|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vụ sụp đổ của SVB khiến các nhà phân tích bó tay, không định giá nổi cổ phiếu

07:00 | 17/03/2023
Chia sẻ
Một nhà phân tích nói: "Nếu thị trường không thể định giá trái phiếu Kho bạc Mỹ phi rủi ro thì xin đừng hỏi tôi định giá cổ phiếu".

Lợi suất trái phiếu biến động chóng mặt khiến các nhà phân tích điên đầu. (Ảnh: Getty Images). 

Sự sụp đổ của ba ngân hàng trong vòng một tuần đã khiến thị trường trái phiếu Mỹ trở nên rất biến động. Các nhà phân tích hầu như không thể xác định được định giá hợp lý cho cổ phiếu.

Một phần nguyên nhân là thị trường không biết chắc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phản ứng như thế nào trong thời gian tới để kiểm soát lạm phát và tránh gây ra thêm bất ổn cho hệ thống tài chính.

Không thể định giá cổ phiếu nếu không biết giá trái phiếu

Gốc rễ của vấn đề là chỉ số ICE BofAML MOVE, thước đo phản ánh biến động trên thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ. Chỉ số này vọt lên 174 điểm trong ngày 14/3, mức cao nhất kể từ giữa năm 2009, trong bối cảnh lợi suất tăng giảm bất thường. 

Từ sáng mùng 9 đến ngày 13/3, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm lao dốc hơn 100 điểm cơ bản (bps) trước khi phục hồi. Giới đầu tư cho biết đây là diễn biến cực kỳ bất thường đối với thị trường trái phiếu chính phủ có thanh khoản cao nhất trên thế giới.

 

Diễn biến trên đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư quyền chọn trái phiếu Kho bạc và hợp đồng hoán đổi lãi suất đang chuẩn bị cho việc lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm biến động trung bình mỗi ngày 12 hoặc 13 bps trong những tháng tới.  

Ông Scott Ladner, Giám đốc đầu tư tại Horizon Investments, cho biết trong những giai đoạn điều kiện thị trường yên ắng, lợi suất thường chỉ biến động từ hai đến ba điểm cơ bản mỗi ngày.

Ông nói với tờ MarketWatch: “Thị trường đang phát đi tín hiệu: ‘Chúng tôi đang không biết làm sao để định giá tài sản phi rủi ro’. Nếu thị trường không thể định giá trái phiếu Kho bạc Mỹ phi rủi ro thì xin đừng hỏi tôi định giá cổ phiếu”.

Biến động của lợi suất trái phiếu có tác động lớn đến định giá cổ phiếu bởi một khái niệm trong tài chính gọi là phần bù rủi ro vốn cổ phần – phần lợi nhuận chênh lệch mà các nhà đầu tư đòi hỏi cho việc nắm giữ các tài sản rủi ro như cổ phiếu thay vì tài sản “phi rủi ro” như trái phiếu Kho bạc.

Triển vọng mờ mịt làm dấy lên nhiều đồn đoán

Trước khi SVB sụp đổ, Phố Wall hầu như tin chắc rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tiếp theo diễn ra vào ngày 21-22/3. Nhưng giờ ý kiến của các nhà kinh tế tại các ngân hàng đầu tư lớn về định hướng của Fed lại đang chia rẽ mạnh. 

Goldman Sachs, NatWest và Barclays dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất. Công ty quản lý tài sản khổng lồ BlackRock vẫn cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất. Citigroup và JPMorgan Chase có chung quan điểm. Ít nhất một ngân hàng – Nomura – kỳ vọng Fed giảm lãi suất 25 bps và thông báo ngừng kế hoạch giảm quy mô bảng cân đối kế toán.

Những quan điểm đa dạng trên phản ánh sự biến động của các hợp đồng lãi suất quỹ liên bang tương lai trong tuần vừa qua. Hợp đồng này là công cụ giới đầu tư sử dụng để đặt cược vào các thay đổi trong chính sách của Fed.

Chỉ một tuần trước, các nhà đầu tư nhận thấy khả năng cao là Fed sẽ tăng lãi suất 50 bps trong tháng 3. Nhưng có một thời điểm thị trường thấy có 50% khả năng Fed giữ nguyên lãi suất và 50% Fed lựa chọn mức tăng 25 bps.

Hiện tại, những người tham gia thị trường cho rằng mức tăng 25 bps là khả dĩ nhất, dù vẫn có 35% dự đoán lãi suất không đổi, theo công cụ FedWatch của CME.

 

Chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt của Fed trong năm qua đã khiến các ngân hàng phải ghi nhận khoản lỗ lớn trong danh mục trái phiếu, góp phần châm ngòi cho khủng hoảng. Do đó, các nhà phân tích và nhà đầu tư cho là từ nay Fed sẽ hành động thận trọng hơn do e sợ gây ra một đợt náo loạn khác.

Ông Mohamed El-Erian, kinh tế trưởng tại Allianz, nhận xét rằng Fed đang phải tìm cách dung hòa giữa ba ưu tiên cạnh tranh nhau: “kiểm soát lạm phát, giảm thiểu thiệt hại tới tăng trưởng và tránh gây bất ổn tài chính”.

Fed có thể cảm thấy bị trói buộc, không còn có thể mạnh tay chống lạm phát như mong muốn. Thị trường tương lai kỳ vọng lãi suất chính sách của Fed sẽ đạt đỉnh trong khoảng 4,75-5% trong tháng 6, sau đó giảm còn 4,25-4,5% vào cuối năm. Điều này có nghĩa giới đầu tư cho rằng Fed chỉ có thể tung ra thêm một đợt tăng lãi suất 25 bps rồi sau đó sẽ dừng tay.

Ông Stephen Miran, đồng sáng lập công ty quản lý tài sản Amberwave Partners, nhận xét: “Nếu SVB không sụp đổ thì thị trường đã phải bắt đầu phản ánh mức lãi suất chính sách cao nhất là 6% trong những tháng tới”.

Báo cáo CPI ủng hộ lãi suất tăng 50 bps

Một số chuyên gia thị trường nhận định rằng trong các tình huống thông thường, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố ngày 14/3 có thể dễ dàng thúc đẩy Fed quay lại tốc độ tăng lãi suất 50 bps.

 

Lạm phát giá tiêu dùng đã chậm lại còn 6% trong tháng 2, thấp hơn tỷ lệ 6,4% trong tháng 1. Tuy nhiên, lạm phát dịch vụ vẫn chưa đi xuống. Giá dịch vụ “siêu lõi” – không tính tiền thuê nhà – tăng 0,5% so với tháng liền trước, nhanh hơn tốc độ tăng 0,3-0,4% trong tháng 1.

CPI “lõi”, chỉ số thu được sau khi loại trừ giá năng lượng và thực phẩm, đi lên 0,5% so với tháng liền trước, cao hơn dự đoán là 0,4%.

Ông Neil Dutta, nhà kinh tế trưởng tại Renaissance Macro Research, viết trong lưu ý gửi đến khách hàng ngày 14/3 rằng dữ liệu mới nhất đáng ra phải củng cố khả năng Fed tăng lãi suất thêm 50 bps vào tuần tới.

Nhưng thay vào đó, ông Dutta dự đoán Fed sẽ chọn mức tăng khiêm tốn hơn là 25 bps, và cảnh báo rằng sự mềm mỏng này có thể gây ra rắc rối về sau.

Giang

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.