Fed tăng lãi suất và đồng USD mạnh lên nhưng khủng hoảng tài chính châu Á khó tái hiện
Lịch sử khó lặp lại
Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998, nền kinh tế thế giới từng phải chứng kiến việc lãi suất tại Mỹ tăng cao và đồng USD vùng lên mạnh mẽ. Năm nay, bối cảnh này đang tái hiện.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, châu Á khó có thể rơi vào cuộc khủng hoảng tương tự dù một số nền kinh tế trong khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương bởi sự mất giá của đồng nội tệ đang gợi nhắc lại giai đoạn đó.
Giữa tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản - lần thứ ba trong năm nay, nhằm khống chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ qua.
Lần cuối cùng Fed tăng lãi suất mạnh như vậy là vào những năm 1990. Khi đó, dòng vốn đã ồ ạt tháo chạy khỏi các thị trường châu Á mới nổi để đến nền kinh tế lớn nhất thế giới, CNBC nhắc lại.
Đồng baht của Thái Lan và đồng tiền của nhiều nước khác trong khu vực sụt giảm mạnh, từ đó kích hoạt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và dẫn đến sự lao dốc của thị trường chứng khoán.
Song, trong 25 năm qua, nền tảng của các thị trường tài chính mới nổi tại châu Á đã trở nên lành mạnh hơn và tỷ giá hối đoái cũng có khả năng chống chịu áp lực tốt hơn, các nhà phân tích nhận định.
Ví dụ, các tổ chức tài chính nước ngoài hiện ít nắm giữ tài sản châu Á hơn nên bất kỳ cuộc tháo chạy dòng vốn nào cũng sẽ gây ít thiệt hại cho các nước trong khu vực, ông Tan Teck Leng - quản lý cấp cao tại UBS Global Wealth Management, cho hay.
Ông nói thêm: “Tôi nghĩ bối cảnh hiện nay gợi lại những kỷ niệm về cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nhưng nhìn chung, chế độ tỷ giá hối đoái bây giờ đã linh hoạt hơn rất nhiều so với hồi đó”.
Theo vị chuyên gia, các đồng tiền tệ châu Á khó có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn như trong quá khứ. Song, “tình hình phụ thuộc nhiều vào thời điểm Fed đạt đến điểm bước ngoặt”, ông Tan lưu ý.
Ai dễ thiệt thòi hơn?
Trao đổi với CNBC, ông Tan nói rằng trong số các đồng tiền chịu nhiều rủi ro hơn, peso của Philippines là một trong những “đối tượng” dễ bị tổn thương nhất do tài khoản vãng lai của nước này khá yếu.
Trong bối cảnh lãi suất tại Mỹ tăng cao, nguy hiểm thực sự nằm ở đồng tiền của các nước như Philippines, Ấn Độ và Thái Lan, ông Tan nhấn mạnh. “Trong ngắn hạn, đây sẽ là những đồng tiền dễ bị suy yếu nhất tại châu Á”.
Tuy nhiên, vào ngày 22/9, ngân hàng trung ương Philippines cũng đã nâng lãi suất chính sách thêm 50 điểm cơ bản. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách còn báo hiệu sẽ sớm thực hiện các đợt tăng tiếp theo.
Giảm bớt tình trạng chênh lệch giữa đồng nội tệ với đồng bạch xanh sẽ giúp các nước trong khu vực xoa dịu rủi ro dòng vốn tháo chạy cũng như sụp đổ tỷ giá hối đoái, CNBC lưu ý thêm.
Ngược lại, các nền kinh tế có chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn - tức không tăng lãi suất song song với Mỹ như Nhật Bản, có nguy cơ chứng kiến đồng tiền tệ suy yếu hơn nữa, kinh tế trưởng Louis Kuijs của S&P Global Ratinsg khu vực châu Á cho hay.
Ông cảnh báo rằng áp lực suy giảm đối với các đồng tiền châu Á có thể tăng lên, đặc biệt là khi Fed được kỳ vọng sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, ông cũng không dự đoán về một cuộc khủng hoảng tài chính châu Á khác.
Một châu Á “khoẻ mạnh hơn”
Ông Kuiji chia sẻ với CNBC: “May mắn thay, hệ thống chính sách của các thị trường mới nổi tại châu Á đã mạnh hơn và các nhà hoạch định cũng đã chuẩn bị tốt hơn. Các ngân hàng trung ương hiện có cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nhiều”.
“Họ chủ yếu để tỷ giá hối đoái hấp thụ áp lực bên ngoài, thay vì hỗ trợ đồng tiền bằng cách bán dự trữ ngoại hối”, vị chuyên gia nói tiếp.
“Ngoài ra, chính phủ các nước thị trường mới nổi tại châu Á đã theo đuổi chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng hơn trong những năm gần đây so với trước cuộc khủng hoảng năm 1997”, ông bổ sung.
Ông Manishi Raychaudhuri, chiến lược gia cổ phiếu tại BNP Paribas, cho rằng “tình hình hiện tại không thể so sánh với sự tàn phá mà châu Á từng đối mặt trong cuộc khủng hoảng năm xưa”.
Lý giải cho nhận định của mình, ông Raychaudhuri cho biết bảng cân đối kế toán của các nước đã lành mạnh hơn và dự trữ ngoại hối cũng lớn hơn. Dự trữ ngoại hối cạn kiệt là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của đồng baht Thái trong cuộc khủng hoảng năm 1997.
Dẫu vậy, ông Vishnu Varathan - người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược của ngân hàng Mizuho, cho rằng rủi ro biến động ngoại hối ở các nước châu Á mới nổi vẫn còn rất lớn và có khả năng sẽ gây ra khó khăn tương tự như sự kiện “taper tantrum” năm 2013.
Năm đó, khi Fed phát tín hiệu về việc thu hẹp các biện pháp kích thích được tung ra để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, thị trường tài chính toàn cầu đã phản ứng mạnh, khiến chứng khoán và trái phiếu đều bị bán tháo.
Ông Varathan nói: “Nỗi lo về một cuộc khủng hoảng tài chính sắp xảy ra và sự sụp đổ của hệ thống ngoại hối tại các nước mới nổi ở châu Á đều bị thổi phồng quá mức…nhưng mối đe doạ về sự hỗn loạn dai dẳng trên thị trường cũng không phải không có cơ sở”.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc
Bất chấp những lo lắng, thị trường vẫn còn một số yếu tố tích cực khác.
Chẳng hạn, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang cho thấy khả năng chống chịu tốt, ông Dwyfor Evans, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô khu vực châu Á - Thái Bình Dương của State Street Gobal Markets, nhận xét.
“Rất nhiều người đã đề cập đến sự suy yếu của đồng nhân dân tệ nhưng trên thực tế, khi so sánh nhân dân tệ với các đồng tiền khác trong khu vực, thì đồng nội tệ của Trung Quốc đã làm rất tốt”, ông Evans giải thích.
“Do đó, nhân dân tệ đang là một đồng tiền rất ổn định so với rổ tiền tệ châu Á”, vị chuyên gia kết luận.
Song, ông nói thêm rằng sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến xu hướng ra - vào của dòng vốn và gây tác động đáng kể hơn đến đồng nhân dân tệ trong tương lai.