Doanh nghiệp FDI chi thêm trăm tỷ để được sản xuất và nguy cơ vốn ngoại rời đi nếu TP HCM, Bình Dương kéo dài giãn cách
Trong gần 2 tháng, Sang (ngụ tại Bình Dương) làm việc tại nhà, chấp nhận giảm 50% lương và chờ đợi đến ngày mọi thứ bình thường trở lại.
Nam thanh niên 32 tuổi làm việc cho một công ty Việt Nam nhập khẩu máy ép nhựa từ Trung Quốc và bán lại cho người mua trong và ngoài nước.
"Chúng tôi không thể cung ứng máy móc. Chúng tôi chỉ còn ít hàng tồn kho nhưng thậm chí không thể bán được ", Sang nói với SCMP và đề cập đến chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy do các biện pháp phòng dịch áp dụng ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt toàn bộ khu vực phía Nam.
Để ứng phó với dịch và vừa duy trì sản xuất, Chính phủ cho phép các nhà máy trong khu công nghiệp được hoạt động nếu đáp ứng điều kiện "ba tại chỗ" (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ) , hoặc "một cung đường, hai đường điểm đến" (chỉ duy nhất một cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở). Những doanh nghiệp không đảm bảo được các điều kiện trên sẽ phải buộc tạm thời đóng cửa.
Vợ Sang là công nhân tại một nhà máy trong khu công nghiệp VSIP. Hiện cô cũng lựa chọn ở nhà, nhận mức lương tối thiểu từ công ty, trong khi các đồng nghiệp đi làm theo mô hình "ba tại chỗ". Dù vậy một số công nhân trong nhà máy vẫn mắc COVID-19.
Sang nghĩ nếu vợ mình đi làm, có lẽ đã được đưa đi cách ly rồi. Anh lo lắng mô hình sản xuất "3 tại chỗ" không an toàn.
"Chúng tôi sắp tiêu hết tiền tiết kiệm. Mong sao dịch sớm kết thúc để chúng tôi có thể trở lại làm việc", Sang nói thêm.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, số lượng lao động thất nghiệp đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý II là 28.364 người, tăng 15.938 người, tương ứng tăng 128,2% so với quý I.
Báo cáo cho biết lượng lao động thất nghiệp có sự gia tăng do đây là thời điểm lao động chuyển đổi công việc nhưng gặp phải tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp tạm thời giảm số lượng tuyển dụng, lao động gặp khó khăn hơn trong việc tìm kiếm việc làm.
Đó là khó khăn của người lao động, còn với khối doanh nghiệp, họ còn phải đối diện với nhiều thách thức hơn.
Làn sóng dịch thứ 4 bùng phát tại Việt Nam hồi cuối tháng 4 đang tác động đến nền kinh tế phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu, SCMP nhận định.
TP HCM, tâm dịch lớn nhất hiện ghi nhận hơn 221.000 ca nhiễm và hơn 8.800 ca tử vong. Bình Dương, tỉnh đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI (chỉ sau TP HCM) cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 với số ca vượt 110.000 (cũng đứng thứ 2 sau TP HCM).
Bình Dương được biết đến là một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng nhất cả nước. Đây là nơi hàng chục công ty lớn đặt nhà máy như Kumho Tire của Hàn Quốc hay Tetra Pak, công ty đóng gói bao bì lớn nhất thế giới. Hai nhà cung ứng linh kiện cho Apple là Samsung Electronics và Pegatron cũng có nhà máy tại Bình Dương.
Tuy nhiên do số ca nhiễm tăng cao, nhiều nhà máy tại đây đã buộc phải tạm dừng hoạt động để phòng dịch.
Giám đốc cấp cao của Green Speed, một công ty đặt tại Bình Dương chuyên cung ứng nhân lực cho các thương hiệu lớn như Coca Cola, FoxConn và Unilever, cho biết chi phí "3 tại chỗ" và quy định đi lại không nhất quán là những thách thức mà các nhà máy tại Bình Dương phải đối mặt.
"Chi phí (để bảo đảm chỗ ăn, ở và làm việc) cho hàng nghìn nhân viên là quá lớn", ông nói và nêu ví dụ điển hình về Intel Việt Nam tháng vừa rồi đã phải chi đến 6 triệu USD (khoảng 140 tỷ đồng) để duy trì sản xuất theo "một cung đường, hai điểm đến".
Ngoài ra, quy định về giấy đi đường ở mỗi nơi lại khác nhau. Điều này gây khó khăn cho các công ty khi đưa đón nhân viên từ nơi ở đến nơi làm việc.
Không chỉ là thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài, Bình Dương còn là một trong những "thủ phủ" khu công nghiệp với 29 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.700. Dự án FDI chiếm tới 2.309 trong tổng 2.965 dự án KCN và sản xuất đa ngành từ điện tử, hàng may mặc, da giày đến thực phẩm.
Tính đến cuối tháng 7, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bình Dương đã nhận tổng vốn đăng ký FDI hơn 36,8 tỷ USD.
Năm ngoái, Bình Dương đứng thứ ba cả nước về xuất khẩu với giá trị hàng hóa 27,8 tỷ USD, chỉ sau Bắc Ninh (xuất khẩu 39,1 tỷ USD) và TP HCM (xuất khẩu 44,3 tỷ USD. Bình Dương cũng đóng góp 59.700 tỷ đồng vào thu ngân sách nhà nước năm 2020.
Theo SCMP, kinh tế Bình Dương có thêm động lực phát triển phần lớn phụ thuộc vào lượng lao động ngoại tỉnh. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, khoảng 1/5 cư dân Bình Dương trên 5 tuổi đến từ tỉnh khác, khiến nơi đây trở thành một trong những tỉnh thu hút nhiều người nhập cư nhất.
Từ tháng 4 đến tháng 7, khi Việt Nam ghi nhận số ca mắc tăng cao, giá trị xuất khẩu của Bình Dương tăng 5%, một mức tăng trưởng khiêm tốn so với mức 36% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ghi nhận mức giảm 8,7% so tháng trước.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62,2 tỷ USD. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 32,7 tỷ USD và thị trường EU đạt 26,1 tỷ USD.
Trong báo cáo ngày 12/8, bà Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Natixis tại Hong Kong nhận định việc đóng cửa các nhà máy dệt may và da giày ở khu vực phía Nam Việt Nam sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Mỹ và EU là những đối tác nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, còn Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu hàng hóa trung gian. Việc các nhà máy ở Việt Nam ngừng sản xuất sẽ ảnh hưởng đến chuỗi giá trị nhiều hơn là ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng", báo cáo nêu.
Hồi đầu tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động.
Dữ liệu từ UBND Bình Dương cho thấy trong 824.570 liều vắc xin đã phân bổ, có 25% liều được tiêm cho công nhân nhà máy và người lao động tại khu công nghiệp. Phần còn lại được phân phối cho người dân ở các thành phố, thị xã và huyện. Số liệu này rõ ràng cho thấy chiến lược ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động ở khu vực sản xuất.
Một nữ quản lý của Adidas ở Bình Dương cho biết tất cả công nhân tại nhà máy của cô, hầu hết vẫn đang ở Bình Dương, đã được tiêm một mũi vắc xin. Hiện công ty đang làm việc với chính quyền địa phương để tiến hành tiêm liều thứ hai đúng kế hoạch.
"Tôi cảm thấy tiếc cho cả nhà máy và công nhân. Chúng tôi vẫn muốn sản xuất, nhưng không thể", nữ quản lý nói.
Theo thông tin người này cung cấp cho SCMP, nhà máy của Adidas đã phải tạm ngừng hoạt động hơn 1 tháng vì hồ sơ đăng ký "3 tại chỗ" không được chấp thuận. Trong khoảng thời gian đó, người lao động nhận mức thu nhập tối thiểu hàng tháng.
"Tôi hy vọng chúng tôi có thể sớm hoạt động trở lại," người quản lý nói và nhấn mạnh tiêm chủng là giải pháp duy nhất hiện nay chứ không phải mô hình "3 tại chỗ".
Trong thông báo ngày 19/8, Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cho biết nhiều doanh nghiệp trước đó đã đáp ứng đủ điều kiện hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội thì nay phải tạm ngừng sản xuất hoặc cắt giảm nhân sự do tình trạng thiếu nguyên liệu, không có đơn đặt hàng mới hoặc phát hiện công nhân mắc COVID-19.
Chia sẻ với SCMP, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính - Kế toán của Đại học Bristol (Anh) nhấn mạnh lo ngại rằng các doanh nghiệp của Việt Nam có thể phải rời khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu do những hạn chế.
"Năm ngoái, các công ty Nhật Bản đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc, sang Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Trong tình hình hiện tại, sẽ không có gì ngạc nhiên khi họ cân nhắc các lựa chọn khác, bên ngoài Việt Nam nếu tình trạng gián đoạn sản xuất không được cải thiện. Nếu TP HCM và Bình Dương tiếp tục với tình trạng giãn cách xã hội kéo dài, khu vực sản xuất FDI có thể bị tổn thương", ông Tuấn nhận định.
Rất khó để các nhà đầu tư nước ngoài chuyển địa điểm ngay lập tức, nhưng ông Tuấn cho biết họ có thể chuyển kênh đầu tư sang các nước khác. Điều này có thể làm giảm dòng vốn FDI, cùng với lượng kiều hối về Việt Nam - vốn cần cho đất nước để duy trì cán cân thanh toán quốc tế ổn định, trong bối cảnh xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng trong năm nay.
"Thái Lan gần đây đã trải qua mức thâm hụt kép đầu tiên trong gần một thập kỷ và đồng baht của Thái Lan đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đó là một lời cảnh báo cho Việt Nam về chi phí do gián đoạn sản xuất kéo dài ", ông Tuấn nêu quan điểm và nhấn mạnh tiêm chủng là giải pháp hàng đầu.
"Chính phủ đặt mục tiêu dịch sẽ được kiểm soát vào ngày 15/9 tới đây, hy vọng đến lúc đó tình trạng gián đoạn sản xuất sẽ được giải quyết hoặc bớt nghiêm trọng", ông nói thêm.