|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Khó khăn chồng chất của First Republic: Tiền gửi tháo chạy, lỗ tiềm tàng hàng chục tỷ USD, tồn tại nhờ tiền cứu trợ

08:36 | 28/04/2023
Chia sẻ
First Republic Bank là ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không bảo hiểm tương đối cao, đồng thời có những khoản cho vay thế chấp với lãi suất thấp, gây ra khoản lỗ chưa thực hiện lên tới hàng chục tỷ USD.

Tối ngày 24/4, ngân hàng First Republic tiết lộ rằng tổng tiền gửi đã giảm hơn 40%, tương đương hơn 70 tỷ USD, trong quý I. Phiên giao dịch hôm sau, giá cổ phiếu của ngân hàng này cắm đầu 50%, rồi lại mất thêm 30% trong phiên ngày 26/4. Nếu tính từ đầu năm 2023, cổ phiếu của First Republic đã mất hơn 95% giá trị. 

Sau sự sụp đổ của hai ngân hàng khu vực khác là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank, dòng tiền gửi đã nhanh chóng bị rút khỏi First Republic. Các cơ quan quản lý và nhiều ngân hàng lớn đã nhanh chóng hành động, nhằm tránh khủng hoảng lan rộng.

Tuy vậy, 70 tỷ USD thanh khoản từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và JP Morgan Chase, và tiếp đó là 30 tỷ USD tiền gửi từ 11 ngân hàng lớn nhất Phố Wall, vẫn không thể ổn định tình hình tại First Republic.

Nếu không kể khoản tiền hỗ trợ 30 tỷ USD từ các ngân hàng lớn, tiền gửi của First Republic đã sụt tới hơn 100 tỷ USD trong quý đầu năm nay.

Khi loại trừ khoản tiền gửi 30 tỷ USD, thì trong quý I/2023, khoảng hơn 100 tỷ USD đã bị rút khỏi First Republic.

Tại sao First Republic gặp khó khăn?

Khó khăn của First Republic có nguồn gốc tương đồng với Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng bị đóng cửa hôm 10/3.

Theo Wall Street Journal (WSJ), SVB sụp đổ bởi khách hàng của ngân hàng này là các công ty đầu tư mạo hiểm và công ty khởi nghiệp. Trong thời kỳ bùng nổ sau đại dịch COVID, những doanh nghiệp này gửi vào SVB số tiền lớn, và ngân hàng đã đầu tư vào trái phiếu dài hạn, lên tới 117 tỷ USD.

Sau khi Fed bắt đầu chiến dịch nâng lãi suất, thị giá của lô trái phiếu mà SVB đầu tư sụt giảm. Khi khách hàng là các công ty công nghệ, cần tiền mặt và đến SVB để rút tiền, ngân hàng này buộc phải bán lô trái phiếu và chịu lỗ.

Những khách hàng lớn với tiền gửi lớn hơn giới hạn bảo hiểm 250.000 USD của Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) đã nhanh chóng rút lui, khiến ngân hàng này sụp đổ. Người gửi tiền không được bảo hiểm trong hệ thống ngân hàng Mỹ cũng đã chú ý đến First Republic - vốn đang có khoảng 68% tiền gửi không được bảo hiểm vào cuối năm 2022.

Đến cuối quý I/2023, tỷ lệ này giảm còn chưa đầy 27% do nhiều gửi tiền không được bảo hiểm đã vội vã rút chạy.

"Với việc một số ngân hàng đóng cửa vào tháng 3, chúng tôi đã trải qua tình trạng rút tiền gửi chưa từng có", First Republic cho biết trong báo cáo ngày 24/4. "Chúng tôi đã nhanh chóng tận dụng các khoản cho vay chất lượng cao và danh mục đầu tư chứng khoán để có được thanh khoản bổ sung", ngân hàng này nói thêm.

"Chúng tôi đang làm việc để tái cơ cấu bảng cân đối kế toàn, giảm chi phí và vay ngắn hạn", thông báo cho biết. Trong quý I/2023, First Republic đã vay thêm 101,2 tỷ USD, chủ yếu từ Fed và Ngân hàng Cho vay Mua nhà Liên bang (FHLB).

Đa số tiền gửi không bảo hiểm đã chạy khỏi First Republic Bank vào quý I/2023.

Cùng là nạn nhân của các đợt tăng lãi suất

Khách hàng của First Republic là những người đi vay giàu có. Ngân hàng này chuyên cung cấp các khoản thế chấp khổng lồ, với mức lãi suất thấp. Tính đến cuối tháng 3/2023, khoảng hơn 100 tỷ USD trong số 173 tỷ USD cho vay của First Republic là thế chấp căn hộ một gia đình. Đa phần những khoản cho vay này được hình thành khi lãi suất còn rất thấp.

Theo các nhà phân tích của Fitch Ratings, tính đến cuối quý IV/2022, giá thị trường của chứng khoán và khoản vay mà First Republic nắm giữ thấp hơn nhiều so với giá trị số sách. Theo cơ quan này, "chứng khoán và cho vay của [First Republic] đang có khoản lỗ chưa thực hiện lần lượt là 16,3% và 13,3% so với giá trị phân bổ".

WSJ ước tính rằng khoản lỗ chưa thực hiện của First Republic lên đến 22 tỷ USD.

Khi bị rút tiền hàng loạt, để có được thanh khoản, First Republic có thể sẽ buộc phải bán tài sản (bao gồm các khoản cho vay và chứng khoán). Với thị giá hiện nay, việc bán những tài sản này sẽ khiến ngân hàng phải chịu lỗ, tương tự như những gì đã xảy ra với lô trái phiếu của SVB.

Đa số hoạt động cho vay của First Republic đến từ thế chấp căn hộ một gia đình. Đây là các khoản thế chấp dài hạn, đa phần được thực hiện khi lãi suất còn thấp. 

Theo Forbes, tăng trưởng quy mô cho vay của First Republic cũng là một vấn đề gây nhiều lo ngại. Trong năm 2022, hoạt động cho vay của ngân hàng này đã tăng trưởng gần 24%, cao hơn đáng kể những ngân hàng có quy mô tài sản tương tự như Fifth Third, SVB và Citizen Financial Group.

Năm 2022, danh mục cho vay của Fifth Thrid chỉ tăng 5%, của SVB là 12% và Citizen Financial Group là 20%. Tốc độ tăng trưởng cho vay của 50 ngân hàng thuộc Tổ chức Hợp tác và Phat triển Kinh tế (OECD) là 4,7% trong cùng giai đoạn.

Tăng trưởng cho vay là một yếu tố rất quan trọng, bởi những bước nhảy vọt đáng kể có thể đến từ chính sách, thủ tục và tiêu chuẩn phê duyệt thiếu thận trọng.

First Republic và SVB đã tụt khỏi danh sách 20 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo tiền gửi.

Việc tiền gửi tháo chạy đã buộc First Republic phải tìm đến những khoản vay đắt đỏ hơn, chủ yếu là từ cửa sổ chiết khấu (discount window) của Fed. Sau đó, vào ngày 16/3, 11 ngân hàng lớn nhất lại gửi 30 tỷ USD để cứu First Republic. Tuy nhiên, ngân hàng này sẽ phải trả lãi suất thị trường cho khoản tiền gửi có thời hạn 120 ngày nói trên.

Các nhà phân tích của Fitch Ratings giải thích: "Mặc dù việc bơm tiền tạo ra thanh khoản cần thiết, nguồn vốn mà ngân hàng này tiếp cận được là tương đối tốn kém, và là yếu tố chính tác động tới xếp hạng".

Fitch ước tính rằng do chi phí vay cao hơn, First Republic "đang hoạt động với một mức lỗ ròng không bền vững trong dài hạn nếu không tái cơ cấu bảng cân đối kế toàn". Vào cuối năm ngoái, First Republic có lợi nhuận hoạt động thấp nhất tính theo tài sản rủi ro khi so với SVB, Fifth Third và Citizen Financial Group.

Minh Quang