|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc mở cửa: Việt Nam được gì và mất gì?

15:23 | 10/12/2022
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc mở cửa có cả hai tác động tích cực và tiêu cực đối với Việt Nam. Một mặt, việc mở cửa trở lại thị trường xuất khẩu, nối lại các hoạt động đầu tư, thương mại,... và tác động tích cực đến kinh tế toàn cầu. Mặt khác, doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với doanh nghiệp Trung Quốc.

Sau gần ba năm kiên quyết chống dịch theo chính sách Zero COVID, giờ đây Trung Quốc đang dần nới lỏng. Theo tin từ Reuters, việc nới lỏng các quy định chống dịch bao gồm cho phép người mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà và bỏ quy định xét nghiệm bắt buộc đối với hành khách đi lại trong nội địa.

Ngày 9/12, Vietnam Airlines đã nối lại đường bay bay thương mại thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sau gần ba năm tạm dừng. Trong giai đoạn đầu, Vietnam Airlines sẽ nối lại ba đường bay đến Trung Quốc bao gồm: TP HCM - Quảng Châu từ ngày 9/12, Hà Nội - Thượng Hải từ ngày 12/12; và TP HCM - Thượng Hải từ ngày 14/12.

Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho việc Trung Quốc đang dần gỡ bỏ chính sách Zero COVID và tiến tới mở cửa trở lại.

Bình luận về động thái mới đây của Trung Quốc sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc Trung Quốc mở cửa có cả hai tác động tích cực và tiêu cực đối với Việt Nam.

Về quan hệ trực tiếp, Trung Quốc là đối tác chiến lược của Việt Nam trong thương mại, xuất nhập khẩu, trước mắt là thị trường xuất khẩu nông sản, thuỷ sản quan trọng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, đây cũng là thị trường cho một số hàng công nghiệp Việt Nam và là nơi cung cấp hàng trung gian, đầu vào cho rất nhiều mặt hàng của Việt Nam sản xuất để xuất khẩu. Trung Quốc là đối tác đứng thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI vào Việt Nam.

"Theo nghĩa đó, việc quốc gia này nới lỏng chính sách Zero COVID mang ý nghĩa tích cực", ông Thành cho biết.

 TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) (Ảnh: NVCC).

Trung Quốc tích cực, kinh tế toàn cầu cũng tích cực

Với tác động gián tiếp, kinh tế Trung Quốc đóng góp rất lớn vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu và quan hệ của Trung Quốc với các nước. Do đó, nếu kinh tế Trung Quốc tốt lên thì tăng trưởng toàn cầu cũng tươi sáng theo và Việt Nam là nền kinh tế rất mở nên sẽ giảm bớt các tác động tiêu cực từ việc suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), hầu hết các nền kinh tế trên thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong năm 2023 nhưng riêng Trung Quốc thì tăng trưởng lại tốt hơn 2022. Theo TS. Võ Trí Thành, lý do khiến quốc gia tỷ dân được dự báo sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2022 mặc dù không ở mức cao là do hai yếu tố: Nới lỏng chính sách Zero COVID và xử lý tốt hơn thị trường bất động sản. 

Sau giai đoạn thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng, Trung Quốc đã đưa ra 16 điểm quan trọng để giải cứu toàn diện. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc nới lỏng các chính sách Zero COVID sẽ mang đến tác động tích cực đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 47 tỷ USD sang Trung Quốc.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, điểm tích cực nhất là khi Trung Quốc mở cửa là việc tạo ra sức cầu về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và cả thương mại đối với Việt Nam khi chúng ta đang rất lo ngại về sức cầu của hàng xuất khẩu trong năm tới.

"Thêm vào đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ giảm bớt hiện tượng đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm chi phí nguyên vật liệu cho doanh nghiệp Việt khi nhiều lĩnh vực của chúng ta đang phải nhập khẩu hàng hoá, thiết bị từ nước này", ông Lực nói.

Thứ ba, việc Trung Quốc mở cửa sẽ góp phần để Việt Nam triển khai tốt hơn một số Hiệp định Thương mại tự do có Trung Quốc tham gia như RCEP chẳng hạn, từ đó đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Tác động tiêu cực từ cạnh tranh

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia (Ảnh: NVCC).

Lo ngại lớn nhất được cả hai chuyên gia chỉ ra là vấn đề cạnh tranh giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Trung Quốc. 

"Tác động tiêu cực lớn nhất trong việc Trung Quốc mở cửa là họ sẽ cạnh tranh với Việt Nam ở nhiều mặt hàng xuất khẩu tương đồng. Lâu nay, điều này đã và đang xảy ra rồi nhưng năm tới sẽ càng gay gắt. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nỗ lực rất nhiều để trụ lại và thậm chí là thắng được trong cuộc cạnh tranh đó", TS. Lực bình luận.

Bên cạnh đó, TS. Võ Trí Thành cũng cảnh báo nguy cơ về lâu dài, việc doanh nghiệp Việt dựa quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu nông sản hay nhập khẩu nguyên vật liệu phụ thuộc vào Trung Quốc cũng để lại những hệ luỵ to lớn.

Hạ An