Từ khách hàng lí tưởng, người sáng lập chuỗi cà phê Luckin Coffee trở thành cơn ác mộng của Credit Suisse
Trước khi vụ bê bối kế toán khiến giá cổ phiếu Luckin Coffee mất phần lớn giá trị, Lu Zhengyao, người sáng lập Luckin Coffee, là khách hàng lí tưởng đối với tập đoàn tài chính Credit Suisse, theo South China Morning Post.
"Tôi không nhớ nổi tôi đã ăn bao nhiêu bữa tối với Lu ở Bắc Kinh và ông ấy đúng là hình mẫu lí tưởng của khách hàng mà chúng tôi mong ước", Tidjane Thiam, cựu tổng giám đốc Credit Suisse, từng phát biểu như vậy trong một cuộc họp báo năm ngoái, khi ông vẫn điều hành tập đoàn.
Cơn ác mộng bắt đầu hôm 2/4, khi Luckin Coffee thừa nhận giám đốc vận hành của họ đã làm giả số liệu doanh thu bằng cách tăng con số lên tới 2,2 tỉ nhân dân tệ (310 triệu USD).
Ngay lập tức, giá cổ phiếu của Luckin Coffee giảm hơn 80% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa thị trường ngày 2/4, khiến giá trị vốn hóa của công ty giảm gần 5 tỉ USD. Ngày 23/5, giá cổ phiếu Luckin Coffee trên Sàn giao dịch Nasdaq tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,4 USD.
Ông Lu và bà Jenny Zhiya Qian, giám đốc điều hành Luckin Coffee khi đó, thế chấp cổ phiếu Lucking Coffee để vay nợ. Giờ đây, những ngân hàng cho họ vay tiền đang đối diện nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu USD trong bối cảnh cổ phiếu của Luckin Coffee sắp phải rời khỏi thị trường chứng khoán Mỹ.
Sự sụp đổ bất ngờ của Luckin Coffee khiến nhiều tổ chức tài chính chịu ảnh hưởng tiêu cực, song có lẽ Credit Suisse chịu tổn thất lớn nhất. Không chỉ tuột mất cơ hội phát hành cổ phiếu của Luckin Coffee ở thị trường chứng khoán Hong Kong, Credit Suisse còn chứng kiến mức lỗ khoản vay của chi nhánh của họ ở châu Á - Thái Bình Dương tăng gấp 5 lần, chủ yếu do vụ vỡ nợ của Lu.
Credit Suisse đang điều tra nội bộ về vụ việc, và tăng mức giám sát đối với những khoản vay dành cho doanh nghiệp Trung Quốc, theo nhiều nguồn tin bên trong Credit Suisse.
Mặc dù không ai cáo buộc Lu hành động sai, việc Luckin Coffee thừa nhận giám đốc điều hành và giám đốc vận hành "xào nấu" sổ sách kế toán để tăng doanh thu thêm 310 triệu USD cho thấy rủi ro lớn mà các ngân hàng đối mặt khi hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc, sau hàng loạt bê bối kế toán.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là một trong những yếu tố cốt lõi đối với chiến lược kinh doanh của Credit Suisse ở châu Á.
"Luckin Coffee là một câu chuyện để mọi người thấy hậu quả của việc các ngân hàng làm ngơ những tiêu chuẩn thẩm định lỏng lẻo. Luckin Coffee thể hiện nhiều dấu hiệu của mô hình kinh doanh tăng trưởng nhanh nhưng rủi ro cao", giáo sư Mark Williams, một giảng viên của Đại học Boston và từng là nhà thẩm định của ục Dự trữ liên bang Mỹ, phát biểu.
Hồi tháng 12/2018, Bloomberg đã nhận định Luckin Coffee phải đốt rất nhiều tiền của các nhà đầu tư để mở rộng quy mô và thu hút khách hàng bằng các đợt khuyến mãi hào phóng. Luckin Coffee chi tới 152 NDT (hơn 21 USD) cho mỗi 100 NDT (khoảng 14 USD) cà phê mà họ bán.
Bắt đầu với quán cà phê đầu tiên tại Bắc Kinh từ năm 2017, Luckin Coffee giờ đây sở hữu khoảng 4.500 điểm bán hàng nội địa, lớn hơn đáng kể so với con số 4.300 của đối thủ Mỹ Starbucks ở thị trường Trung Quốc.
Trước khi bê bối lộ diện, Chủ tịch Lu và vợ sở hữu 30% cổ phần Luckin Coffee, còn cựu giám đốc điều hành Qian sở hữu 20% cổ phần. Hồi giữa tháng 5, hội đồng quản trị đã chính thức sa thải Qian cùng giám đốc vận hành Jian Liu.