|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngân hàng trung ương toàn cầu có thể tăng lãi suất nhanh hơn, mạnh hơn vào cuối năm nay

08:34 | 20/09/2022
Chia sẻ
Khi lạm phát dường như đang trở nên khó giải quyết hơn so với dự tính ban đầu, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đồng loạt ra những thông điệp về việc tăng lãi suất với tốc độ chóng mặt vào quý IV/2022.

Theo Financial Times, các nhà đầu tư đang kỳ vọng tốc độ tăng lãi suất sẽ nhanh hơn đáng kể trong những tháng tiếp theo sau khi các ngân hàng trung ương lớn coi trọng nhiệm vụ giải quyết lạm phát hơn tăng trưởng kinh tế.

Phân tích của Financial Times về kỳ vọng chi phí cho vay tại Mỹ, Anh và khu vực đồng Euro (Eurozone) cho thấy thị trường mong đợi tốc độ thắt chặt cao hơn trong quý cuối cùng của năm 2022 so với ba quý trước đó.

Tuần này Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Anh (BOE), Na Uy, Thụy Điển và Thụy Sỹ đều tổ chức những cuộc họp quan trọng.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Mỹ lạm phát cao hơn dự báo và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở cả hai bờ Đại Tây Dương đều cảnh báo rằng nếu không tăng lãi suất đủ nhiều, lạm phát cao sẽ khó lòng hạ xuống.

Ông Ethan Harris, nhà kinh tế tại Bank of America, cho biết: “Các ngân hàng trung ương đang hiểu rằng việc đưa lạm phát về mục tiêu khó như thế nào. Những ngân hàng này đang cố gắng truyền tải thông điệp đó đến thị trường”.

Thị trường ngày càng kỳ vọng các ngân hàng trung ương sẽ nâng mạnh lãi suất.

World Bank cũng đã phải lên tiếng lo ngại về việc các ngân hàng trung ương sẽ liên tục nâng lãi suất, kể cả khi đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. World Bank cảnh báo rằng các nhà hoạch định chính sách có nguy cơ khiến kinh tế toàn cầu suy thoái trong năm tới.

“Ngân hàng trung ương sẽ hi sinh nền kinh tế để đảm bảo lạm phát sớm được bình ổn”, ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics cho biết. “[Các ngân hàng này] hiểu rằng nếu thất bại, lạm phát sẽ trở thành cố hữu và dẫn đến suy thoái còn tồi tệ hơn”.

Kể từ tháng 6, theo nghiên cứu của Financial Times, 20 ngân hàng trung ương lớn của thế giới đã tổng cộng nâng lãi suất thêm 860 điểm cơ bản.

Tính đến hôm 16/9, thị trường đã tính đến việc Fed sẽ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản vào hôm 21/9 và kỳ vọng rằng lãi suất mục tiêu của Quỹ Liên bang sẽ vượt mốc 4% vào cuối năm, cao hơn hẳn 1 điểm % so với đầu tháng 8.

Thị trường cũng mong đợi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ đẩy lãi suất tiền gửi lên 2% vào cuối năm so với 0,75% hiện tại. Mức kỳ vọng lần này cao hơn tới 1 điểm % so với những gì mà các nhà đầu tư đã dự tính vào đầu tháng 8.

Ông Philip Lane, nhà kinh tế trưởng của ECB, cho biết lãi suất sẽ tăng “vài lần” trong năm nay và đầu năm sau.

Ông cho biết động thái này sẽ dẫn đến một số “nỗi đau” do tăng trưởng chậm lại và thất nghiệp tăng lên làm giảm nhu cầu. Phát biểu của ông Lane phản ánh nỗi lo của ECB rằng áp lực lạm phát đang chuyển từ năng lượng và thực phẩm sang nhưng sản phẩm và dịch vụ khác.

Lãi suất kỳ vọng vào cuối năm của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) dự kiến cũng sẽ cao hơn. Các nhà kinh tế phân vân giữa mức tăng 50 hoặc 75 điểm cơ bản trong lần bình chọn vào hôm 16/9.

Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ cũng dự kiến sẽ tăng lãi suất chính sách thêm từ 75 tới 100 điểm cơ bản vào hôm 22/9 tới đây, kết thúc 7 năm lãi suất âm.

Tỷ lệ lạm phát tại các nền kinh tế phát triển đang ở mức rất cao.

Ông Paul Hollingsworth, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại BNP Paribas cho rằng các ngân hàng trung ương đang “đẩy mạnh thắt chặt vào giai đoạn đầu của chu kỳ”, bất chấp những dấu hiệu cho thấy tăng trưởng đang yếu đi.

Sự thay đổi kỳ vọng lớn của thị trường đến sau khi các nhà hoạch định chính sách như Chủ tịch Fed Jay Powell và Thành viên ban điều hành ECB Isabel Schnabel đã đưa ra những thông điệp diều hâu tại hội nghị Jackson Hole vừa qua.

“Các nhà hoạch định chính sách đang chuyển những đợt tăng lãi suất dự kiến cho năm 2023 xuống năm 2022”, ông Krishna Guha, Phó Chủ tịch Evercore ISI cho biết. “Thế giới vào năm 2022 nhìn chung sẽ bị xáo trộn hơn nhiều so với chu kỳ thắt chặt thông thường”.

Các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tăng lãi suất với tốc độ chóng mặt trong năm 2022.

Kể từ hội nghị Jackson Hole, lạm phát tại Mỹ đã tỏ ra dai dẳng hơn kỳ vọng ban đầu, với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 8. Tại Eurozone, áp lực tăng giá cả dự kiến sẽ chạm mốc hai con số trong những tháng tới.

Gói hỗ trợ năng lượng trị giá 150 tỷ bảng Anh (GBP) của chính phủ Anh sẽ hạ lạm phát trong ngắn hạn, nhưng sẽ tạo thêm áp lực giá trong trung hạn bằng cách làm tăng nhu cầu tiêu thụ.

Các nhà quản lý như bà Schnabel của ECB đã ra tín hiệu rằng với việc lạm phát sẽ tiếp tục gần với mức kỷ lục trong tương lai gần, họ không còn tin vào các mô hình kinh tế cho thấy giá sẽ giảm trong những năm tới.

Mặc dù đa số lạm phát tại châu Âu vẫn là kết quả của việc giá năng lượng tăng mạnh do cuộc xung đột Ukraine, có nhiều tín hiệu từ khu vực đồng tiền chung cũng như Anh rằng áp lực giá cả đang lan rộng vào bám sâu hơn.

“Thông thường, các ngân hàng trung ương sẽ coi sự biến động giá cả này là tạm thời”, bà Jennifer McKeown, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics nói.

“Tuy nhiên trong một môi trường mà lạm phát cơ bản vốn đã cao, đồng thời kỳ vọng lạm phát và lương dường như sẽ tăng theo giá nhiên liệu, thì các nhà hoạch định chính sách tiền tệ sẽ không thể chấp nhận được rủi ro này”, bà giải thích.

Minh Quang