|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhiều nhà băng khu vực ở Mỹ mất khách vào tay các ông lớn, nhưng nạn nhân thực sự là hàng triệu doanh nghiệp nhỏ

16:41 | 31/03/2023
Chia sẻ
Chỉ trong vài tuần, ba ngân hàng khu vực của Mỹ đã nối đuôi nhau sụp đổ. Sự việc đang thử thách niềm tin của người dân vào các nhà băng khu vực, nguồn cấp tín dụng chính cho một lượng lớn doanh nghiệp nhỏ tại quốc gia này.

Đương đầu với thách thức

Các banker trên khắp nước Mỹ đã phải tiếp nhận hàng trăm cuộc gọi và tin nhắn hoảng loạn từ khách hàng sau khi Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và Silvergate Bank sụp đổ đầu tháng này.

Trang mạng xã hội của các nhà băng khu vực cũng tràn ngập những câu chuyện về việc khách hàng rút tiền gửi, hoặc dự định làm như vậy. Trong thời gian ngắn, tiền gửi từ các ngân hàng nhỏ đã ồ ạt chảy vào các nhà băng lớn.

Một đêm, ông Scott Anderson nghe được tiếng chuông cửa. Bên ngoài là cậu bé hàng xóm 8 tuổi đang đợi với một túi bỏng ngô. Ông Anderson, CEO của Zions Bank ở Utah, đã giúp cậu bé mở một tài khoản vào ngày sinh nhật năm ngoái.

“Tiền của cháu có an toàn không ạ?” cậu bé hỏi. Tại một hội nghị ngành ngân hàng hồi tuần trước, vị CEO đã kể lại câu chuyện này. Theo Wall Street Journal, có rất nhiều khách hàng có cùng thắc mắc như cậu bé.

CEO Jim Ryan của Old National Bancorp tại Indiana đã nhận được tin nhắn từ một khách hàng lâu năm. Người này hỏi: “Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tiền của tôi có an toàn không?”

“[Vẫn an toàn] như suốt 188 năm qua”, ông Ryan trả lời. Theo Wall Street Journal, Old National Bancorp được thành lập vào năm 1834 và đang quản lý 47 tỷ USD tài sản.

Tại St. Louis (bang Missouri), ông Dan Robb, hiện đang điều hành Jonesburg State Bank, phải chạy đua để đảm bảo toàn bộ giao dịch viên và tổng đài viên biết cách trấn an các khách hàng đang lo lắng.

Trong khi đó, nhân viên của Valley National Bank ở New Jersey đã phải gọi điện hoặc nhắn tin cho 75% khách hàng doanh nghiệp trong vòng 48 giờ sau khi SVB sụp đổ để đảm bảo rằng tiền gửi của họ vẫn an toàn, CEO Ira Robbins cho hay.

Theo dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), 25 ngân hàng lớn nhất đất nước đã nhận được 120 tỷ USD tiền gửi trong những ngày sau khi SVB bị Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản.

Tất cả các ngân hàng còn lại thì mất 108 tỷ USD tiền gửi trong cùng giai đoạn. Wall Street Journal nhấn mạnh rằng đây là mức giảm tiền gửi hàng tuần lớn nhất, tính theo đồng USD.

Trong khi đó, theo dữ liệu từ Refinitiv Lipper, hơn 220 tỷ USD đã chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ trong hai tuần qua.

 

Trái tim và linh hồn

Tính đến cuối năm ngoái, Mỹ có khoảng 4.706 ngân hàng thương mại. Số lượng các ngân hàng nhỏ đã giảm hơn 9.000 trong ba thập kỷ qua, phần lớn là do các thương vụ sáp nhập.

Các ngân hàng quy mô lớn đã liên tục giành được thị phần tiền gửi từ các nhà băng nhỏ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hai gã khổng lồ JPMorgan và Bank of America hiện chiếm gần 25% tổng tiền gửi của người dân Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cộng đồng vẫn có chỗ đứng trên sân chơi địa phương, nơi các nhà băng lớn nhất thiếu chi nhánh và kết nối với khách hàng.

Giáo sư tài chính Rebel Cole tại Đại học Florida Atlantic cho biết những ngân hàng khu vực như vậy chính là “trái tim và linh hồn của hoạt động cho vay dành cho doanh nghiệp nhỏ”.

Theo phân tích của giáo sư Cole dựa theo dữ liệu liên bang, tính đến cuối năm 2022, các ngân hàng có tài sản dưới 10 tỷ USD chiếm gần 43% các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ. Ngược lại, 13 ngân hàng lớn nhất chiếm chưa đến 23%.

Vị giáo sư cho biết hoạt động cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ chưa bao giờ thực sự phục hồi sau khủng hoảng tài chính, đồng thời các ngân hàng rất ít khi cấp các khoản vay dưới 100.000 USD.

Theo số liệu từ Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ, tính đến cuối năm ngoái, Mỹ có khoảng 33,2 triệu công ty quy mô nhỏ, tăng so với con số 32,5 triệu của năm trước đó.

 

Tín dụng bị thắt lại

Hiện tại, sự hoảng loạn đã lắng xuống, nhưng tâm lý dao động của người gửi tiền có thể gây ra hậu quả lâu dài cho các nhóm cộng động mà những ngân hàng nhỏ hơn đang phục vụ.

Các ngân hàng cần tiền gửi để cho vay; nếu tiền gửi giảm, hoạt động cho vay gần như chắc chắn sẽ đi theo cùng quỹ đạo.

Hơn nữa, tình trạng hỗn loạn gần đây có thể thúc đẩy các nhà băng trả lãi suất tiền gửi cao hơn khách hàng, qua đó gây hại cho lợi nhuận của họ và càng siết chặt hoạt động cho vay.

Ngoài ra, tốc độ rút tiền gửi gần đây đã buộc các ngân hàng phải dự trữ tiền mặt phòng trường hợp bất trắc. Giới phân tích và các quan chức ngân hàng trung ương cảnh báo rằng lĩnh vực tài chính Mỹ có thể sẽ bị siết chặt tín dụng (credit crunch).

“Nếu chúng tôi để mất nguồn tiền gửi của khách hàng vào các nhà băng lớn, chúng tôi không thể tăng trưởng và cho vay trong tương lai”, ông Brian Johnson, CEO tại Choice Bank ở North Dakota, cho hay.

“Các cộng đồng sẽ không thể phát triển và doanh nghiệp không thể tạo ra lợi nhuận”, ông bày tỏ lo ngại với Wall Street Journal.

Ông Johnson nói các banker và sản phẩm của Choice Bank vẫn có lợi thế riêng để trụ vững trước các ngân hàng lớn, nhưng nhà băng này không phải là một cái tên “quá lớn để sụp đổ”.

Hay nói cách khác, ông e ngại rằng Choice Bank không có khả năng bảo vệ người gửi tiền khỏi những thiệt hại tiềm tàng. “Làm thế nào tôi có thể cạnh tranh...với những gã khổng lồ ngoài kia”, vị CEO cho hay.

Nhiều nhà băng đã chùn bước sau những bất ổn gần đây. Theo một cuộc khảo sát của Fed vào tháng 1, gần 44% ngân hàng cho biết họ đã thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ từ quý IV/2022.

Giáo sư Cole cảnh báo: “Nếu chúng ta bắt đầu thấy doanh nghiệp rút tiền gửi ra khỏi các ngân hàng khu vực có tài sản dưới 10 tỷ USD, điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp và bất lợi đến hoạt động cho vay dành cho các công ty quy mô nhỏ”.

Yên Khê