|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cựu Chủ tịch Fed cùng hai giáo sư người Mỹ nhận giải Nobel Kinh tế nhờ nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng

17:54 | 10/10/2022
Chia sẻ
Vào ngày 10/10, Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2022 cho ba nhà nghiên cứu Ben S. Bernanke, Douglas W. Diamond và Philip H. Dybvig “do những nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính”.

Phần thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (900.000 USD) sẽ được chia đều cho ba nhà nghiên cứu nhận giải.

Ông Ben S. Bernanke, sinh năm 1953 tại Mỹ, đã trở thành Tiến sỹ vào năm 1979 tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ông từng giữ chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ năm 2006 đến 2014, và đã điều hành nền kinh tế Mỹ qua cuộc Khủng hoảng Tài chính 2008. Hiện ông đang giữ chức nhà nghiên cứu cao cấp về kinh tế tại Viện Brooking.

Trong cả sự nghiệp của mình, ông Bernanke tập trung nghiên cứu về cuộc Đại Khủng hoảng 1929 - 1933. Những hiểu biết của ông về khủng hoảng trong quá khứ đã phần nào giúp ông chèo lái Mỹ qua khủng hoảng tài chính 2008.

Ông Douglas W. Diamond, sinh năm 1953, nhận bằng Tiến sỹ tại Đại học Yale vào năm 1980. Ông dành nhiều công sức nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính. Hiện ông Diamond đang giảng dạy tại Đại học Chicago.

Ông Philip H. Dybvig sinh năm 1955 và đạt bằng Tiến sỹ cũng tại Đại học Yale. Ông nổi tiếng qua nghiên cứu cùng Tiến sỹ Diamond vào năm 1983 với mô hình “Diamond–Dybvig” mô tả khủng hoảng tài chính và hiện tượng rút tiền hàng loạt.

 

Theo Quỹ Nobel, những người đoạt giải năm nay trong Khoa học Kinh tế đã nâng cao đáng kể hiểu biết của chúng ta về vai trò của các ngân hàng với nền kinh tế, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng tài chính. 

Một phát hiện quan trọng trong nghiên cứu của các nhà kinh tế này là vì sao phải bảo vệ ngân hàng tránh khỏi nguy cơ sụp đổ.

Nghiên cứu về ngân hàng hiện đại đã làm rõ lý do tại sao chúng ta có ngân hàng và làm thế nào để làm cho chúng ít bị tổn thương hơn trong các cuộc khủng hoảng cũng như cách ngân hàng sụp đổ làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng.

Nền tảng của những nghiên cứu này được đặt ra bởi các ông Ben Bernanke, Douglas Diamond và Philip Dybvig vào đầu những năm 1980. Những phân tích này có tầm quan trọng thực tế to lớn trong việc điều tiết thị trường tài chính và đối phó với các cuộc khủng hoảng.

Để nền kinh tế hoạt động, tiết kiệm phải được chuyển sang đầu tư. Tuy nhiên, có một mâu thuẫn là: những người tiết kiệm muốn tiếp cận ngay lập tức vào tiền của mình trong trường hợp chi tiêu khẩn cấp, trong khi các doanh nghiệp và chủ nhà cần đảm bảo rằng không phải trả nợ trước hạn.

Lý thuyết của ông Diamond và Dybvig đã chỉ ra cách ngân hàng tìm giải pháp tối ưu cho vấn đề này. 

Bằng cách đóng vai trò trung gian chấp nhận tiền gửi từ nhiều người tiết kiệm, các ngân hàng có thể cho phép người gửi tiền tiếp cận tiền khi cần thiết, đồng thời cung cấp các khoản vay dài hạn cho người đi vay.

Nhưng phân tích trên cũng cho thấy sự kết hợp của hai hoạt động này khiến các ngân hàng dễ bị ảnh hưởng bởi những tin đồn về sự sụp đổ sắp xảy ra.

Nếu một số lượng lớn người gửi tiết kiệm đồng thời tìm đến ngân hàng để rút tiền, tin đồn có thể trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Một vụ rút tiền hàng loạt (bank run) có thể xảy ra và ngân hàng sẽ sụp đổ.

Những xu hướng nguy hiểm trên có thể được ngăn chặn thông qua việc chính phủ cung cấp bảo hiểm tiền gửi và trở thành người cho vay cuối cùng (lender of the last resort) đối với các ngân hàng thương mại.

Trong khi đó, ông Diamond đã chứng minh cách các ngân hàng thực hiện một chức năng xã hội quan trọng khác. Là trung gian giữa nhiều người gửi tiết kiệm và người đi vay, ngân hàng có vị thế phù hợp để đánh giá mức độ tín nhiệm của người đi vay và đảm bảo rằng các khoản vay được sử dụng để đầu tư tốt.

Ông Ben Bernanke đã phân tích về cuộc Đại Suy thoái những năm 1930, cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Ông cho thấy hoạt động của các ngân hàng là nhân tố quyết định khiến cuộc khủng hoảng này trở nên sâu sắc và kéo dài.

Khi các ngân hàng sụp đổ, thông tin có giá trị về người vay bị mất và không thể được tái tạo nhanh chóng. Do đó, khả năng của xã hội trong việc chuyển tiết kiệm thành đầu tư một cách hiệu quả đã giảm sút nghiêm trọng.

Ông Tore Ellingsen, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế cho biết: “Các nghiên cứu của những người đoạt giải đã cải thiện khả năng né tránh khủng hoảng nghiêm trọng và khoản cứu trợ đắt đỏ”.

Minh Quang