|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Loạt ngân hàng trung ương nối gót Fed tăng lãi suất: Việt Nam, Anh, Indonesia, Arab Saudi, …

20:53 | 22/09/2022
Chia sẻ
Sau khi Fed thông báo tăng lãi suất vào chiều 21/9, hàng loạt NHTW tại các quốc gia khác cũng nâng lãi suất nhằm mục tiêu chống lạm phát hoặc ổn định tỷ giá.

Fed tăng lãi suất vào chiều 21/9, NHTW nhiều nước nối gót theo sau.

Chiều 21/9 theo giờ Mỹ (tức rạng sáng 22/9 theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thông báo tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 75 điểm cơ bản.

Tại Trung Đông, các quốc gia Vùng Vịnh như Saudi Arabia và Bahrain cùng thông báo nâng lãi suất chính sách thêm 75 điểm cơ bản (bps) giống như quyết định của Fed. Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết mức lãi suất mới tăng thêm sẽ có hiệu lực từ ngày 22/9.

Các ngân hàng trung ương tại Indonesia, Thụy Sỹ, Anh và Na Uy cũng tham gia vào làn sóng nâng chi phí vay.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) chiều 22/9 thông báo nâng trần lãi suất huy động kỳ hạn 1-6 tháng từ 4% lên 5%, lãi suất tái cấp vốn từ 4% lên 5%, lãi suất tái chiết khấu từ 2,5% lên 3,5% và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 5% lên 6%.

Lạm phát của Việt Nam năm 2022 duy trì ở dưới ngưỡng 4% nhưng VND liên tục mất giá so với USD. Việc Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất sẽ giúp hạn chế đà giảm của VND.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đồng ý đẩy lãi suất từ 1,75% lên 2,25%, tương đương thêm 50 bps. Tỷ lệ lạm phát tại Anh giảm nhẹ từ 10,1% trong tháng 7 xuống còn 9,9% trong tháng 8 nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với mục tiêu dài hạn 2% của BoE.

Giá lương thực và năng lượng lên cao là những tác nhân lớn nhất gây ra lạm phát. Nhưng ngay cả khi loại bỏ hai nhóm hàng hóa này, tỷ lệ lạm phát lõi (core inflation) vẫn lên tới 6,3%. Tỷ lệ lạm phát toàn phần tại Anh được dự báo sẽ đạt đỉnh xấp xỉ 11% vào tháng 10, giảm so với mức dự báo trước đó là 13%.

BoE nâng lãi suất bất chấp nguy cơ suy thoái kinh tế đang hiện hữu. Trong quý II, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh đã giảm 0,1%. Ngân hàng Trung ương Anh ngày 22/9 dự báo GDP quý III sẽ tiếp tục giảm 0,1%, trái ngược với ước tính tăng trưởng 0,4% đưa ra trước đó.

Theo Reuters, ngân hàng trung ương của các nước tin chắc rằng việc kiểm soát đà tăng phi mã của giá cả là nhiệm vụ chính vào lúc này dù nền kinh tế nhiều khả năng sẽ chịu thiệt hại. Chi phí vay cao hơn sẽ khiến các hoạt động đầu tư, mở rộng sản xuất hay tiêu dùng đều giảm sút.

“Chúng ta phải đánh bại lạm phát”, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo chiều 21/9 sau khi tăng lãi suất. “Tôi ước gì có một cách không đau đớn để chống lạm phát, nhưng thực tế không có cách nào cả”.

 Chủ tịch Fed thừa nhận có thể phải đẩy nền kinh tế vào suy thoái để ghìm cương lạm phát.

NHTW Nhật Bản (BoJ) quyết định giữ nguyên lãi suất gần 0 để hỗ trợ cuộc hồi phục mong manh của nền kinh tế. Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng chính sách của BoJ sẽ không thể tiếp tục được lâu trong bối cảnh lãi suất tăng nhanh trên toàn cầu.

Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda nói: “Ở thời điểm hiện tại, không có bất cứ thay đổi nào trong lập trường duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Chúng tôi sẽ không nâng lãi suất trong một khoảng thời gian sắp tới”.

Đồng yen nhanh chóng bị bán tháo khiến giá trị so với USD rơi xuống mức thấp lịch sử. Lần đầu tiên kể từ năm 1998, các cơ quan quản lý của Nhật Bản phải can thiệp trên thị trường ngoại hối để hỗ trợ đồng tiền.

Trong khi đó, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chính sách tiền tệ kiểu ngược đời của mình bằng cách hạ lãi suất, bất chấp tỷ lệ lạm phát đang cao tới 80%/năm. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ rơi xuống đáy thấp kỷ lục so với USD.

Đức Quyền