89% tiền gửi ở Silicon Valley Bank không được bảo hiểm, khách hàng có hy vọng nhận lại 150 tỷ USD?
Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) ngày 10/3 đã tuyên bố tiếp quản hoạt động của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) có trụ sở tại thành phố Santa Clara, bang California.
Để bảo vệ lợi ích của những người gửi tiền được bảo hiểm, FDIC đã thành lập một ngân hàng bắc cầu (bridge bank) có tên DINB để tiếp nhận tài sản của Silicon Valley Bank và thanh toán cho những người muốn rút tiền.
Hạn mức bảo hiểm của FDIC là 250.000 USD trên mỗi người gửi tiền, tại mỗi ngân hàng, theo mỗi loại sở hữu tài khoản.
Tất cả số dư tài khoản đơn (do một người sở hữu, không có thêm người thụ hưởng) của một người tại một ngân hàng sẽ được cộng lại với nhau và bảo hiểm tối đa 250.000 USD.
Giả sử chị Ngọc có 4 tài khoản đơn tại ngân hàng SVB với số tiền lần lượt là 100.000 USD, 120.000 USD, 30.000 USD và 20.000 USD, tổng số dư là 270.000 USD nên số tiền vượt hạn mức, không được FDIC bảo hiểm sẽ là 20.000 USD.
Tất cả số dư của tài khoản đồng sở hữu (thuộc về hai hoặc nhiều người) sẽ được cộng lại với nhau và bảo hiểm tối đa 250.000 USD cho mỗi người đồng sở hữu.
Giả sử chị Ngọc và anh Đức đồng sở hữu ba tài khoản tại SVB với số tiền lần lượt là 200.000 USD, 100.000 USD, và 100.000 USD, tổng số dư của ba tài khoản là 400.000 USD/hai người, tương đương 200.000 USD/người. Do số dư ở dưới hạn mức 250.000 USD nên cả hai người đồng sở hữu đều được FDIC bảo hiểm toàn bộ khi SVB phá sản.
Chị Ngọc có hai loại sở hữu tài khoản tại SVB, tổng số tiền được FDIC bảo hiểm là 450.000 USD (bao gồm 250.000 USD trong tài khoản đơn và 200.000 USD trong tài khoản đồng sở hữu).
Ngoài ra, FDIC còn phân loại nhiều nhóm tài khoản khác như tài khoản lương hưu, tài khoản phúc lợi nhân viên, tài khoản ủy thác, tài khoản để trả gốc và lãi tiền vay thế chấp mua nhà, …
Theo thông báo ngày 10/3 của FDIC, tất cả người gửi tiền được bảo hiểm sẽ có thể tiếp cận toàn bộ số tiền mà mình được bảo hiểm chậm nhất vào sáng thứ Hai, ngày 13/3/2023.
Những người gửi tiền không bảo hiểm sẽ được nhận trước phần lãi trong tuần tới (13 – 17/3). Với số tiền còn lại, những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ nhận tạm một chứng chỉ từ FDIC. Sau khi FDIC bán bớt các tài sản của SVB để thu về tiền mặt, những người gửi tiền không bảo hiểm sẽ được nhận tiền của mình.
175 tỷ USD tiền gửi, gần 90% không được bảo hiểm
Silicon Valley Bank có 17 chi nhánh tại hai bang California và Massachusetts. Hội sở chính và tất cả chi nhánh sẽ mở cửa trở lại vào sáng 13/3. Nhờ kinh nghiệm trong cuộc khủng hoảng 2008, FDIC đã rất quen với việc xử lý ngân hàng đổ vỡ vào cuối tuần như trong trường hợp của SVB.
Cụ thể, FDIC ra thông báo tiếp quản vào thứ Sáu (10/3), sau đó chuẩn bị trong hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật để đến thứ Hai (13/3) mở cửa cho khách hàng rút tiền theo khung giờ làm việc bình thường. Các dịch vụ khác như ngân hàng trực tuyến (online banking) cũng sẽ vận hành như cũ, các tấm séc của SVB vẫn được chấp nhận.
Tính đến ngày cuối năm 2022, SVB có tổng tài sản 209 tỷ USD, tổng tiền gửi 175,4 tỷ USD. Khách hàng của SVB bao gồm nhiều doanh nghiệp công nghệ hoặc các kỹ sư, doanh nhân giàu có trong lĩnh vực công nghệ. Tài khoản của các khách hàng này thường lớn hơn nhiều ngưỡng bảo hiểm 250.000 USD của FDIC.
Thông báo ngày 10/3 của FDIC cho biết số tiền gửi không bảo hiểm tại SVB hiện nay “chưa được xác định”, nhưng báo cáo mà SVB gửi tới FDIC trước đó cho thấy 89% tổng số tiền gửi 175 tỷ USD tại ngày cuối năm 2022 nằm ngoài hạn mức bảo hiểm, Reuters cho hay.
Tạp chí Time ước tính tỷ lệ tiền gửi không được bảo hiểm tại SVB là khoảng 85%. Nói cách khác, khoảng 150 tỷ USD tiền gửi tại SVB không được chính quyền liên bang Mỹ bảo hiểm.
Việc có nhiều khoản tiền gửi với số dư vượt mức bảo hiểm 250.000 USD của FDIC là một trong những lý do nhiều người lo sợ mất trắng nếu SVB phá sản. Những khách hàng lo sợ này đã kéo đến rút tiền khi có dấu hiệu báo động trong hoạt động của nhà băng.
SVB phải chịu lỗ 1,8 tỷ USD khi bán tháo 21 tỷ USD trái phiếu để lấy tiền chi trả cho khách hàng, nỗ lực huy động vốn và tự bán mình đều bất thành, cuối cùng phải chịu sự kiểm soát của FDIC.
Hy vọng vào FDIC
Từ khi Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) ra đời vào năm 1933 đến nay, tất cả người gửi tiền được bảo hiểm đều nhận về 100% khoản tiền của mình, không thiếu một xu.
Thông thường khi một ngân hàng đứng bên bờ vực sụp đổ, một ngân hàng khác khỏe mạnh hơn sẽ tranh thủ cơ hội này để thâu tóm và chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ tiền gửi của ngân hàng yếu kém.
Ví dụ, ngân hàng thương mại lớn nhất từng sụp đổ trong lịch sử nước Mỹ là Washington Mutual Bank đã được JPMorgan Chase mua lại vào tháng 9/2008. Khi đó, Washington Mutual có khoảng 307 tỷ USD tài sản và 188 tỷ USD tiền gửi.
Colonial Bank được Branch Banking and Trust Company mua lại vào tháng 8/2009 khi đang có 25 tỷ USD tài sản và 20 tỷ USD tiền gửi.
Năm 2023, không có ngân hàng nào sẵn lòng đứng ra tiếp nhận tài sản và nghĩa vụ nợ của SVB nên FDIC đã phải đứng ra dàn xếp.
Những người gửi tiền không bảo hiểm sẽ không thể ngay lập tức rút hết tiền của mình ra khỏi SVB vào sáng 13/3 tới đây giống như những khách hàng dưới hạn mức bảo hiểm 250.000 USD mà sẽ phải đợi FDIC thanh lý tài sản.
Đòn giáng mạnh vào giới công nghệ
Bản thân cái tên Silicon Valley Bank đã cho thấy ngân hàng này tập trung vào lĩnh vực công nghệ, cụ thể là vùng Thung lũng Silicon ở California. Nhà sáng lập của một startup công nghệ tại Thung lũng Silicon chia sẻ với tạp chí Time: “SVB đã tồn tại trong 40 năm rồi. Đây là một ngân hàng rất được tin tưởng và mọi người đều gửi tiền ở đó”.
Công ty của nhà sáng lập này gửi hàng triệu USD trong tài khoản ở SVB. Khi có dấu hiệu cho thấy SVB đang gặp vấn đề nghiêm trọng vào ngày 8/3, nhà sáng lập này đã tính đến việc rút hết tiền ra nhưng rồi lại thôi vì quá trình lập một tài khoản doanh nghiệp mới sẽ cần đến vài ngày.
Nhiều công ty khác cũng mở tài khoản tại SVB với số dư rất lớn để trả lương cho nhân viên và trang trải các chi phí hoạt động khác. Hạn mức bảo hiểm 250.000 USD chỉ là “số lẻ” so với tài khoản của các doanh nghiệp công nghệ tại SVB, nhà sáng lập giấu tên kể trên nói. “Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn công ty” đang gửi hàng triệu USD tại SVB.
Ông John Rizzo, Phó Giám đốc cấp cao về quan hệ công chúng tại Clyde Group, nhận định: “Bảo hiểm của FDIC được xây dựng chỉ để tạo niềm tin cho người gửi tiền nhỏ lẻ rằng khi xảy ra chuyện xấu, họ vẫn có thể lấy tiền về. Đối với những người gửi tiền trên mức bảo hiểm thì đây là một vấn đề lớn”.
Nhà sáng lập startup kể trên cho biết công ty của ông đang tạo ra doanh thu và chỉ có khoảng 30 người, nên có thể trả lương trong vài tháng tới. Sau đó, không ai biết mọi chuyện sẽ ra sao. “Chúng tôi không biết liệu có phải cho nhân viên nghỉ việc hay không. Chúng tôi không biết liệu có nhận được số tiền trên ngưỡng bảo hiểm hay không”.
Nhiều startup ở Thung lũng Silicon hiện chưa tạo ra một đồng doanh thu nào vì vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển ban đầu. Những doanh nghiệp non trẻ này tồn tại nhờ vào tiền huy động từ các công ty đầu tư mạo hiểm.
“Giả sử một công ty vừa được nhà đầu tư rót 100 triệu USD và lập tức gửi vào SVB. Công ty này mỗi tháng tiêu hết 1 triệu USD và chưa tạo ra doanh thu. Nếu vậy thì bây giờ công ty đó nguy to rồi”, nhà sáng startup lập chia sẻ với Time.