|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Đình công nổ ra ở châu Âu, nhà kinh tế đạt giải Nobel cảnh báo không nên tăng lương

10:17 | 22/06/2022
Chia sẻ
Hệ thống giao thông của Anh và Bỉ đình trệ vì các cuộc bãi công đòi tăng lương trong bối cảnh giá cả lên cao. Tuy nhiên, nhà kinh tế học đạt giải Nobel Christopher Pissarides cảnh báo rằng nâng lương để chống lại tác động lạm phát có thể làm tình hình trầm trọng thêm.

Nước Anh tê liệt

Theo New York Times, nước Anh đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng sau cuộc đình công lớn nhất trong vòng ba thập kỷ vào hôm 21/6. Vụ việc này đã khiến các chuyến tàu trên khắp đất nước ngừng hoạt động, phá hỏng kế hoạch du lịch của hàng triệu người và có thể là khởi đầu cho một mùa hè đầy các cuộc đình công của lao động Anh.

Sân ga Waterloo tại London vắng bóng nhân viên sau vụ bãi công. (Ảnh: AFP/Getty Images).

Sau khi các cuộc đàm phán cuối cùng giữa liên minh vận tải và nhà điều hành đường sắt sụp đổ vào đêm 20/6, hàng trăm chuyến tàu phải dừng lại trong ba ngày đầu tiên theo kế hoạch của cuộc đình công.

Tại London, các công nhân hệ thống tàu điện ngầm đình công trong một cuộc tranh chấp khác về lương hưu, khiến phần lớn thủ đô nước Anh bị đình trệ.

Các cuộc đình công là một thử thách lớn đối với Thủ tướng Boris Johnson, người đã kêu gọi các công đoàn thỏa hiệp khi đại dịch COVID khiến lượng người đi xe và doanh thu bán vé thấp hơn nhiều so với mức bình thường. 

Công đoàn đường sắt chính, Liên minh Công nhân Đường sắt, Hàng hải và Vận tải Quốc gia, gọi tắt là R.M.T., đang yêu cầu tăng lương phù hợp với tốc độ gia tăng của chi phí sinh hoạt.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 21/6 tại trụ sở của công đoàn, Tổng thư ký Mick Lynch, đã đổ lỗi cho chính phủ về cuộc đình công.

Ông nói, một thỏa thuận lẽ ra đã được thực hiện vào tháng 12, khi chỉ số giá bán lẻ tăng 7,1%. Kể từ đó, tỷ lệ lạm phát nhảy vọt lên 11,1% vào tháng 4, cao nhất kể từ năm 1982. 

Mức tăng lương mới nhất mà các nhà điều hành tàu hỏa đưa ra thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát, tuy nhiên, ông Lynch cho biết tiền lương không phải là biến số duy nhất.

Các công đoàn khác, bao gồm cả những công đoàn đại diện cho giáo viên và nhân viên của Dịch vụ Y tế Quốc gia, đang đe dọa đình công.

Hàng chục nghìn người đình công tại Bỉ

Theo Reuters, khoảng 70.000 công nhân Bỉ đã tuần hành qua thủ đô Brussels vào hôm 20/6 để yêu cầu chính phủ hành động để giải quyết chi phí sinh hoạt đang tăng mạnh. 

Cuộc đình công tại thủ đô Brussels hôm 20/6. (Ảnh: Reuters).

Các cuộc đình công kéo dài một ngày tại Sân bay Brussels và trên mạng lưới giao thông toàn quốc đã khiến việc đi lại của người dân gần như bị đình trệ.

Những người biểu tình mang theo cờ và biểu ngữ có nội dung "Tôn trọng hơn, lương cao hơn" và "Chấm dứt thuế tiêu thụ đặc biệt", trong khi một số đốt pháo sáng. 

Một số người yêu cầu chính phủ làm nhiều hơn, những người khác nói rằng người sử dụng lao động cần cải thiện điều kiện trả lương và làm việc. Các nghiệp đoàn cho biết khoảng 80.000 người đã có mặt. Cảnh sát đưa ra con số là 70.000 người.

Sân bay Brussels không thể cho phép các chuyến bay chở khách khởi hành vì đến cả nhân viên an ninh cũng tham gia bãi công, và hầu hết các chuyến bay đến cũng bị hủy bỏ.

Lạm phát của Bỉ đạt 9% vào tháng 6 do tác động của xung đột Ukraine đến chuỗi cung ứng cũng như khiến giá năng lượng và hàng hóa tăng cao.

Lạm phát của Bỉ và Anh đều cao kể  từ cuối năm 2021.

Thị trường lao động tồi tệ hơn

Ông Christopher Pissarides, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh tế London, nói với CNBC hôm 21/6 rằng thị trường lao động đang trải qua "một trong những giai đoạn khó khăn nhất".

“Thị trường lao động thậm chí còn tồi tệ hơn những năm 1970, chúng ta cần thực hiện những điều chỉnh lớn hơn. Những công nghệ mới mang lại sự tự động hóa khiến các nhà lãnh đạo công đoàn đang phàn nàn về tình trạng mất việc làm”, ông nói.

Ông Pissarides đoạt giải Nobel kinh tế năm 2010 nhờ công trình phân tích thị trường việc làm, cho biết “không có cách nào có thể tránh được nỗi đau”.

“Không còn nhiều lĩnh vực của nền kinh tế có công đoàn mạnh. Anh không có những ngành công nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước như trong những năm 70”, ông nói.

Giáo sư Pissarides cho biết khi toàn bộ ngành công nghiệp đình công vào những năm 1970, những công đoàn mạnh, có tiếng nói sẽ được chính phủ hỗ trợ, trong khi người lao động ít tiếng nói hơn phải chịu thiệt.

Vòng xoáy lạm phát

Cùng với những cú sốc bên ngoài đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu, Anh cũng đang đối phó với cái mà ông Pissarides gọi là lạm phát "được tạo ra trong nước". 

Các kế hoạch mạnh mẽ của chính phủ và chương trình hỗ trợ tài chính đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong suốt đại dịch, nhưng đã đẩy nợ công lên cao kỷ lục. Nợ chính phủ toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng lên mức đỉnh vào năm 2022.

Giáo sư Pissarides cho biết mối quan tâm chính về lâu dài là "tác động vòng hai" của lạm phát đang bắt đầu hình thành. Ông cho biết kỳ vọng tăng giá cả đang dẫn đến việc nâng lương, tạo thành "lời tiên tri tự ứng nghiệm" và một vòng xoáy đi lên đối với lạm phát, tức là tăng lương theo lạm phát sẽ khiến lạm phát lên cao hơn, rồi lại tăng lương, lại dẫn đến lạm phát, ...

Việc kìm hãm lạm phát tại Anh những năm 70 đã dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài trong cả thập niên 80.

“Việc tăng lương tương ứng với mức tăng giá cả mà Ngân hàng trung ương Anh đang dự báo sẽ đưa chúng ta đến rất gần với một vòng xoáy lạm phát”, ông cho biết. 

“Nếu vòng xoáy xảy ra, sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa để thoát khỏi lạm phát, ”ông nói. “Hãy nhớ vào những năm 70, phải mất ít nhất một thập kỷ để giải quyết lạm phát. Chính sách của Thủ tướng Thatcher đã gây ra rất nhiều thất nghiệp chỉ để chống lại lạm phát”.

Minh Quang

Vì sao số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao trong khi các chỉ số vĩ mô tích cực?
Trong năm 2024, dù hầu hết chỉ số kinh tế vĩ mô đều tích cực nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng cao. Điều này cho thấy, tính bền vững trong phục hồi của doanh nghiệp vẫn còn yếu và cần có dư địa chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi này.