|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chiến lược nào đã giúp 'ngân hàng ngầm' BlackRock hùng mạnh hơn sau khủng hoảng, nắm quyền lực tài chính khổng lồ?

12:41 | 03/01/2023
Chia sẻ
Với số tài sản khổng lồ đang quản lý, BlackRock có sức ảnh hưởng rất lớn trên thị trường tài chính toàn cầu. Hệ thống phần mềm của BlackRock cũng đang giúp các ngân hàng, quỹ đầu tư quản lý hàng chục nghìn tỷ USD, đồng thời đem lại cho BlackRock nhiều thông tin quý giá.

JPMorgan Chase, Bank of America hay HSBC là những cái tên đầu tiên xuất hiện khi chúng ta nghĩ tới tổ chức tài chính lớn nhất. Tuy nhiên, quy mô của những ngân hàng trên đều chỉ bằng một phần so với BlackRock - một định chế được xếp vào nhóm ngân hàng ngầm (shadow bank) hay còn gọi là ngân hàng bóng tối.

Vào quý III/ 2022, tài sản dưới quyền quản lý (AUM) của BlackRock đạt 7.961 tỷ USD. Hiện tại, BlackRock tạm thời đánh mất danh hiệu số một thế giới vào tay Vanguard, một công ty quản lý đầu tư khác. Tuy vậy trong nhiều năm kể từ 2009, BlackRock thường xuyên giữ danh hiệu doanh nghiệp quản lý tài sản lớn nhất thế giới.

Quy mô khổng lồ của BlackRock khiến quỹ tài sản này được mệnh danh là "ngân hàng bóng tối" lớn nhất thế giới.

Cuối năm 2021, BlackRock từng nắm giữ 10.100 tỷ USD tài sản. Để so sánh, tổng vốn hóa của 5 công ty niêm yết lớn nhất thế giới là Apple, Saudi Aramco, Microsoft, Alphabet (Google) và Amazon thời điểm cuối năm 2022 mới đạt chưa đầy 8.000 tỷ USD

Tính đến tháng 6/2022, 10 quỹ tài sản quốc gia lớn nhất thế giới mới quản lý khoảng gần 8.000 tỷ USD. GDP của Mỹ vào năm 2021 là 21.400 tỷ USD, hay gấp hơn hai lần tài sản được BlackRock quản lý vào thời gian này. 

Và những điều đáng kinh ngạc về BlackRock không chỉ dừng lại ở quy mô. Khác với nhiều đối thủ, BlackRock là một doanh nghiệp rất non trẻ.

BlackRock mới chỉ 34 tuổi, trẻ hơn Apple 12 tuổi, ít hơn ngân hàng Chase tới 189 năm. Bất chấp hơn 150 năm khác biệt, tài sản mà BlackRock đang quản lý lớn gấp gần 3 lần JPMorgan Chase.

Gã khổng lồ trẻ tuổi

BlackRock ra đời năm 1988 bởi 8 nhà sáng lập. Khác với Microsoft, Google hay Apple được thành lập bởi vài người bạn ở tuổi 20, đa phần những người dựng nên BlackRock đều đã qua tuổi 40 vào thời điểm mở công ty.

CEO Larry Fink của BlackRock (phải) và cựu Tổng thống Trump vào năm 2017. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images).

Ông Larry Fink, CEO của BlackRock kể từ ngày mới thành lập, là một nhân vật kỳ cựu trong lĩnh vực đầu tư và từng làm việc cho một công ty quản lý tài sản tiếng tăm khác là Blackstone. Vào năm 1988, ông đưa ý tưởng thành lập một quỹ quản lý tài sản tập trung vào quản trị rủi ro lên Chủ tịch Pete Peterson của Blackstone.

Blackstone đã giúp ông Larry Fink thành lập Blackstone Financial Management. Với danh tiếng của Blackstone, quỹ của ông Fink đã nhanh chóng phát triển, đạt đến quy mô hàng chục tỷ USD vào đầu những năm 1990.

CEO Larry Fink tin rằng việc tặng lượng lớn cổ phiếu cho nhân viên góp phần thu hút nhân tài. Tuy vậy, hành động này làm pha loãng cổ phiếu của thành viên sáng lập cũng như khoản đầu tư của Blackstone.

Đến năm 1994, cổ phần của Blackstone trong BlackRock đã giảm chỉ còn 35%. CEO của Blackstone, ông Stephens Schwarzman yêu cầu ông Larry ngừng tặng cổ phiếu cho nhân viên mới. Tuy vậy, cả hai không thể đồng thuận và đường ai nấy đi.

Năm 1994, Blackstone bán cổ phần trong công ty quản lý quỹ cho PNC Bank với giá 240 triệu USD, lúc này quỹ đang quản lý khối tài sản trị giá 23 tỷ USD. Tháng 6/1994, công ty chính thức đổi tên thành BlackRock. 

Tính đến cuối quý III/2022, Blackstone chỉ quản lý gần 1.000 tỷ USD tài sản, bằng 1/8 so với BlackRock. Tuy vậy, theo Forbes, tổng tài sản của ông Stephens Schwarzman hiện lên tới 24,8 tỷ USD, còn của nhà sáng lập BlackRock chỉ là 1 tỷ USD.

Vào năm 1999, BlackRock quyết định IPO với giá 14 USD/cổ phiếu. Cùng năm, công ty cũng tung ra phần mềm có tên gọi Aladdin - công cụ khiến BlackRock trở thành người chơi lớn trong thị trường tài chính. 

Aladdin là nền tảng có khả năng theo dõi hơn 2.000 yếu tố rủi ro mỗi ngày, bao gồm thay đổi giá trái phiếu, tiền tệ, biến động … 

Tuy Aladdin giúp BlackRock thu được hàng trăm triệu USD mỗi năm, sự tăng trưởng của công ty trong giai đoạn trước 2008 chủ yếu tới từ các vụ mua lại. Những thương vụ thâu tóm từ 1999 đến 2006 đã giúp tài sản được quản lý của BlackRock tăng từ 155 tỷ USD lên 800 tỷ USD.

Khủng hoảng tài chính 2008

Cuộc Khủng hoảng Tài chính 2008 là một cơn ác mộng đối với giới ngân hàng và các chuyên gia tài chính trên toàn thế giới. Lehman Brothers đã hoàn toàn sụp đổ, nhiều tổ chức khác bên bờ vực phá sản và phải cầu cứu chính phủ.

Tuy nhiên, BlackRock không bị ảnh hưởng nhiều bởi suy thoái kinh tế. Ngược lại, cuộc khủng hoảng là một thắng lợi lớn với BlackRock. 

Rõ ràng, các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Wells Fargo và Citigroup đã không quản trị rủi ro tốt. Tất cả ngân hàng, thậm chí cả Fed cũng như Bộ Tài chính Mỹ đều tìm đến BlackRock và Aladdin. Và chi phí để sử dụng Aladdin không hề rẻ. JPMorgan đã phải trả cho BlackRock mỗi năm 5,3 triệu USD để sử dụng nền tảng này.

Bên cạnh cơ hội làm ăn, khủng hoảng còn giúp BlackRock thâu tóm các tập đoàn tài chính đang gặp khó khăn với mức giá rẻ không tưởng. Một trong những vụ thâu tóm quan trọng nhất của BlackRock trong giai đoạn này là Barclay Global Investors (BGI) - công ty quản lý các quỹ hoán đổi danh mục ETF iShares top đầu thế giới. 

Kết quả là, vào năm 2009, BlackRock trở thành doanh nghiệp quản lý tài sản hàng đầu. Ưu tiên quản lý rủi ro của BlackRock tiếp tục được đền đáp xứng đáng. Vào năm 2020, Fed lại một lần nữa tìm đến BlackRock.

 

Tất nhiên, sự thành công của BlackRock cũng kéo theo nhiều tai tiếng. Công ty đã bị cáo buộc lợi dụng mối quan hệ chặt chẽ với Fed để trục lợi trong đại dịch COVID.

Tờ The New Republic đã viết rằng BlackRock "trải qua một đại dịch tuyệt vời", vừa "tự coi mình là người có trách nhiệm với xã hội, đồng thời góp phần gây ra thảm họa khí hậu, trốn tránh sự giám sát và gây ảnh hưởng lên chính quyền Tổng thống Biden".

Rủi ro từ sự thống trị

Nền tảng Aladdin

Vào năm 2013, The Economist gọi BlackRock là "gã khổng lồ". Tờ báo đặt câu hỏi về Aladdin và sự thống trị của nền tảng này trong quản trị rủi ro. Vào thời điểm đó, BlackRock đã quản lý 4.100 tỷ USD tài sản. 11.000 tỷ USD tài sản khác được nền tảng Aladdin quản trị. 

Aladdin còn được những tổ chức, doanh nghiệp phi tài chính như Apple, Microsoft hay Alphabet sử dụng nhằm quản lý danh mục quỹ đầu tư. 

Vào năm 2020, Financial Times ước tính Aladdin đang quản lý 21.000 tỷ USD tài sản tài chính, tương đương với quy mô GDP của toàn nước Mỹ. Giám đốc của một công ty bảo hiểm lớn tại châu Âu nói: "Nếu bạn muốn mua, bán hay đầu tư bất cứ thứ gì, khó có thể tránh được BlackRock. BlackRock biết gần như mọi thứ". 

Số tiền khổng lồ này tạo ra nhiều mối lo ngại. Hơn 17.000 nhà giao dịch tại các ngân hàng, công ty bảo hiểm, quỹ tài sản quốc gia ... dựa vào mô hình phân tích của BlackRock để định hướng đầu tư. 

Những người này đang quản lý các khoản tiền lớn nhất thế giới. Khi cả thế giới đều dùng chung một phương pháp đánh giá rủi ro, nếu phương pháp này thất bại, hậu quả sẽ vô cùng lớn. 

Quyền lực ngoại hạng

Trong bài nghiên cứu vào năm 2019, ông Lucian Bebchuk của Trường Luật Havard và Scott Hirst của Đại học Boston ước tính rằng ba quỹ quản lý tài sản BlackRock, Vanguard and State Street kiểm soát hơn 20% cổ phần tại 500 doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ. Vào năm 1998, con số này chỉ là 5%.

Sức mạnh thực sự của "Bộ Ba" này còn lớn hơn, bởi nhiều cổ đông không tham gia bỏ phiếu tại đại hội thường niên. Vào năm 2019, BlackRock, Vanguard và State Street đã kiểm soát khoảng 1/4 tổng số phiếu bầu, và dự kiến sẽ tăng lên 41% trong hai thập kỷ nữa.

Ông John Coates, giáo sư tại Trường Luật Havard, gọi sự tập trung quyền lực kinh tế này là "vấn đề lớn nhất về tính hợp pháp và trách nhiệm giải trình".   

Tỷ lệ trên được BlackRock báo cáo theo Mẫu 13F gửi lên SEC vào quý III/2022. Thông tin trong Mẫu 13F có thể không thể hiện hết toàn bộ lượng chứng khoán mà BlackRock đang quản lý.

Đầu năm 2020, CEO Larry Fink thông báo rằng BlackRock sẽ đặt tính bền vững làm trọng tâm trong các quyết định đầu tư, đi theo xu hướng cân nhắc các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Với quyền biểu quyết khổng lồ của mình, những quỹ đầu tư như BlackRock hay Vanguard có thể dễ dàng khiến các doanh nghiệp thay đổi chiến lược kinh doanh. 

Việc BlackRock đặt trọng tâm vào ESG khiến chính trị gia từ cả hai phía tức giận. Phe Cộng hòa, chẳng hạn như Thống đốc Florida Ron DeSantis, cho rằng ESG đang gây hại cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, và tuyên bố BlackRock đang thúc đẩy nền văn hóa "woke"(xu hướng nhạy cảm  trước các vấn đề chính trị, định kiến và phân biệt chủng tộc).

Trong khi đó, Thượng Nghị sĩ Đảng Dân chủ Elizabeth Warren của bang Massachusetts đã chỉ trích BlackRock hành động quá ít ỏi.

Vào tháng 8, 19 Tổng chưởng lý bang Đảng Cộng hòa đã ký vào một lá thư, cáo buộc BlackRock ủng hộ các cam kết ESG và gây thiệt hại tới lợi nhuận của quỹ hưu trí. Kể từ đó, một số bang của Mỹ đã rút tiền từ BlackRock. Theo Bloomberg, tổng cộng 3 tỷ USD đã bị rút khỏi BlackRock, trong đó bang Florida đã rút tới 2 tỷ USD. 

CEO Fink lập luận rằng đầu tư ESG sẽ giúp quản lý tốt tài sản của khách hàng hơn, khi tính đến ảnh hưởng từ khủng hoảng khí hậu. Ông nói rằng nếu quy mô của BlackRock ảnh hưởng xấu đến quản trị doanh nghiệp, công ty có thể chia thành các thực thể nhỏ hơn. 

BlackRock đang đầu tư vào những gì?

Vậy BlackRock đang để 8.000 tỷ USD ở đâu? Số tiền khổng lồ này được BlackRock đầu tư chủ yếu vào cổ phiếu và trái phiếu. 

Tính đến ngày 30/9/2022, BlackRock đang quản lý 4.020 tỷ USD cổ phiếu (đa phần dưới dạng các loại quỹ chỉ số và ETF), 2.350 tỷ USD trái phiếu, 637 tỷ USD các loại tài sản đa dạng. BlackRock cũng giành ra 694 tỷ USD cho việc quản trị tiền mặt. 

 

Nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm 807 tỷ USD trong quỹ của BlackRock. Các quỹ ETF chiếm 2.621 tỷ USD. BlackRock đã giúp nhà đầu tư tổ chức quản lý 3.839 tỷ USD.

Những biến động thị trường và tỷ giá đã khiến tài sản của BlackRock sụt giảm trong quý III so với quý II. Dù được đầu tư thêm 65 tỷ USD trong quý III, AUM của BlackRock cũng mất 402 tỷ USD do biến động thị trường, 134 tỷ USD do biến động tỷ giá.

Minh Quang