|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lí do khiến chuyện Tiki và Sendo sáp nhập sẽ hấp dẫn

07:40 | 25/05/2020
Chia sẻ
Ít nhất 2 lí do khiến việc Tiki và Sendo sáp nhập trở nên rất hấp dẫn, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam.

Mới đây, nguồn tin của trang DealStreetAsia bất ngờ cho biết Tiki và Sendo đã đạt thoả thuận sáp nhập. Trước đó, DealStreetAsia cũng đưa tin tương tự hồi tháng hai năm nay. Cả Tiki và Sendo đều không khẳng định song cũng không phủ nhận khả năng sáp nhập.

Hồi cuối tháng 4, việc Tiki bất ngờ lập một gian hàng trên Sendo với tên gọi Tiki Trading Platinum Mall khiến nhiều người đồn đoán về khả năng sáp nhập bởi thực tế việc một sàn thương mại điện tử (TMĐT) mở gian hàng trên nền tảng của đối thủ vốn là chuyện chưa có tiền lệ tại Việt Nam.

Trong bối cảnh TMĐT vẫn là một cuộc đua đốt tiền và thậm chí tình hình còn đang khó khăn hơn vì đại dịch COVID-19, vì sao sáp nhập có thể là phương án mà Sendo và Tiki tính đến ở thời điểm này?

Cuốc chiến trường vốn giữa nhóm "nội" và "ngoại"

Vì sao 2 sàn TMĐT nội địa Tiki và Sendo tính chuyện sáp nhập? - Ảnh 1.

Trong quí I, Shopee vẫn là nền tảng dẫn đầu thị trường Việt Nam trên tiêu chí lượng truy cập web mỗi tháng với 43,16 triệu lượt truy cập. Các vị trí tiếp theo thuộc về hai sàn Thế Giới Di Động và Tiki với lần lượt 28,59 triệu lượt truy cập và 23,99 triệu lượt truy cập. Lazada xếp ở vị trí số 4 với 19,76 triệu lượt truy cập. Sendo kết thúc quý 1 với vị trí số 5 cùng 17,59 triệu lượt truy cập.

Shopee là sàn TMĐT đứng đầu về lượng truy cập web tại Việt Nam từ quý 3/2018 và đến nay vẫn chưa có đối thủ nào soán thành công ngôi vị dẫn đầu.

Một xu hướng cũng nổi bật trong bức tranh TMĐT Việt Nam trong 4 quí gần nhất là sự đi xuống trong lưu lượng truy cập vào Tiki và Sendo. Dù rằng lưu lượng truy cập không nói lên toàn cảnh "túi tiền" của các trang TMĐT, nó cho thấy một phần tình hình hoạt động của chúng.

Dù thế, các trang TMĐT nội địa như Tiki, Sendo hay Thế Giới Di động vẫn đang cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ ngoại như Shopee hay Lazada.

Vì sao 2 sàn TMĐT nội địa Tiki và Sendo tính chuyện sáp nhập? - Ảnh 2.

Lỗ luỹ kế tại Việt Nam tính tới hết năm 2019 của các sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam. Nguồn: Tổng hợp, Đồ hoạ: Thái Sơn

Xét về khả năng "trường vốn", Tiki hay Sendo khó so sánh với Shopee hay Lazada. Nếu như Shopee hay Lazada có nguồn lực tài chính dồi dào từ những công ty mẹ lần lượt là SEA Ltd và Alibaba thì Tiki và Sendo lại phải tự lực gọi vốn từ những nhà đầu tư.

Trong một bài phỏng vấn với VTV, ông James Dong, TGĐ Lazada Việt Nam, thẳng thắn thừa nhận Alibaba đang dùng một phần lợi nhuận dồi dào từ hoạt động TMĐT ở Trung Quốc để đầu tư vào Việt Nam. "Miễn là chúng tôi vẫn đang phục vụ nhà bán và người dùng ngày càng tốt hơn, thời gian là bạn của chúng tôi", ông James Dong, chia sẻ.

Mặc dù Shopee vẫn lỗ trên từng đơn hàng, lợi nhuận dồi dào từ mảng trò chơi điện tử của SEA Ltd vẫn đủ sức để "ông lớn" này đốt tiền với Shopee.

Ngược lại, nhóm "tự lực cánh sinh" như Tiki hay Sendo, vốn sử dụng đồng vốn của nhà đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng, ít nhiều đang cảm thấy áp lực từ thị trường vốn.

Sau những sự vụ với startup lớn trên thế giới như WeWork hay "mùa đông" mà COVID-19 tạo ra, các nhà đầu tư đang thận trọng hơn bao giờ hết với đồng vốn. Vì thế, các startup chưa có lợi nhuận ngay có thể sẽ khó gọi vốn thành công, ít nhất trong ngắn hạn.

Việc sáp nhập giữa Tiki và Sendo có thể tạo ra một doanh nghiệp mạnh mẽ hơn về vốn để tiếp tục cạnh tranh trên thị trường.

Sáp nhập để tạo ra bức tranh hoàn hảo hơn

Vì sao 2 sàn TMĐT nội địa Tiki và Sendo tính chuyện sáp nhập? - Ảnh 3.

Tiki và Sendo khi kết hợp sẽ tạo ra một hệ sinh thái khách hàng rộng khắp nhờ kết hợp thế mạnh của nhau. Ảnh: Freepik

Để trở thành đế chế TMĐT lớn nhất thế giới, Alibaba đã thâu tóm khoảng 100 doanh nghiệp khác nhau. Xu hướng sáp nhập, thâu tóm trong mảng TMĐT cũng sẽ diễn ra ở Việt Nam, theo giới phân tích, và Sendo – Tiki có thể nằm trong số đó.

Việc Tiki và Sendo sáp nhập rất hợp lí khi đặt cạnh chiến lược kinh doanh của họ. Trong khi Tiki có những lợi thế ở khu vực thành thị, tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM thì Sendo lại có chiến lược "lấy nông thôn vây thành thị" và xây dựng hình ảnh tốt với khách hàng ở các khu vực nông thôn.

Nếu thương vụ sáp nhập giữa Sendo và Tiki thành công, mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp mới sẽ củng cố thông qua sự bổ trợ từ thế mạnh của hai doanh nghiệp trước đó.

Thương mại điện tử vẫn là điểm sáng nhất trong nền kinh tế Internet của Đông Nam Á. Có nhiều lễ hội mua sắm giá tốt, các nội dung giải trí trong ứng dụng và tốc độ giao hàng nhanh hơn, thị trường được kì vọng sẽ tăng trưởng 4 lần từ 38,2 tỉ USD vào năm 2019 tới 153 tỉ USD trong năm 2025. 

Phần lớn tăng trưởng sẽ đến từ Indonesia với thị trường thương mại điện tử có thể tăng từ 21 tỉ USD đến 82 tỉ USD, theo báo cáo của Google, Bain và Temasek.

Dù vậy, Việt Nam nổi lên như nền kinh tế có tốc độ số hoá mạnh mẽ nhất trong khu vực với tổng giá trị hàng hoá của nền kinh tế Internet chiếm hơn 5% trong tổng sản phẩm quốc nội năm 2019. Số liệu trung bình của khu vực Đông Nam Á đạt 3,7%. Thương mại điện tử là động lực thúc đẩy chính cho Việt Nam, nơi các sàn thương mại điện tử nội địa như Sendo hay Tiki cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ lớn trong khu vực như Shopee hay Lazada.

Thái Sơn