Fed mò mẫm tìm mức lãi suất thích hợp để dập lạm phát và tránh phá vỡ hệ thống tài chính
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang gặp phải rắc rối lớn trong nỗ lực khống chế lạm phát mà không phá vỡ hệ thống tài chính hoặc đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Trước cuộc họp quan trọng vào cuối tháng 3, các nhà hoạch định chính sách đang phải vật lộn với nền kinh tế bền bỉ bất ngờ sau các đợt tăng lãi suất và giới đầu tư lo ngại về sức khỏe của hệ thống tài chính sau vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank.
Câu hỏi chính mà các quan chức cần tìm lời giải là liệu "kim chỉ nam" mà họ sử dụng để thiết lập lãi suất chính sách đã tăng lên hay chưa, và nếu đúng như vậy thì Fed có nên kéo lãi suất quỹ liên bang lên cao hơn cho phù hợp hay không, dù quá trình đó có nguy cơ làm gia tăng bất ổn tài chính?
Kim chỉ nam của Fed là R* - lãi suất ngắn hạn được điều chỉnh cho lạm phát, không kích thích cũng không kìm hãm tăng trưởng (hay lãi suất trung tính).
Nếu Fed muốn giảm tốc tăng trưởng để chống lạm phát thì các quan chức cần kéo lãi suất lên vượt quá mức này. Còn trong giai đoạn suy thoái, ngân hàng trung ương Mỹ hạ lãi suất xuống dưới R* để khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng vay tiền và chi tiêu.
Rắc rối của Fed là việc xác định R* vô cùng khó khăn, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Tờ Bloomberg cho biết trong phiên điều trần trước Quốc hội ngày 7/3, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã thừa nhận: “Chúng tôi thực sự không biết R* là bao nhiêu”.
Vấn đề của Fed càng phức tạp bởi mức lãi suất phù hợp nhất với tổng thể nền kinh tế có thể không phải điều tốt nhất với thị trường và có nguy cơ gây ra sự gián đoạn lên hệ thống tài chính.
Rủi ro mắc sai lầm
Sự không chắc chắn bao quanh Fed đang làm tăng rủi ro cơ quan này mắc phải sai lầm chính sách. Nếu các quan chức tăng lãi suất thêm nhiều hơn nữa mà mức lãi suất trung tính lại chưa đi lên thì họ có nguy cơ kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc suy thoái kinh tế. Nhưng nếu R* quả thực đã tăng và họ không phản ứng đúng mức thì Mỹ sẽ mắc kẹt trong môi trường lạm phát cao.
Các nhà kinh tế từng theo dõi sát sao hai ước tính về lãi suất trung tính do ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, và các đồng nghiệp phát triển. Song, hai thước đó này đã bị tạm ngừng vào tháng 11/2020 vì sự phức tạp của đại dịch. Khi đó, họ ước đoán lãi suất trung tính sau khi điều chỉnh cho lạm phát ở mức chưa đến 0,5%.
Dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư là lạm phát trung bình tại Mỹ trong hai năm tới sẽ đạt 2,8%, lãi suất danh nghĩa sẽ vào khoảng 3,25%. Nếu vậy, phạm vi lãi suất mục tiêu 4,5-4,75% hiện nay của Fed chắc chắn là đang kìm hãm nền kinh tế.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng lãi suất trung tính đã bị đẩy lên 1 điểm % hoặc hơn do các thay đổi trong nền kinh tế cùng các chính sách gây ra bởi đại dịch cũng như chiến sự Nga-Ukraine, bao gồm sự gia tăng của thâm hụt ngân sách và gánh nặng nợ công.
Nếu nhận định của những nhà phân tích này là đúng thì phạm vi lãi suất mục tiêu hiện nay của Fed hầu như không gây cản trở gì cho nền kinh tế.
Quan điểm trên càng có sức thuyết phục khi nền kinh tế Mỹ chứng tỏ được sức bền sau các đợt tăng lãi suất nhanh chóng của Fed. Báo cáo Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/3 cho thấy Mỹ có thêm 311.000 việc làm trong tháng 2 – hơn gấp ba lần tốc độ mà các nhà kinh tế coi là xu hướng dài hạn.
Trước khi báo cáo việc làm được công bố, Chủ tịch Powell cũng đã nói rằng khi nhìn vào những dữ liệu đang có thì “khó có thể nói rằng Fed đã thắt chặt chính sách quá đà”.
“Chưa đủ nghiêm trọng”
Ông Powell nói thêm rằng rất có thể các nhà hoạch định chính sách sẽ bàn luận về mức đỉnh lãi suất cho chu kỳ thắt chặt hiện nay tại cuộc họp 21-22/3. Hồi tháng 12 năm ngoái, hầu hết các quan chức dự đoán lãi suất sẽ đạt đỉnh trong khoảng 5,1-5,4%.
Ông Powell cũng để ngỏ khả năng Fed tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % trong cuộc họp tháng 3. Bà Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng của KPMG, dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % do nhu cầu tổng thể của nền kinh tế vẫn còn mạnh. Bà nói với Bloomberg: “Những gì đang diễn ra trong hệ thống tài chính có vẻ chưa đủ nghiêm trọng để buộc Fed phải lùi bước”.
Hôm 10/3, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers nhận định “có nhiều khả năng” Fed sẽ nâng lãi suất quỹ lên bang lên gần 6%. Ông đánh giá rằng mức lãi suất hiện tại không cao hơn là bao so với tốc độ tăng của lạm phát và “không gây đủ áp lực để kéo lạm phát đi xuống”.
Báo cáo hàng quý của Fed có thể bao gồm cả ước tính ngầm của các quan chức về mức lãi suất trung tính, rút ra từ chênh lệch giữa dự đoán lãi suất quỹ liên bang trong dài hạn và tỷ lệ lạm phát.
Ông Summers ước tính lãi suất trung tính sẽ gia tăng trong những năm tới, có lẽ là lên đến 1,5%-2% nhờ sự gia tăng trong chi tiêu của chính phủ cho quốc phòng và các khoản đầu tư cho năng lượng xanh.
Ông Bruce Kasman, nhà kinh tế trưởng của JPMogan Chase, cho biết một số nguyên nhân khiến R* sụt giảm sau cuộc khủng hoảng tài chính có tính đặc thù trong thời kỳ đó và không thể áp dụng cho hiện tại. Ông không chắc R* đã lên cao thêm bao nhiêu nhưng dự đoán mức tăng có thể vào khoảng 1 điểm % hoặc hơn, tùy vào tình hình hoạt động của nền kinh tế trong những tháng tới.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/