|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Credit Suisse trấn an nhà đầu tư: Giá cổ phiếu giảm quá nửa nhưng vốn và thanh khoản vẫn vững mạnh

17:09 | 03/10/2022
Chia sẻ
Cuối tuần vừa qua, các lãnh đạo cấp cao của Credit Suisse đã liên hệ với các khách hàng, đối tác và nhà đầu tư lớn để cố gắng xoa dịu những lo ngại về sức khỏe tài chính của ngân hàng Thụy Sỹ này.

Credit Suisse là một trong những ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ. (Ảnh: Reuters).

Theo Financial Times, chi phí bảo hiểm vỡ nợ tín dụng (CDS) đối với Credit Suisse tăng vọt trong ngày 30/9 cho thấy nhà đầu tư đang rất lo lắng về tình hình tài chính của ngân hàng này. Các quản lý của Credit Suisse đã phải dành ra những ngày cuối tuần để gọi điện trấn an các bên liên quan.

Một lãnh đạo Credit Suisse chia sẻ với Financial Times: “Các phòng ban đang tích cực làm việc với các khách hàng và đối tác lớn trong cuối tuần này. Chúng tôi cũng đã nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các nhà đầu tư hàng đầu với thông điệp ủng hộ”.

Vị lãnh đạo này phủ nhận các bài báo gần đây cho rằng Credit Suisse đã chính thức tiếp cận các nhà đầu tư về khả năng huy động thêm vốn. Vị lãnh đạo cho biết ngân hàng đang cố gắng không phát hành thêm cổ phần trong bối cảnh giá cổ phiếu đang thấp kỷ lục như hiện nay, chi phí vay cũng lên cao sau khi Credit Suisse bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm.

Giá cổ phiếu Credit Suisse lao dốc, tụt xuống dưới 4 franc Thụy Sỹ (CHF)/cp.

Riêng trong tháng 9, giá cổ phiếu Credit Suisse đã lao dốc hơn 21%. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá cổ phiếu tại ngày 30/9/2022 thấp hơn 57%. Chi phí bảo hiểm rủi ro vỡ nợ (CDS) của Credit Suisse bật tăng 50 điểm cơ bản (bps) trong hai tuần vừa qua lên mức 250 bps.

Trong bối cảnh đó, CEO Ulrich Körner đã gửi một thông báo nội bộ vào ngày 30/9 để cố trấn an toàn thể cán bộ nhân viên về tình hình vốn và thanh khoản của ngân hàng.

Sau đó, CEO Credit Suisse tiếp tục gửi thông báo tới các quản lý của ngân hàng vào hôm 2/10 về những điều cần nói với khách hàng, trong đó có đoạn: “Một điểm đáng quan tâm với nhiều bên liên quan, bao gồm những đồn đoán của giới truyền thông, tiếp tục là sức mạnh vốn và thanh khoản của chúng ta”.

“Vị thế của chúng ta đã rất rõ ràng. Tình hình vốn, thanh khoản và bảng cân đối kế toán của Credit Suisse rất vững mạnh. Những biến động của giá cổ phiếu không thể thay đổi được thực tế này”.

Lãnh đạo cấp cao của một doanh nghiệp mà Credit Suisse liên lạc nhận định rằng Credit Suisse là “ngân hàng lớn tồi tệ nhất ở châu Âu”, nhưng nhà băng này không phải chịu nguy hiểm cận kề.

"Tôi không nghĩ đây là một cuộc khủng hoảng”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này nói, đồng thời cho rằng việc giá cổ phiếu liên tục lao dốc phản ánh những khó khăn nghiêm trọng của Credit Suisse và hiện vẫn chưa có giải pháp khả thi nào.

Hoạt động của Credit Suisse tại quê nhà Thụy Sỹ vẫn đang có lãi lớn, mảng ngân hàng tư nhân toàn cầu cũng có thương hiệu mạnh, nhưng nhà đầu tư đặc biệt lo ngại mảng ngân hàng đầu tư có khối nợ ẩn với chi phí lớn.

CEO Ulrich Körner và Hội đồng quản trị của Credit Suisse do ông Axel Lehmann làm Chủ tịch sẽ cần trình bày một kế hoạch cải tổ vào ngày 27/10 để giải quyết những lo ngại của nhà đầu tư. Kết quả kinh doanh quý III cũng sẽ được công bố vào ngày này.

Ông Ulrich Körner, CEO ngân hàng Credit Suisse. (Ảnh: Credit Suisse).

Tháng trước, các nhà phân tích tại Deutsche Bank ước tính quá trình tái cấu trúc sẽ khiến cho Credit Suisse phải huy động thêm khoảng 4 tỷ franc Thụy Sỹ (CHF), tương đương 4 tỷ USD, vốn chủ sở hữu.

Một quản lý cấp cao của Credit Suisse cho biết nhà băng này sẽ bán bớt tài sản và thoái vốn để tái cơ cấu. Người phát ngôn của Credit Suisse từ chối đưa ra bình luận. 

CEO Ulrich Körner nói với các cán bộ nhân viên: "Chắc chắn sẽ có nhiều thông tin nhiễu loạn trên thị trường tài chính cũng như truyền thông trong thời gian từ nay đến cuối tháng 10. Tôi chỉ có thể nói với các bạn rằng hãy giữ vững kỷ luật và luôn bám sát khách hàng và đồng nghiệp nhất có thể".

Song Ngọc