|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tấn công ransomware nhắm tới ngành tài chính Việt Nam

16:18 | 22/09/2024
Chia sẻ
Lừa đảo tài chính, tấn công mạng vào hệ thống thông tin ngành tài chính đang có xu hướng gia tăng, trong khi nhiều đơn vị còn chủ quan.

Tại hội thảo về tài chính số ở Hà Nội tuần này, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, đánh giá tài chính là lĩnh vực có thứ hạng cao về chuyển đổi số, nhưng song song là nguy cơ về an toàn thông tin luôn rình rập.

Nhắc lại việc có doanh nghiệp về chứng khoán bị tấn công ransomware (mã độc tống tiền), sau đó phải trả tiền để lấy lại dữ liệu, ông Tuấn cho rằng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tấn công ransomware tăng cao tại Việt Nam thời gian qua.

"Khi trao đổi với nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, họ cũng chung nhận định như vậy. Trước đây tin tặc ít quan tâm đến thị trường Việt Nam, nhưng từ khi biết doanh nghiệp có thể trả tiền, nguy cơ bị tấn công cao hơn", ông nói.

Cục trưởng ATTT Lê Văn Tuấn. (Ảnh: Lưu Quý).

Trước đó, theo thống kê từ hệ thống của Viettel Cyber Security trong sáu tháng đầu năm, các chiến dịch ransomware tăng 70%, trong đó có khoảng 30 cuộc tấn công vào các tập đoàn, ngân hàng và tổ chức tài chính lớn ở Việt Nam.

Tại hội thảo có sự tham gia của các đơn vị thuộc các lĩnh vực tài chính, thuế, kho bạc, chứng khoán, Cục trưởng Tuấn đánh giá đây đều là những hạ tầng quan trọng của quốc gia, vì vậy vấn đề an toàn thông tin cần được quan tâm đầu tư. Ngoài tấn công mạng, những lĩnh vực này còn đối mặt với vấn đề về xâm phạm dữ liệu khi các dữ liệu tài chính "có giá trị cao và hacker rất muốn khai thác".

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông, nhận thức về an toàn thông tin, việc thực thi công tác đảm bảo an toàn thông tin chưa xứng tầm. "Khi phát hiện nguy cơ của một cuộc tấn công mới đây, chúng tôi đã có văn bản gửi đến các đơn vị liên quan, nhưng chỉ có một số phản hồi, tỷ lệ rất thấp", ông nói.

Cục trưởng khuyến nghị các đơn vị trong lĩnh vực tài chính cần đầu tư nguồn lực thích đáng cho an toàn thông tin, cần chiếm khoảng 10% trong đầu tư về công nghệ thông tin. Nhân sự cần luyện tập, tham gia diễn tập thường xuyên.

Riêng với vấn đến lừa đảo tài chính với người dùng, thường gặp là việc bị lừa cài ứng dụng giả mạo cơ quan chính phủ, ông Tuấn cho biết đang làm việc với các nền tảng để Việt Nam "trở thành nước đầu tiên" thí điểm làm "tích xanh" cho các ứng dụng chính phủ, giúp người dân có thể nhận diện app thật hay lừa đảo.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Tài chính Bùi Văn Khắng khẳng định chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân sách là một nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả, bởi đây là lĩnh vực đóng vai trò "huyết mạch" của nền kinh tế. Ba vấn đề chính cần tập trung là thể chế, công nghệ và con người, trong đó thể chế đi trước, công nghệ, con người là nền tảng tạo tiền đề để phát triển.

Về công nghệ, ông Khắng nhấn mạnh việc tập trung nâng cao năng lực hạ tầng số, hoàn thiện dữ liệu số, phát triển ứng dụng, dịch vụ số, an toàn, an ninh mạng, đồng thời cần triển khai, thử nghiệm công nghệ mới như AI, Bigdata,.. nhằm phục vụ hoạt động chuyên ngành cốt lõi và các hoạt động phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Lưu Quý

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.