|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ: Các ngân hàng lớn sẽ phải chi hàng tỷ USD cho quỹ bảo hiểm tiền gửi

23:30 | 12/05/2023
Chia sẻ
Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) ngày 11/5 cho biết các ngân hàng lớn tại nước này sẽ phải chịu phần lớn chi phí bổ sung cho quỹ bảo hiểm tiền gửi đã bị rút 16 tỷ USD do sự sụp đổ của ba ngân hàng khu vực gần đây. Nhóm các ngân hàng quy mô trung bình cũng sẽ phải chia sẻ gánh nặng chi phí này.

Tại một cuộc họp Hội đồng quản trị, FDIC đã đề xuất áp dụng mức phí "đánh giá đặc biệt" 0,125% đối với các khoản tiền gửi không được bảo hiểm của các ngân hàng có quy mô trên 5 tỷ USD. Tỷ lệ trên được áp dựa theo số tiền gửi không được bảo hiểm của mỗi ngân hàng tính tới cuối năm 2022.

Mặc dù mức phí này áp dụng cho tất cả các ngân hàng, FDIC cho hay trên thực tế những ngân hàng có khối tài sản hơn 50 tỷ USD sẽ phải chi trả hơn 95% khoản phí trong khi các ngân hàng có tài sản dưới 5 tỷ USD sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính nào. FDIC dự kiến khoảng 113 ngân hàng sẽ phải trả khoản phí đề xuất.

Hội đồng điều hành FDIC đã phê duyệt đề xuất trên vào ngày 11/5 với tỷ lệ ba phiếu thuận và hai phiếu chống. Cơ quan này sẽ bắt đầu tiếp nhận phản hồi từ ngành ngân hàng và công chúng, trước khi hoàn thiện kế hoạch áp mức phí mới.

Nhà phân tích Susan Roth Katzke của ngân hàng Credit Suisse đưa ra ước tính rằng 14 ngân hàng hàng đầu nước Mỹ sẽ cần phải rút ra khoảng 5,8 tỷ USD mỗi năm để chi trả cho khoản phí mới. Điều này có thể làm giảm thu nhập trên mỗi cổ phiếu của họ trung bình 3%.

JPMorgan Chase & Co dự kiến sẽ phải trả khoản phí hàng năm khoảng 1,3 tỷ USD. Đối với Bank of America Corp và Wells Fargo & Co, con số đó sẽ lần lượt là 1,1 tỷ USD và 898 triệu USD. Ba ngân hàng đều từ chối bình luận về những ước tính này.

Theo đề xuất, khoản phí này sẽ được thu dần trong tám quý bắt đầu từ tháng 6/2024. Tuy nhiên, FDIC có thể điều chỉnh thời điểm đó khi tổn thất đối với quỹ bảo hiểm của họ biến động. Theo các quan chức FDIC, thời hạn kéo dài nhằm giảm thiểu tác động đến thanh khoản và dự kiến không ảnh hưởng nhiều đến nguồn vốn của các ngân hàng.

Nhà phân tích Jaret Seiberg của ngân hàng đầu tư TD Cowen cho hay mức phí cao hơn mong đợi của ông. FDIC đang tìm cách thu hồi vốn chỉ trong vòng hai năm, trong khi chuyên gia này dự kiến cơ quan sẽ phân bổ các khoản thanh toán trong ít nhất ba năm.

Quỹ FDIC có vai trò bảo lãnh các khoản tiền gửi ngân hàng lên tới 250.000 USD cho các khách hàng. Tổng giá trị của quý này tính đến cuối năm 2022 vào khoảng 128,2 tỷ USD. Các nhà quản lý Mỹ tuyên bố quỹ trên rất quan trọng đối với hệ thống tài chính, vì nó cho phép FDIC bảo vệ tất cả các khoản tiền gửi nhằm ngăn chặn tình trạng sụp đổ lây lan giữa các ngân hàng.

Các ngân hàng thường trả một khoản phí hàng quý để tài trợ cho quỹ trên. Nhưng FDIC cho biết khoản phí đặc biệt là cần thiết để trang trải các chi phí khổng lồ phát sinh sau vụ phá sản của các ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank. Đáng chú ý, cả hai ngân hàng đều có mức tiền gửi không được bảo hiểm rất cao.

Ngoài ra, việc FDIC nắm quyền điều hành ngân hàng First Republic và bán lại cho JP Morgan Chase trong tháng này dự kiến sẽ tiêu tốn của quỹ trên thêm 13 tỷ USD.

Hội Ngân hàng Cộng đồng Độc lập Mỹ (ICBA), nhóm vận động hành lang hàng đầu cho các ngân hàng nhỏ, đã lên tiếng hoan nghênh kế hoạch trên của FDIC. Giám đốc điều hành (CEO) ICBA, bà Rebeca Romero Rainey, cho biết, các ngân hàng cộng đồng không nên phải chịu bất kỳ trách nhiệm tài chính nào đối với những tổn thất của quỹ bảo hiểm tiền gửi do những tính toán sai lầm và hoạt động đầu cơ của các tổ chức tài chính lớn gây ra.

H.Thủy (Theo Reuters)