Nguy cơ ảnh hưởng kinh tế diện rộng tại vùng chiếm hơn 50% GDP cả nước
Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm 8 tỉnh, thành phố (TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang) dù diện tích chiếm 9,23% và dân số chiếm 22,17% dân số của cả nước (số liệu năm 2019), nhưng đây lại là vùng kinh tế năng động, đầu tàu phát triển, có đóng góp quan trọng cho nguồn thu ngân sách, giá trị xuất khẩu và đầu tư nước ngoài của cả nước.
Năm 2020, GRDP của Vùng đạt 1.941 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010) chiếm 50,45% GDP của cả nước, trong đó TP HCM chiếm 51,12% GRDP của cả Vùng.
Từ cuối tháng 4 đến nay, nơi đây cũng là điểm nóng của dịch COVID-19. Ngoài TP HCM là tâm dịch lớn nhất với tổng số ca ghi nhận đến nay hơn 209.000, hai tỉnh cũng có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế chung của Vùng là Bình Dương và Đồng Nai lần lượt đứng thứ 2 và 3 về số ca nhiễm.
TP HCM vượt 200.000 ca, Bình Dương vượt 100.000 ca
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp đặc biệt ở TP HCM và Bình Dương. Số ca mắc mới vẫn ghi nhận duy trì mức cao với khoảng 50% ghi nhận tại cộng đồng và có xu hướng gia tăng do đang tăng cường thực hiện xét nghiệm trên diện rộng.
TP HCM hôm qua đã chính thức vượt mốc 200.000 ca nhiễm, còn Bình Dương, tâm dịch lớn thứ hai, vài ngày gần đây, liên tục ghi nhận số ca mới trong ngày vượt cả TP HCM. Với đà tăng hiện tại, số ca bệnh tại đây đã vượt mốc 100.000 trường hợp. Hiện, tỉnh cũng đang lên kế hoạch ứng phó khi số ca nhiễm dự báo trong hai tuần tới sẽ tăng lên 150.000.
Trong khi đó, tại Đồng Nai - địa phương đứng thứ ba cả nước về số ca nhiễm COVID-19, ghi nhận trung bình trong 7 ngày gần đây hơn 990 trường hợp/ngày. Đến nay, Đồng Nai đã có hơn 22.600 bệnh nhân COVID-19. Long An cũng có số ca tương tự Đồng Nai, khoảng hơn 20.000 ca kể từ đầu dịch.
Những tác động kinh tế ban đầu
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 của Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp trong tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị 16.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng 8 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, nhiều tỉnh thành giảm mạnh IIP so với cùng kỳ như Bến Tre giảm 60,1%, Đồng Tháp giảm 59,1%, TP HCM giảm 49,2%, Vĩnh Long giảm 41,5%, Tây Ninh giảm 36,9%, Sóc Trăng giảm 31,4%; Đồng Nai giảm 13,3%; Bình Dương giảm 12,6%.
Còn "đầu tàu" TP HCM, kinh tế cũng bắt đầu ngấm đòn vì COVID-19 với nhiều chỉ tiêu về sản xuất và tiêu thụ giảm sâu so với cùng kỳ và tháng trước đó. Cụ thể, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 ước tính giảm 22,4% so với tháng 7.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8 đạt 35.522 tỷ đồng, giảm 15,9% so với tháng 7 và giảm 59,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp mới thành lập tại TP HCM cũng giảm mạnh. Trong nửa đầu tháng 8, TP ghi nhận chỉ 265 doanh nghiệp thành lập với vốn đăng ký 6.646 tỷ đồng, giảm 85,5% về số giấy phép và giảm 95,4% về số vốn.
Theo báo cáo mới nhất của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đến nay có khoảng 30 - 40% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu chế xuất của các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An đã tạm ngừng hoạt động do biện pháp hạn chế dịch COVID-19. Trong khi đó, con số này tại TP HCM là khoảng 60%.
Cụ thể tại tỉnh Bình Dương, trong tổng số 2.045 doanh nghiệp trong trong khu công nghiệp, chỉ có hơn 1.300 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số 141.477 lao động làm việc.
Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai có khoảng gần 1.300 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang hoạt động theo mô hình "3 tại chỗ" với 125.611 lao động, hiện toàn tỉnh có 1.629 doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Song, sau hơn một tháng thực hiện mô hình sản xuất "3 tại chỗ", không chỉ Bình Dương hay Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp khu vực phía Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn với những gánh nặng về chi phí "3 tại chỗ", nỗi lo về nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong nội bộ công nhân.
Khoảng 30% lao động trong KCN được tiêm vắc xin, dự báo cơ hội mở cửa không đồng đều
Hiện vắc xin là một trong những giải pháp hữu hiệu trong phòng, chống dịch COVID-19 và để duy trì, nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở khu vực phía Nam, nơi đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19.
Trong khi TP HCM lên kế hoạch tiêm mũi đầu tiên cho 15% số công nhận còn lại trước ngày 15/9, tỷ lệ tiêm vắc xin cho công nhân tại các khu công nghiệp của các tỉnh thành lân cận lại thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 30-40% tổng số lao động.
Cụ thể, tính riêng tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cho người lao động trong khu công nghiệp, tỉnh Bình Dương mới chỉ tiêm chủng cho khoảng 25,1% trong tổng số 485.700 lao động. Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai đã tiêm chủng cho khoảng 40,7% trong tổng số 315.948 lao động.
Với sự chênh lệch về tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các tỉnh phía Nam, theo nhận định của VDSC, việc mở cửa trở lại sẽ không đồng đều giữa các tỉnh miền Nam.
Có thể thấy rõ, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại TP HCM và lan rộng sang các địa phương lân cận, việc sản xuất kinh doanh gặp khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội của các địa phương mà còn ảnh hưởng lớn đến đà tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Sự gia tăng số ca nhiễm tại các TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai và các tỉnh thành khác trong vùng có nguy cơ làm kéo dài sự đình trệ sản xuất kinh doanh, cũng như thị trường xuất khẩu của vùng.
Trong nhận định mới nhất, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital cho rằng các công ty FDI phía Nam có thể đủ khả năng trả chi phí thuê khách sạn, nơi lưu trú cho nhân viên hay các chi phí liên quan phòng chống dịch COVID-19 khác.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp hàng may mặc, da giày và các sản phẩm có biên lợi nhuận thấp đang gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sản lượng xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam đã giảm trong tháng 8. Sự sụt giảm này sẽ cản trở đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Với tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn ở phía Nam, đặc biệt ở các khu vực sản xuất trọng điểm như TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai, VinaCapital hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay xuống 4,5% từ mức 6% trong dự báo trước đó. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng đã giảm dự báo xuống còn 4,8%.