|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

USD tăng không ngừng nghỉ, nhà đầu tư không loại trừ khả năng các nước can thiệp tiền tệ

15:08 | 03/10/2022
Chia sẻ
Đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục nới dài đà tăng. Điều này càng làm dấy lên đồn đoán rằng chính phủ các nước sẽ can thiệp thị trường tiền tệ - một động thái bất thường và hiếm có trong nhiều thập kỷ qua.

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

Mới đây, MLIV Pulse vừa thực hiện một cuộc khảo sát trên 795 chuyên gia tài chính và nhà đầu tư về triển vọng của đồng USD.

Kết quả cho thấy, khoảng hai phần ba số người được phỏng vấn tin rằng chỉ số USD giao ngay của Bloomberg sẽ tăng lên mức cao mới trong tháng tới.

Khoảng 45% dự đoán các cường quốc hàng đầu thế giới sẽ cùng can thiệp vào thị trường tiền tệ để làm suy yếu đồng USD, dù Mỹ đã bác bỏ thông tin về động thái đó.

Mặt khác, khoảng 42% tin rằng Nhật Bản sẽ tự lực thúc đẩy đồng yen mà không có sự giúp đỡ của các nước khác.

Tác hại của đồng USD quá mạnh

Đồng bạc xanh phi mã trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất mạnh tay để khống chế lạm phát, khiến thị trường tài chính toàn cầu rơi vào hỗn loạn. Điều này buộc nhà đầu tư phải trú ẩn vào những tài sản an toàn như USD.

Hiện, đà tăng không ngừng nghỉ của USD đang làm trầm trọng thêm thách thức kinh tế của các quốc gia trên khắp thế giới bởi đồng tiền này khiến giá thực phẩm và nhiên liệu nhập khẩu lên cao hơn; đồng thời, gây thêm áp lực cho nhiều ngân hàng trung ương.

Đồng USD đắt đỏ cũng là một lực cản đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ, bởi nó gián tiếp làm giảm doanh thu mà họ tạo ra ở thị trường nước ngoài.

Gần 90% người tham gia khảo sát của MLIV Pulse dự đoán thu nhập quý III sẽ cho thấy tác động nhiều hơn của đồng USD tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng USD quá mạnh cũng đang gây hại cho nhà đầu tư chứng khoán. Gần 90% số người được hỏi cho biết tác động sẽ rõ ràng hơn trong quý III.

Khi cắt giảm triển vọng kinh doanh hồi tháng 6, Microsoft cảnh báo rằng đồng USD đang làm tổn hại đến lợi nhuận của tập đoàn.

Trong mùa công bố báo cáo tài chính quý II, các nhà phân tích và giám đốc cấp cao của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã nhắc đến đồng USD hơn 1.000 lần - nhiều nhất trong ba năm qua.

Trao đổi với Bloomberg, ông Joseph Lewis - trưởng bộ phận ngoại hối của ngân hàng Jefferies, cho hay: “Đối với hầu hết doanh nghiệp, mức tăng 5% hoặc 10% của một đồng tiền tệ là điều họ có thể bỏ qua, nhưng tăng tới 20% thì không”.

Vị chuyên gia dự đoán: “Trong thời gian tới, xu hướng tăng của đồng USD sẽ tiếp tục. Trong dài hạn, thế giới sẽ thay đổi và một vài đồng tiền khác có thể phục hồi”.

 

Trong năm nay, chỉ số USD của Bloomberg đã bật tăng 14%. Đồng bảng Anh và yen Nhật là hai trong số các đồng tiền ghi nhận sự tụt giá mạnh nhất so với đồng bạc xanh.

Cuối tháng 9 vừa qua, đồng bảng đã rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử so với USD, do nhà đầu tư lo ngại về kế hoạch cắt giảm thuế và các biện pháp kích thích tài khoá khác của chính quyền tân Thủ tướng Liz Truss.

Nhật Bản đã chi 19,7 tỷ USD cho lần can thiệp thị trường đầu tiên kể từ năm 1998 để củng cố đồng nội tệ. Song, động thái bất ngờ này không mang lại kết quả lâu dài. Khác với Fed, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đang duy trì chính sách khá lỏng lẻo.

Bà Nancy Davis - nhà sáng lập của công ty quản lý tài sản Quadratic Capital Management, bày tỏ: “Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương đang tồn tại khác biệt lớn”.

“Trong khi Fed giữ lập trường diều hâu thì các đồng nghiệp ở nước ngoài lại ôn hoà hơn. Điều này làm cho đồng USD trở nên cực kỳ mạnh mẽ”, bà nói, đề cập đến BoJ hay Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC).

Can thiệp để khống chế đồng USD

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden hầu như không có động lực nào để làm suy yếu đồng USD, vì điều đó có thể làm gia tăng áp lực lạm phát tại Mỹ. Ông Brian Deese - Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, cũng không kỳ vọng các nước lớn sẽ phối hợp kìm hãm sức mạnh của đồng bạc xanh.

Tuy nhiên, những người trả lời phỏng vấn của MLIV Pulse nhận định rằng một đợt tăng giá mạnh hơn của đồng tiền có thể buộc chính phủ các nền kinh tế lớn phải bắt tay vào chống lại USD.

Lần cuối cùng các nước lớn phối hợp hành động nhằm hạ nhiệt đồng USD là vào những năm 1980, khi Anh, Pháp, Tây Đức, Nhật Bản và Mỹ đồng ý tham gia Hiệp định Plaza.

Năm 2011, được G7 ủng hộ, Nhật Bản đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để kiềm chế đà tăng vũ bão của đồng yen sau thảm hoạ kép cùng năm. Các nước G7 cũng từng hợp tác để củng cố đồng euro vào tháng 9/2000.

Bất kỳ sự phối hợp can thiệp tiềm năng nào cũng có thể giúp các đồng tiền khác phục hồi so với USD. Trong hai tháng sau Hiệp định Plaza, đồng USD đã giảm hơn 10% và trong hai năm tiếp theo, nó sụt tổng cộng gần 50%.

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đã tăng cường mua vào đồng USD. Do đó, việc các nước can thiệp để đẩy USD đi xuống sẽ kích hoạt một làn sóng bán tháo.

Đồng bảng Anh và euro đã rơi vào một cuộc khủng hoảng tiền tệ. “Một số ngân hàng trung ương có thể phải cùng can thiệp nếu xu hướng này tiếp tục”, nhà phân tích Adrian Zuercher của UBS Global Wealth Management nhận định.

Yên Khê