Những triệu phú xuất hiện ở Đông Nam Á nhờ lệnh cấm nhập khẩu rác của Trung Quốc
Năm 2017, Trung Quốc thông báo với WTO rằng họ sẽ ngừng nhập khẩu rác và 4 loại vật liệu tái chế - bao gồm cotton, giấy phế liệu, và nhựa.
Vào thời điểm ấy, Trung Quốc đã có một tầng lớp trung lưu mạnh, có thể tạo ra lượng rác nội địa đủ lớn để tái chế mà không cần mua và tái chế rác của thế giới. Họ gọi chính sách hạn chế nhập khẩu rác là Chiến dịch Quốc kiếm, về thực chất là một phong trào nhằm phát triển các nhà máy tái chế nội địa tốt hơn và để quan tâm đất nước trước tiên, cải thiện cả môi trường lẫn nhận thức của công chúng.
Cú sốc (mà Chiến dịch Quốc kiếm gây nên) xuất hiện ngay lập tức. Gần như sau một đêm, toàn bộ ngành tái chế nhựa và giấy bị đẩy tới tình trạng tê liệt.
Hoạt động của nhà máy tái chế rác lớn nhất nước Mỹ. Video: Insider
Ở giai đoạn cao trào, các nhà máy tái chế vật liệu có thể bán các kiện nhựa với giá 300 USD/tấn. Nhưng do nhu cầu của Trung Quốc biến mất, giá giảm xuống mức dưới 40 USD/tấn chỉ trong vài tháng.
Bắc Kinh ban hành qui định nghiêm ngặt về loại rác mà họ sẽ nhập khẩu, phần lớn liên quan tới mức độ sạch của rác. Trung Quốc sẽ không chấp nhận loại rác chất lượng thấp, và có nhiều tin đồn rằng họ sẽ ngừng nhập khẩu mọi loại rác vào năm 2020.
Chỉ trong thời gian ngắn, một ngành làm sạch rác đã xuất hiện ở nhiều nước như Thái Lan, Malaysia - nơi người ta làm sạch rác tái chế trước khi chuyển nó sang Trung Quốc, và nhiều tỉ phú đã xuất hiện ở những nước ấy do sự bùng nổ của phong trào kinh doanh này.
Thật không may, Phương Tây vẫn không có cơ sở hạ tầng để thực hiện tái chế rác nếu không có sự hỗ trợ của Trung Quốc. Tới thời điểm hiện tại, người dân vẫn còn có thể ném nắp hộp sữa chua, mắc áo và tờ báo vào cùng một thùng rác và để việc phân loại chúng cho công nhân nhà máy ở Trung Quốc.
Phương Tây phải tìm ra những giải pháp mới để xử lí hoạt động tái chế rác do ảnh hưởng của Chiến dịch Quốc kiếm. Đây là một thị trường lớn, với giá trị hàng trăm tỉ USD trên phạm vi toàn cầu. Do Trung Quốc rút lui, các nước đang phát triển khác có động cơ lớn để tham gia.
Mặc dù vậy, các yếu tố kinh tế sẽ không thể giải quyết vấn đề. Giải pháp dễ dàng hơn là chúng ta phải giảm mức tiêu thụ. Một số quốc gia, như Canada, đã thực thi các chính sách để chống tình trạng bùng nổ rác bằng việc áp lệnh cấm đối với đồ nhựa dùng một lần như túi nilon và ống hút nhựa.
Chủ trương này tự nhiên khuyến khích các nhà sản xuất thiết kế bao gói tốt hơn để giảm rác. Chẳng hạn, các cửa hàng thực phẩm ở Thái Lan và Việt Nam, đã thử nghiệm loại vật liệu bao gói bằng lá chuối thay vì túi nilon.
May mắn cho phương Tây, các công nghệ tái chế tốt hơn đang được phát triển. Những nhà máy tái chế mới đang mọc lên ở nhiều quốc gia như Thụy Điển, Hà Lan và sử dụng máy phân loại quang học công nghệ cao hiệu quả hơn công nhân.
Dẫu sao thì, ngay cả khi chúng ta tin rằng các doanh nghiệp mới sẽ xuất hiện để giải quyết khủng hoảng tái chế ở phương Tây, giải pháp hiệu quả hơn vẫn là chúng ta giảm thiểu lượng nhựa và giấy mà chúng ta sử dụng.