tỏa nghiêm ngặt trong nửa cuối năm.

Tuy nhiên, con số 7-8% vẫn sẽ là sự sụt giảm rõ rệt từ mức tăng trưởng 30% của năm 2021. Ông nói thêm: “Hoạt động nhập khẩu đi xuống sẽ là con đường chính mà sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc gây hệ lụy đến phần còn lại của thế giới”.

Giang