|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dow Jones mất tiếp 345 điểm, cổ phiếu ngân hàng bị bán tháo khi Silicon Valley Bank sụp đổ

07:32 | 11/03/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống trong phiên cuối tuần 10/3 khi ngân hàng Silicon Valley Bank phải đóng cửa vì thua lỗ khi giao dịch trái phiếu. Đây là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất kể từ 2008 và là vụ lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ.

Dow Jones giảm 4 phiên liên tiếp, mất tổng cộng 1.522 điểm.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 345 điểm, tương đương 1,07%, và kết phiên ở gần 31.910 điểm. Đây là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này.

S&P 500 sụt 1,45% và đóng cửa ở gần 3.862 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm sâu nhất khi mất 1,76% và dừng ở 11.139 điểm.

Dow Jones hiện đã chìm xuống dưới ngưỡng đầu năm 2023.

Tất cả ba chỉ số đều đi xuống trong tuần vừa qua. Dow Jones sụt 4,44%, đánh dấu tuần giảm sâu nhất kể từ tháng 6/2022. S&P 500 và Nasdaq mất tương ứng 4,55% và 4,71%.

Ngày 10/3, các cơ quan quản lý tại Mỹ đã nắm quyền kiểm soát Silicon Valley Bank (SVB), một ngân hàng chuyên cho vay trong lĩnh vực công nghệ.

Trước đó, SVB chịu lỗ 1,8 tỷ USD vì bán tháo 21 tỷ USD trái phiếu để lấy tiền trả cho nhiều người đến rút tiền. Tiếp đến, SVB lên kế hoạch chào bán cổ phiếu trị giá 1,75 tỷ USD để tăng vốn nhưng thất bại. Hôm 10/3, SVB muốn tự bán mình nhưng không tìm được người mua.

Cổ phiếu SVB lao dốc 66% trong phiên 9/3 rồi mất tiếp 60% vào ngày 10/3. Người gửi tiền ở SVB sẽ được Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) chi trả tối đa 250.000 USD mỗi người.

Cổ phiếu Silicon Valley Bank (SVB) lao dốc trong hai phiên 9 - 10/3.

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực tại Mỹ đồng loạt lao dốc sau thông tin tiêu cực về Silicon Valley Bank (SVB), với chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF mất gần 4,4%. Tính chung cả tuần 6 – 10/3, chứng chỉ ETF này sụt 16%, đánh dấu tuần tiêu cực nhất kể từ khi COVID-19 bùng phát tại Mỹ vào tháng 3/2020.

CNBC dẫn lời bà Sylvia Jablonski, CEO kiêm Giám đốc đầu tư tại Defiance ETFs, nhận định: “Một vụ sụp đổ ngân hàng lớn vừa xảy ra tại Mỹ, lớn nhất kể từ năm 2008, chắc chắn thị trường phải lo sợ”. Theo bà Jablonski, nhà đầu tư đang lo sợ nguy cơ những hệ lụy của vụ SVB sẽ lan ra các ngân hàng khác.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng đã bị tạm dừng giao dịch nhiều lần trong phiên 10/3 vì giá giảm quá nhanh, bao gồm First Republic, PacWest và nhà băng chuyên về tiền mã hóa Signature Bank.

Kết phiên, cổ phiếu First Republic mất 14,8%, PacWest cắm đầu 37.9%, Signature Bank sụt 22,9%. Biểu đồ dưới đây cho thấy nhóm cổ phiếu tài chính trong chỉ số S&P 500 mất 1,76% và là một trong những nhóm giảm sâu hơn thị trường chung. 

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đi xuống trong phiên 10/3.

Đức Quyền

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).