Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sỹ và một trong những ngân hàng lớn nhất trên thế giới đang ngập trong rắc rối và phải gồng mình chiến đấu để sống sót.
Nếu có chuyện chẳng lành, thị trường toàn cầu có thể sẽ phải chịu cú sốc tương tự vụ phá sản của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers hồi tháng 9/2008. Sự kiện Lehman Brothers đã kích hoạt một trong những cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Khủng hoảng 1929-1933.
Ác mộng
Một năm trước, Credit Suisse có giá trị thị trường 22,3 tỷ USD. Hiện giờ, vốn hóa của ngân hàng chỉ vỏn vẹn 10,4 tỷ USD. Cổ phiếu Credit Suisse lao dốc 56,2% trong một năm xuống còn 3,98 USD/cp cuối phiên 30/9. Đây thực sự là cơn ác mộng với một ngân hàng từng chống chịu thành công với khủng hoảng tài chính 2008. Khi đó, giá Credit Suisse có suy giảm nhưng vẫn còn duy trì ở mức 45 USD/cp.
Điều gì đã xảy ra? Vì sao Credit Suisse lại trượt dài đến vậy?
Trong những ngày gần đây, các nhân viên Credit Suisse đi làm với tinh thần ảm đạm. Ngân hàng chưa tái ký hợp đồng với một số đối tác cung cấp. Vị trí của những người rời đi không có ai thay thế, nguồn tin tờ The Street cho biết. Đó là cách chữa bệnh bằng thắt lưng buộc bụng.
Các nhân tài lần lượt ra đi. Credit Suisse vừa để mất một trong những chuyên gia kỳ cựu nhất của mình là ông Jens Welter, đồng giám đốc bộ phận ngân hàng toàn cầu. Ông Welters gia nhập Citigroup sau 27 năm gắn bó với Credit Suisse. Một trong những người tìm bến đỗ mới khác là ông Daniel McCarthy, Giám đốc các sản phẩm tín dụng toàn cầu.
Ông Ulrich Körner, CEO Credit Suisse nói với nhân viên trong thông báo ngày 30/9: “Tôi biết rằng có rất nhiều sự không chắc chắn và đồn đoán trong và ngoài công ty. Tuy tôi không thể chia sẻ chi tiết kế hoạch chuyển đổi của chúng ta trước ngày 27/10, tôi muốn đảm bảo rằng các bạn sẽ nghe trực tiếp từ tôi trong khoảng thời gian thách thức này. Vì vậy từ nay tôi sẽ gửi thông tin cập nhật thường xuyên cho tất cả các bạn cho đến lúc đó”.
Trong lưu ý này, CEO Körner giải thích “hiện giờ là thời khắc mang tính quyết định” với ngân hàng. Ông cũng cảnh báo rằng những tin đồn và suy đoán sẽ tiếp diễn và ngày càng ồn ào.
Giá cổ phiếu và sức khỏe tài chính
Ông Körner trấn an nhân viên rằng giá cổ phiếu không phản ánh sức khỏe tài chính của ngân hàng. Ông nói: “Tôi tin rằng các bạn không nhầm lẫn giữa biến động hàng ngày của giá cổ phiếu với nền tảng vốn và vị thế thanh khoản vững mạnh của ngân hàng.
Chúng ta đang ở trong quá trình định hình lại Credit Suisse cho một tương lai lâu dài, bền vững - với tiềm năng đáng kể trong việc tạo ra giá trị. Tôi tự tin rằng chúng ta có những yếu tố cần thiết để thành công”.
Credit Suisse là ngân hàng đa năng, cung cấp các dịch vụ và sản phẩm truyền thống cho các khách hàng chủ yếu ở Thụy Sỹ. Nhưng Credit Suisse được biết đến trên toàn thế giới với hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư – giao dịch, sáp nhập và mua lại, trái phiếu, cổ phiếu và quản lý tài sản.
Ngân hàng đầu tư là hoạt động tạo ra nguồn doanh thu và lợi nhuận lớn cho Credit Suisse trong một thời gian dài. Nhưng cũng chính bộ phận này lại đang đẩy Credit Suisse vào tình thế khó khăn.
Các vụ bê bối
Sai lầm của bộ phận ngân hàng đầu tư đã đẩy Credit Suisse vào hàng loạt bê bối trong những năm gần đây, làm gợi lên đồn đoán về nguy cơ phá sản hoặc sáp nhập với đối thủ UBS.
Hai vụ bê bối lớn xảy ra liên tiếp trong năm 2021 và tạo ra các khoản lỗ vài tỷ USD cho ngân hàng. Đầu tiên là vụ phá sản của Greensill. Được thành lập vào năm 2011, công ty Anh này chuyên cho doanh nghiệp vay để trả tiền cho các nhà cung cấp dựa trên các khoản phải thu. Sau đó Greensill “đóng gói” các khoản nợ của doanh nghiệp thành sản phẩm tài chính rồi bán lại cho nhà đầu tư.
Chuỗi domino bắt đầu sụp đổ khi Credit Suisse và những nhà đầu tư khác nghi ngờ về giá trị thực của các khoản nợ và từ bỏ Greensill. Công ty nộp đơn xin phá sản vào tháng 3/2021. Credit Suisse đã đầu tư 10 tỷ USD tiền của khách hàng vào các sản phẩm của Greensill.
Vụ bê bối thứ hai xảy ra vào mùa xuân năm 2021, liên quan đến quỹ đầu cơ Archegos Capital Management của “Hổ con Phố Wall” Bill Hwang . Khi quỹ Archegos quản lý khoảng 10 tỷ USD, ông Hwang thuyết phục các ngân hàng - bao gồm Credit Suisse - cho vay 30 tỷ USD để ông đầu tư thêm nữa. Năm 2020, ông đầu tư mạnh vào công ty truyền thông ViacomCBS và chứng kiến giá cổ phiếu tăng vọt.
Thời khắc sinh tử
Đến đầu năm 2021, Credit Suisse yêu cầu Archegos ký quỹ. Ông Hwang hứa sẽ giảm rủi ro. Nhưng đến tháng 3/2021, cổ phiếu ViacomCBS sụp đổ và ngân hàng yêu cầu Archegos bù đắp các khoản lỗ. Archegos không làm được và kết quả là quỹ của ông Hwang phá sản.
Cuộc điều tra độc lập do Credit Suisse yêu cầu đã phát hiện ra những thiếu sót trong quản lý rủi ro và giám sát , cũng như không ưu tiên cho việc giảm thiểu rủi ro và các biện pháp cải thiện.
Để tránh phá sản, Credit Suisse hứa sẽ trình bày kế hoạch chiến lược vào ngày 27/10. Thị trường dự đoán rằng kế hoạch này sẽ bao gồm việc thoái vốn khỏi hoạt động ngân hàng đầu tư, “tội đồ” cho rắc rối của Credit Suisse.
Hôm 26/9, ngân hàng cho biết “đang đi đúng tiến độ trong việc xem xét chiến lược toàn diện, bao gồm cả phương án thoái vốn và bán tài sản”. Những người trong ngành nói rằng để sống sót, Credit Suisse cần tập trung lại vào mảng quản lý tài sản.