|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hai quan chức Fed chỉ ra lý do Mỹ cần cẩn thận với các đợt tăng lãi suất tương lai

21:40 | 11/10/2022
Chia sẻ
Phó Chủ tịch Lael Brainard cho rằng các đợt tăng lãi suất sẽ khiến nền kinh tế Mỹ chậm lại theo những cách mà Fed vẫn chưa lường được hết. Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago nhấn mạnh sẽ đến lúc ngân hàng trung ương Mỹ cần dừng lại để đánh giá tác động của việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

 

 Bà Lael Brainard, người có quyền lực lớn thứ hai tại Fed sau Chủ tịch Jerome Powell. (Ảnh: Bloomberg). 

Tác động khó lường trước

Tháng trước, các nhà hoạch định chính sách Mỹ ra hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong hàng thập kỷ nhằm đối phó với lạm phát. Đầu tuần này, hai quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã bắt đầu trình bày lý do Mỹ cần cẩn trọng với các động thái lãi suất tương lai.

Tại hội nghị cùng với các nhà kinh tế ở Chicago hôm 10/10, Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard chỉ ra rằng các đợt tăng lãi suất vừa qua và trong tương lai sẽ khiến nền kinh tế Mỹ chậm lại theo các cách chưa thể lường trước được.

Bà cho biết nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và duy trì chúng ở mức cao để đảm bảo lạm phát quay về mức mục tiêu 2%. Tuy nhiên, bài phát biểu của bà cũng cho thấy cơ sở để nhà đầu tư kỳ vọng rằng lạm phát sẽ sớm hạ nhiệt.

Bà nói: “Chúng ta cần chờ đợi để tác động tổng hợp của việc thắt chặt chính sách tiền tệ lan tỏa ra nền kinh tế và đẩy lạm phát xuống. Cho đến nay, đà giảm của nhu cầu dưới tác động của đợt thắt chặt chính sách mới chỉ diễn ra một phần”.

Fed đã tăng lãi suất thêm ba điểm % kể từ tháng 3 đến nay, tốc độ nhanh nhất kể từ đầu thập niên 1980. Tháng trước, các quan chức đã nâng khoảng lãi suất mục tiêu lên 3-3,25% và dự kiến lãi suất sẽ được kéo lên trên 4,5% vào đầu năm sau.

Hiện giờ, các nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm 0,75 điểm % tại cuộc họp tháng 11, tờ Wall Street Journal cho biết.  

Nên tạm ngơi tay

Cũng hôm 10/10, ông Charles Evans, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago nói rằng ngân hàng trung ương Mỹ nên kéo lãi suất lên trên 4,5% một chút vào tháng 3 năm sau và sau đó tạm ngừng để đánh giá phản ứng của nền kinh tế. Bà Brainard không tiết lộ quan điểm cá nhân về lộ trình tăng lãi suất.

Ông Evans lo ngại về khả năng Fed phản ứng thái quá với các số liệu lạm phát cao hơn dự kiến. Ông nói: “Chúng ta có thể sẽ gặp phải một số bất ngờ như vậy [việc lạm phát cao hơn dự đoán], và nếu trước đó Fed đã tăng lãi suất quá mạnh, thì rủi ro chúng tôi phản ứng thái quá sẽ gia tăng”.

Ông cảnh báo về hậu quả của việc tăng lãi suất “quá đà” và nhấn mạnh ngân hàng trung ương Mỹ cần xác định thời điểm để “tạm ngừng tay, đánh giá dữ liệu và diễn biến kinh tế”.

Trên lý thuyết, Fed có thể giảm lãi suất nếu thấy mình đã vung tay quá trán. Nhưng ông Evans nói rằng viễn cảnh này khó có thể xảy ra trong thực tế. Ông Evans tiết lộ thực chất Fed đã quyết định sẽ tăng lãi suất trong vài tháng tiếp theo tới các cấp độ được cho là sẽ hạn chế tăng trưởng mà không phụ thuộc nhiều vào dữ liệu căn bản.

Các quan chức Fed từng bày tỏ kỳ vọng rằng giá hàng hóa hạ nhiệt và các nút thắt của chuỗi cung ứng được tháo gỡ sẽ giúp lạm phát đi xuống trong những tháng tới. Tuy nhiên, họ cũng lo ngại lạm phát vẫn sẽ cao hơn hẳn mức mục tiêu 2% bởi tiền lương của người lao động đang tăng đáng kể và áp lực giá trong các ngành dịch vụ cần nhiều lao động kéo dài dai dẳng.

Phó Chủ tịch Brainard cũng nhắc đến rủi ro bất ổn tài chính trong bối cảnh doanh nghiệp và các tổ chức tài chính tìm cách xoay xở với lãi suất gia tăng. Tháng trước, ngân hàng trung ương Anh đã phải can thiệp để ổn định lợi suất trái phiếu Anh sau khi kế hoạch cắt giảm thuế và chi tiêu của chính quyền Thủ tướng Liz Truss khiến thị trường hỗn loạn.

Bà Brainard thừa nhận: “Thanh khoản trong các thị trường cốt lõi đang hơi mỏng”. Ở đây, bà Brainard nói đến khả năng nhanh chóng mua hoặc bán khối lượng lớn một số loại trái phiếu Kho bạc Mỹ hay chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp được chính phủ bảo lãnh.

Nhưng bà bác bỏ nhận định cho rằng khả năng tăng lãi suất của Fed sẽ bị kìm hãm bởi tỷ lệ nợ cao trong nền kinh tế. Bà chỉ ra rằng phản ứng chính sách của chính phủ Mỹ trong đại dịch đã cải thiện tình hình tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp, chẳng hạn như bằng cách tạo điều kiện để doanh nghiệp tái cấp vốn các khoản nợ đến hạn với lãi suất thấp hơn trước.

Giang

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.