|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

VDSC: TP HCM có thể mở cửa trở lại vào quý IV nếu tiếp tục đẩy nhanh tiêm chủng

14:00 | 27/08/2021
Chia sẻ
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 được đẩy mạnh có thể giúp TP HCM mở cửa trở lại. Tuy nhiên, sự chênh lệch tỷ lệ tiêm chủng giữa các tỉnh thành phía Nam cũng sẽ khiến việc mở cửa trở lại sẽ không đồng đều.

Tiến độ tiêm chủng được đẩy mạnh có thể giúp TP HCM mở cửa trở lại

Theo Kế hoạch về Phòng chống và Kiểm soát COVID-19 ban hành vào ngày 15/8, Chính quyền TP HCM đặt mục tiêu kiểm soát đại dịch với hai giai đoạn. 

Trong giai đoạn đầu (từ 15/8 đến 31/8), thành phố sẽ tập trung giảm tỷ lệ tử vong, đảm bảo các ca bệnh đều được điều trị, mở rộng "vùng xanh" và tăng cường việc khống chế đại dịch tại huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Phú Nhuận, Quận 5, Quận 7 và Quận 11. 

Trong giai đoạn hai (từ 1/9 đến 15/9), thành phố đẩy mạnh việc giảm 20% số ca tử vong và số ca nặng, số bệnh nhân nhập viện trong ngày không cao hơn số bệnh nhân xuất viện trong ngày và số lượng số bệnh nhân nhập viện không được vượt quá 2.000 ca mỗi ngày. 

Ngoài ra, thành phố đặt mục tiêu đến ngày 15/9 có 70% dân số (trên 18 tuổi) được tiêm vắc-xin mũi thứ nhất và 15% người dân hoàn thành tiêm vắc-xin mũi thứ hai.

VDSC: Tiến độ tiêm chủng được đẩy mạnh có thể giúp TP HCM mở cửa trở lại, song sẽ không đồng đều giữa các tỉnh thành - Ảnh 1.

Biểu đồ: Phương Trang.

Theo báo cáo của VDSC, cho đến nay, đại dịch vẫn đang hoành hành trong thành phố với số ca nhiễm mới mỗi ngày trung bình là 4.321 ca trong 7 ngày qua và tỷ lệ tử vong là 339 ca trung bình mỗi ngày. Tuy nhiên, tiến độ tiêm chủng cũng đang được đẩy mạnh hơn.

Tính đến ngày 25/8, gần 5,6 triệu người, tương đương 76% người trưởng thành ở TP HCM đã được tiêm ít nhất một liều trong khi 3% trong số họ đã được tiêm chủng đầy đủ.

VDSC: Tiến độ tiêm chủng được đẩy mạnh có thể giúp TP HCM mở cửa trở lại, song sẽ không đồng đều giữa các tỉnh thành - Ảnh 2.

Nguồn: Cổng thông tin COVID-19 TP HCM.

Tính đến ngày 25/8, tổng số 16,1 triệu liều vắc xin đã được tiêm so với tổng số 23,9 triệu liều vắc xin đã được nhận. Dự kiến tiến độ phân phối và cung cấp vắc xin sẽ được thúc đẩy nhanh hơn vào tháng 9 và quý IV. 

Do đó, VDSC kỳ vọng rằng việc tiếp tục tăng cường tiến độ tiêm chủng có thể giúp các hoạt động kinh tế trong thành phố dần mở cửa trở lại vào quý IV.

Việc mở cửa trở lại sẽ không đồng đều giữa các tỉnh thành

Theo thống kê của VDSC, cho đến nay, hơn 60% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và khu chế xuất của TP HCM đã tạm ngừng hoạt động do biện pháp hạn chế dịch COVID-19. Trong khi đó, khoảng 30 - 40% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của các tỉnh lân cận (Long An, Bình Dương, Đồng Nai) phải tạm dừng hoạt động. 

Ngoài ra, sau hơn một tháng triển khai mô hình sản xuất "3 tại chỗ", nhiều doanh nghiệp ở khu vực phía Nam đang gặp thách thức khi triển khai mô hình này do rủi ro lây nhiễm COVID-19 cao trong nhà máy cũng như gánh nặng chi phí gia tăng. 

Dữ liệu thương mại mới nhất trong nửa đầu tháng 8 cho thấy sự suy thoái đáng lo ngại đối với hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng trọng yếu, gồm thủy sản (-30,1% so với cùng kỳ), rau củ (-21,5%), gạo (-24,8%), dệt may (-16,5%), sản phẩm gỗ (-31,5%), túi xách (-42,7%), giày dép (-42,2%) và sản phẩm công nghệ (-10,5%).

Hiện tại, vắc xin đóng vai trò chủ chốt trong việc nối lại các hoạt động kinh doanh. Theo cơ quan chức năng của TP HCM, thành phố đã tiêm phòng cho khoảng 85% công nhân tại các khu công nghiệp và khu chế xuất. Bên cạnh đó, TP HCM đã chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm mũi đầu tiên cho 15% số công nhân còn lại trước ngày 15/9. 

VDSC: Tiến độ tiêm chủng được đẩy mạnh có thể giúp TP HCM mở cửa trở lại, song sẽ không đồng đều giữa các tỉnh thành - Ảnh 3.

Tỷ lệ tiêm vắc xin cho công nhân tại các khu công nghiệp của các tỉnh lân cận thấp hơn nhiều so với TP HCM, khoảng 30 - 40% tổng số lao động. Các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn, cho thấy việc mở cửa trở lại sẽ không đồng đều giữa các tỉnh phía Nam.

Bên cạnh tỷ lệ tiêm chủng không đồng đều giữa các tỉnh, có một số khó khăn do đại dịch gây ra có thể ảnh hưởng đến triển vọng phục hồi. 

Báo cáo VDSC dẫn nhận định của trang Nikkei Asia, sự lây lan mạnh mẽ của COVID-19 và các biện pháp siết chặt của Chính phủ đang phá vỡ kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam của các công ty công nghệ và các nhà cung cấp chính của họ. 

VDSC kỳ vọng sự chuyển dịch sản xuất chậm lại có thể chỉ là tạm thời, song nó sẽ tác động không tốt đến sự phục hồi kinh tế trong ngắn hạn. 

Đồng thời, VDSC cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng thiếu lao động và chi phí lao động ngày càng tăng khi đại dịch được kiểm soát trong những tháng tới. Do đợt bùng phát lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa hoặc ngừng hoạt động khiến hàng triệu công nhân mất việc làm. 

Tuy nhiên, VDSC nhận định, ngay cả khi Chính phủ dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, vẫn còn nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung lao động như việc bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19 khi đi làm, sự chênh lệch kỹ năng của người lao động, các lo ngại về sức khỏe tiếp diễn hoặc thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em cho người lao động.

Phương Trang