Một báo cáo việc làm đẹp đẽ không phải là tin tốt với cả Fed và thị trường
Tin tốt lại hoá tin xấu
Trong giai đoạn kinh tế ổn định, công chúng thường sẽ thấy số liệu việc làm tăng mạnh và lương bổng đi lên là một điều tốt.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, đây chính xác là những gì mà nền kinh tế Mỹ không cần bởi các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng đẩy lùi lạm phát. Vì lẽ này, các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao báo cáo việc làm sẽ được công bố hôm nay (ngày 7/10).
Nhận định về tâm lý nhà đầu tư trước bản báo cáo việc làm mới, ông Vincent Reinhart - kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài chính Dreyfus-Mellon, cho hay: “Tin xấu tương đương tin tốt, tin tốt cũng không khác gì tin xấu. Vấn đề đang được nhà đầu tư quan tâm là chu kỳ thắt chặt chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)".
Theo khảo sát của Dow Jones, các nhà kinh tế dự đoán trong tháng 9, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tạo thêm 275.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 3,7%.
Các chuyên gia cũng ước tính rằng thu nhập trung bình hàng giờ tại Mỹ sẽ tăng khoảng 0,3% so với tháng trước và 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu kết quả thực tế cao hơn so với dự báo của Dow Jones, Fed có thể cần phải quyết liệt hơn nữa với lạm phát, đồng nghĩa rằng lãi suất phải tăng cao hơn. Ngược lại, số liệu thấp hơn có thể cung cấp một tia hy vọng cho nhà đầu tư rằng đà tăng của chi phí sinh hoạt đang giảm bớt.
Lo lắng của thị trường
Hãng tin CNBC cho rằng các nhà đầu tư đang rất lưu tâm đến tình trạng của thị trường lao động nhìn từ mức lương hiện nay.
Các nhà kinh tế của Dow Jones dự đoán mức lương sẽ tăng đến 5,1%, điều này chứng tỏ áp lực tiền lương “vẫn còn cao”, ông Beth Ann Bovino - kinh tế trưởng của S&P Global Ratings tại Mỹ, đánh giá.
Theo vị chuyên gia, thị trường đang có niềm tin rằng Fed sẽ mềm mỏng hơn. Số liệu tăng trưởng tiền lương tăng mạnh có thể buộc các nhà đầu tư phải cân nhắc lại. “Fed đang muốn mạnh tay hơn. Tiền lương tăng nóng chỉ càng củng cố dự định của họ”.
Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách đang tìm kiếm các “điểm mốc vàng” (Goldilocks) - tức các chính sách đủ mạnh để hạ nhiệt lạm phát nhưng đồng thời không quá gây hại đến mức kéo nền kinh tế vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng.
Bình luận từ giới chức Fed thời gian gần đây cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ vẫn coi việc lạm phát thoái lui là yêu cầu quan trọng nhất. Đồng thời, họ sẵn sàng hy sinh tăng trưởng kinh tế để biến điều đó thành hiện thực.
Chia sẻ tại một hội nghị mới đây, ông Neel Kashkari - Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis - cho hay: “Tôi muốn người Mỹ kiếm được nhiều tiền hơn. Tôi muốn các hộ gia đình có thêm thu nhập để mua thực phẩm.
Song, mong ước đó phải đi cùng với một nền kinh tế ổn định và lạm phát phải nằm quanh ngưỡng mục tiêu 2%. Tăng trưởng tiền lương hiện đang quá cao…Vì vậy, tôi có chút lo lắng”.
Tương tự, ông Raphael Bostic - Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, cho biết ông nghĩ cuộc chiến chống lạm phát “có thể chỉ mới ở giai đoạn đầu”, với bằng chứng là thị trường lao động vẫn còn vững mạnh.
Thống đốc Lisa Cook thì cho rằng lạm phát vẫn còn ở mức quá cao và bà hy vọng việc “tăng lãi suất liên tục” là cần thiết.
Tuy nhiên, mối lo gần đây của thị trường là Fed có thể đã hành động quá mạnh tay (thay vì quá nhẹ tay), vì một số thước đo cho thấy áp lực lạm phát đã nới lỏng phần nào.
Chẳng hạn, theo Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), khảo sát tháng 9 của họ cho thấy kỳ vọng giá cả của người dân đã tụt xuống quanh mức thấp nhất kể từ những ngày đầu của đại dịch.
Dữ liệu khác của Cục Thống kê Lao động (BLS) chỉ ra rằng giá giao hàng bằng xe tải đường dài đã giảm 1,5% trong tháng 8 và đã rút lui khỏi mức đỉnh xác lập hồi tháng 1 năm nay.
Sửa chữa sai lầm
Mặc một số lo lắng của thị trường tài chính, Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất và có khả năng đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, nếu không phải trong năm nay thì vào năm 2023.
“Fed đã từng mắc sai lầm, họ đã không đi tắt đón đầu khi áp lực lạm phát mới phình to. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần phải quyết tâm hơn nếu muốn giải quyết vấn đề lạm phát”, ông Reinhart của Dreyfus-Mellon cho hay.
“Do đó, suy thoái là không thể tránh khỏi. Chính sách của Fed có thể khiến triển vọng kinh tế xấu đi hơn nữa. Song, họ chỉ mắc sai lầm trong quá khứ, chứ không phải bây giờ. Fed đang cố bắt kịp lạm phát vì họ từng phạm phải sai lầm”, vị chuyên gia tiếp tục.
Kể cả khi số liệu việc làm tháng 9 yếu hơn dự đoán, Fed nhiều khả năng sẽ không phản ứng gì bởi đây chỉ là dữ liệu của một tháng duy nhất.
Bà Meghan Swiber - chiến lược gia lãi suất tại Bank of America, cho hay: “Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất đến khi thị trường lao động rạn nứt. Với chúng tôi, điều này có nghĩa là Fed tự tin rằng tăng trưởng việc làm đã chững lại và tỷ lệ thất nghiệp đang trên đà tăng”.
Tuy nhiên, có một trường hợp mà Fed dường như đã phản ứng với một hoặc hai điểm dữ liệu đơn lẻ.
Hồi tháng 6, ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ nâng lãi suất 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, do chỉ số CPI tăng mạnh so với dự đoán và kỳ vong lạm phát của người tiêu dùng cùng đi lên, Fed đã quyết định nâng 75 điểm cơ bản.
CIO Shannon Saccocia của SVB Private Bank nhận định rằng đó là một lời nhắc nhở cho nhà đầu tư rằng Fed đang tập trung cao độ vào lạm phát.