|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sự trỗi dậy và suy tàn của tượng đài công nghiệp Mỹ: Khủng hoảng tài chính hay quản trị sai lầm đã nhấn chìm General Electric?

16:35 | 11/12/2022
Chia sẻ
General Electric, tập đoàn từng là biểu tượng của nền công nghiệp Mỹ, giờ đây sắp bị tách làm ba, cổ phiếu cắm đầu hơn 80%, doanh thu còn chưa đầy một nửa thời kỳ đỉnh cao. Việc đặt lợi ích của nhà đầu tư lên trên lợi ích dài hạn đã khiến GE sa sút.

Vào ngày 26/6/2018, tập đoàn từng là biểu tượng của nền công nghiệp Mỹ, General Electric (GE) chính thức bị loại khỏi Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones sau 111 năm góp mặt. Dow Jones là chỉ số gồm 30 công ty danh tiếng, có vốn hóa lớn trên sàn chứng khoán Mỹ.

General Electric là là một trong những thành viên đầu tiên khi Dow Jones được thiết lập vào năm 1896. Kể từ ngày 1/11/1907, GE luôn có mặt trong chỉ số này, cho tới giữa 2018.

Việc GE rời khỏi Dow Jones đánh dấu sự sa sút của một đế chế kéo dài hơn một trăm năm tuổi. Trong hai thập kỷ gần đây, cổ phiếu của GE liên tục đi xuống. 

 

Vào năm 2000, giá cổ phiếu GE đã có lúc lên hơn 450 USD/cp, tương đương với mức vốn hóa khoảng 600 tỷ USD, và là công ty đại chúng lớn nhất trên thế giới. Vị thế của GE lúc bấy giờ không khác nào Apple hiện nay. Tuy nhiên, đến ngày 8/12/2022, vốn hóa của GE chỉ còn 89 tỷ USD. 

13 năm trước, GE đứng đầu danh sách Fortune 500. Trong những năm gần đây, GE liên tục thua lỗ. Vào năm 2017, GE có tới 300.000 nhân viên, đến 2022, công ty chỉ còn 168.000 người. 

Vào ngày 9/11/2021, GE tuyên bố sẽ chia thành ba công ty đại chúng theo các lĩnh vực hàng không, chăm sóc y tế và năng lượng. Lĩnh vực chăm sóc y tế dự kiến sẽ tách riêng vào đầu năm 2023, trong khi năng lượng sẽ rời vòng tay GE vào đầu 2024. Sau đó, GE sẽ chỉ còn hoạt động trong lĩnh vực hàng không. 

Vậy tại sao một trong những tập đoàn hàng đầu của nước Mỹ, đã trụ vững trong hơn một thế kỷ, lại sa sút nhanh như vậy? 

Cuộc cách mạng trong ngôi nhà Mỹ

Khi nhắc đến GE, người Mỹ thường nghĩ ngay tới bóng điện, TV, máy giặt hay các loại đồ gia dụng. General Electric được thành lập vào năm 1892, là kết quả từ cuộc sáp nhập giữa Thomson-Houston và Edison General Electric của nhà phát minh Thomas Edison.

GE từng sản xuất đồ gia dụng, đầu máy xe lửa, động cơ máy bay, máy tính ... (Ảnh: General Electric, Bộ Quốc phòng Mỹ).

Những sản phẩm đầu tiên của GE bao gồm đèn sợi đốt, đầu máy xe điện, máy chụp X quang và lò nướng điện. Công ty bắt đầu sản xuất hàng loạt đồ gia dụng vào những năm 1920, góp công vào việc thay đổi diện mạo của ngôi nhà Mỹ.

Trong những năm sau, GE giới thiệu công nghệ ống chân không (vacuum tube), tiền để cho hệ thống theo dõi radar. GE đóng góp lớn cho quân đội Mỹ trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, GE cũng đi đầu trong lĩnh vực sản xuất động cơ phản lực tại Mỹ, với mẫu động cơ nổi tiếng J-47 được trang bị trên nhiều loại máy bay chiến đấu.

Vào những năm 1960 và 70, GE tiên phong trong lĩnh vực laser và chẩn đoán hình ảnh. GE cũng từng sở hữu nhiều máy vi tính thứ hai tại Mỹ, chỉ sau chính phủ, và thậm chí còn xây dựng được hệ điều hành riêng.

Quả bom nổ chậm "Neutron Jack"

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch kiêm CEO Jack Welch trong hai thập kỷ bắt đầu vào năm 1981, GE đã thâu tóm RCA (công ty điện tử, truyền thông hàng đầu) và NBC (công ty truyền hình, truyền thanh), cũng như mở rộng sang lĩnh vực tài chính. 

Trong 4 năm đầu giữ chức CEO, ông Welch tích cực tinh gọn bộ máy GE, thoái vốn khỏi 117 đơn vị và cắt giảm hơn 1/4 lực lượng lao động.

Xây dựng lâu đài cát

Ông Welch tiên phong trong việc sa thải 10% nhân viên hoạt động kém nhất trong công ty hàng năm. Chiến lược này hiện cũng đang được Amazon áp dụng.

Việc sa thải hàng loạt đã khiến ông Welch có biệt danh “Neutron Jack”. Tương tự như một quả bom neutron, ông loại bỏ nhân sự của GE và giữ lại tài sản. Khi nơm nớp lo sợ bị mất việc, nhân viên của GE luôn tập trung vào việc sinh tồn cho năm tiếp theo, và bỏ qua mục tiêu lâu dài. 

Trong suốt nhiều năm, nhà đầu tư luôn yêu thích GE bởi công ty này luôn ít nhất đạt, hoặc vượt kỳ vọng của các nhà phân tích ở Phố Wall.

Cuốn Lights Out: Pride, Delusion, and the Fall of General Electric, viết bởi hai phóng viên của Wall Street Journal là ông Thomas Gryta và Ted Mann, đã hé lộ về cách mà GE thao túng kết quả kinh doanh. Hai tác giả cho biết: “Các rắc rối được giấu nhẹm đi nhằm duy trì hiệu quả kinh doanh, khiến vấn đề nhỏ trở thành chuyện lớn”.

Để có được kết quả đẹp, GE đôi khi sẽ nâng lợi nhuận trong quý bằng cách bán một tài sản (chẳng hạn như tàu diesel) cho một ngân hàng thân quen nhằm ghi nhận khoản doanh thu này. 

GE cũng không có nhân tài và hệ thống phù hợp để vận hành hiệu quả một loạt lĩnh vực kinh doanh không liên quan với nhau, bao gồm sản xuất phim, bảo hiểm, nhựa và điện hạt nhân.

Các nhà đầu tư từng tự tin vào quan điểm rằng chương trình đào tạo nhân lực đẳng cấp thế giới sẽ giúp công ty quản lý mọi thứ hiệu quả, và GE có thể tạo ra lợi nhuận ổn định ngay cả trong những ngành có tính chu kỳ cao. 

GE hiện chỉ giữ lại 4 mảng kinh doanh, với doanh thu bằng chưa đến một nửa so với thời đỉnh cao. 

Trong 20 năm Jack Welch làm CEO (1981 - 2001), công ty thực hiện 600 vụ thâu tóm. Trung bình, mỗi tháng GE sẽ mua thêm 2,5 công ty. 

Khi CEO Welch lên nắm quyền vào năm 1981, GE có vốn hóa 14 tỷ USD. Khi ông rời công ty vào năm 2001, GE có giá  trị là 410 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Welch không xây dựng một đế chế 410 tỷ USD, mà là một cỗ máy liên tục vượt kỳ vọng của Phố Wall. 

Người kế vị Jeffrey R. Immelt, vẫn tiếp tục đường lối của ông Welch. Tuy vậy kể từ khi "Neutron Jack" rời đi, cổ phiếu GE bắt đầu đi xuống.

Cuốn Lights Out tiết lộ rằng CEO Immelt đã không quản lý tốt mảng tài chính khổng lồ của GE. "Kiếm tiền từ [GE Capital] thoạt đầu có vẻ đơn giản đến kinh ngạc ... nhưng bảng cân đối kế toán của [GE Capital] phức tạp một cách nguy hiểm, đầy rủi ro ẩn nấp trong những khoản lãi và lỗ hàng quý".

Khủng hoảng Tài chính

Năm 2008, cuộc Khủng hoảng Tài chính toàn cầu ảnh hưởng nặng nề tới GE. Trong những năm dưới sự lãnh đạo của CEO Welch, GE đã mở rộng ra vô số mảng kinh doanh, bao gồm cả tài chính. GE Capital là bên cho vay lớn thứ 5 tại Mỹ vào năm 2008.

Khác với các ngân hàng truyền thống, GE không nhận tiền gửi của dân mà huy động tiền thông qua thương phiếu với lãi suất thấp, và sau đó cho vay với lãi suất cao hơn. Vào năm 2008, GE chiếm 4% tổng số thương phiếu của Mỹ.

Khi khủng hoảng tài chính ập tới, GE Capital không thể thu tiền từ người đi vay, cũng như không có khả năng trả nợ. GE Capital đã nhận được khoản cứu trợ khổng lồ trị giá 139 tỷ USD từ chính phủ. Tuy vậy, tất cả những gì mà khoản tiền khổng lồ này có thể làm là đảm bảo GE Capital không sụp đổ ngay lập tức. 

Rắc rối của GE không kết thúc khi Khủng hoảng 2008 qua đi. Thương vụ mua lại công ty Alstom của Pháp trị giá 9,5 tỷ USD đã không mang lại nhiều kết quả. 

Trong những năm tiếp theo, GE phải giải thể nhiều bộ phận của GE Capital, và quay lại tập trung vào ngành sản xuất. GE cũng thoái vốn khỏi nhiều khoản vay, bất động sản, cũng như NBC Universal, GE Plastics, GE Water, và GE Appliances.

GE đã bán gần như mọi thứ, bao gồm cả mảng kinh doanh ban đầu là đồ gia dụng - GE Appliances. Ngày nay, nếu bạn mua sản phẩm gia dụng gắn logo của GE, chúng không còn được gã khổng lồ một thời của Mỹ sản xuất nữa. Thay vào đó, bạn đang mua đồ từ một công ty Trung Quốc có tên Haier.

Máy bay C919 của Trung Quốc sử dụng động cơ LEAP-1C do liên doanh giữa GE Aviation (mảng hàng không của GE) và Safran Aircraft Engines từ Pháp. Hàng không hiện là ngành đem về nhiều doanh thu nhất cho tập đoàn. (Ảnh: Shimin Gu).

Quỹ đạo đi xuống

Kể từ sau Khủng hoảng Tài chính, GE đã rơi vào vòng xoáy sa sút. Tài sản của GE giảm từ khoảng 800 tỷ USD vào năm 2008 xuống còn 199 tỷ USD vào năm 2021, trong khi tổng doanh thu từ hơn 180 tỷ USD đi xuống chỉ còn 74 tỷ USD. 

 Các mảng kinh doanh của GE đều đi xuống về doanh thu trong những năm gần đây, mảng năng lượng tái tạo liên tục thua lỗ.

Điều tốt đẹp nhất xảy ra với GE trong hơn một thập kỷ qua là mức nợ của tập đoàn cũng đã đi xuống. Khoản vay dài hạn của công ty đã hạ từ 336 tỷ USD xuống còn 31 tỷ USD. Tương tự, tổng nợ phải trả của GE đã giảm từ 657 tỷ USD xuống còn 157 tỷ USD. 

 Trong những năm gần đây, General Electric đã bán nhiều mảng kinh doanh, và trả bớt nợ.  

Điều gì đã nhấn chìm General Electric?

Theo Forbes, sau khi nghỉ việc, cựu CEO Jack Welch đã gọi việc tối đa hóa lợi ích của cổ đông là "ý tưởng ngu ngốc nhất trên đời". Thay vì xây dựng một công ty thực sự mạnh mẽ, tất cả những gì mà ông Welch từng làm là tạo ra một cỗ máy phục vụ kỳ vọng của Phố Wall.

Ông Roger Martin, Hiệu trưởng Trường Quản lý Rotman tại Đại học Toronto, cho rằng có hai thị trường: "thực tế" và "kỳ vọng". Thị trường "thực tế" là nơi nhà máy được xây dựng, sản phẩm được sản xuất và lợi nhuận thực tế được tạo ra. Thị trường "kỳ vọng" là nơi cổ phiếu được trao đổi, đem lại lợi ích tài chính cho các nhà đầu tư.

CEO và giám đốc cấp cao thường có lợi ích, lương thưởng gắn chặt với thị trường "kỳ vọng", giá cổ phiếu của doanh nghiệp, thay vì hoạt động kinh doanh tạo ra sản phẩm và dịch vụ thực tế. Ông Martin hỏi: "Điều gì khiến [một CEO] phải chọn con đường khó khăn, dần dần nâng cao hiệu quả hoạt động thực tế, thay vì đi con đường dễ dàng và nâng giá cổ phiếu trên thị trường [chứng khoán]?".

Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 như giọt nước tràn ly, làm sụp đổ đế chế General Electric. Tuy nhiên, trước cuộc khủng hoảng này rất lâu, nền móng của GE đã mục ruỗng. 

Minh Quang