World Bank: Việt Nam vẫn duy trì vị thế tích cực nhờ tăng dự trữ ngoại hối nhưng cán cân thương mại đang xấu đi trong tháng 7
Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank), các chuyên gia đánh giá về khu vực kinh tế đối ngoại, Việt Nam vẫn duy trì được vị thế tích cực với dự trữ ngoại hối tăng lên trong nửa đầu năm.
Cụ thể, Việt Nam tích lũy được 6 tỷ USD dự trữ ngoại hối từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021 do cán cân vãng lai và cán cân tài chính đều thặng dư. Đồng thời, tỷ giá thực hữu hiệu (REER) vẫn tương đối ổn định trong nửa đầu năm 2021, sau khi giảm 7,3% từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2021.
Tuy nhiên, World Bank cũng lưu ý cán cân vãng lai đã chuyển từ thặng dư 0,6 tỷ USD trong quý I xuống thâm hụt khoảng 4,6 tỷ USD trong quý II. Mức giảm trên chủ yếu do nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh. Cán cân xuất nhập khẩu dịch vụ tiếp tục tác động tiêu cực đến tài khoản vãng lai do đóng cửa biên giới với hầu hết du khách quốc tế.
Đáng chú ý, cán cân thương mại của Việt Nam chuyển sang thâm hụt trong nửa đầu năm 2021 và xấu đi trong tháng 7 sau khi ghi nhận thặng dư thương mại hàng hóa kỷ lục vào năm 2020.
Cán cân thương mại hàng hóa ghi nhận thâm hụt khoảng 1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021, sau đó tụt sâu xuống 2,4 tỷ USD trong tháng 7. Trong nửa đầu năm, xu hướng xấu đi này phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ của nhập khẩu (tăng 36,3%), cao hơn so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (29%).
Thâm hụt thương mại cũng liên quan đến suy giảm tỷ giá thương mại, khoảng 1% trong sáu tháng đầu năm 2021 so cùng kỳ năm trước.
World Bank cho biết Việt Nam vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và ban hành các gói hỗ trợ trong nửa đầu năm 2021. Khi các động lực tăng trưởng đã được củng cố, chính sách tiền tệ sẽ trở lại vị thế trung lập từ năm 2022.
Mới đây, ngày 19/7, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Mỹ về vấn đề tiền tệ. Việt Nam cam kết không phá giá tiền đồng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng trong thương mại quốc tế, cũng như minh bạch hơn trong chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái.
Chứng khoán KB (KBSV) cho biết NHNN đã ngưng hoạt động mua ngoại tệ kỳ hạn ngay sau khi đạt được những bước tiến tích cực trong thoả thuận trên.
Thay vào đó, NHNN quay trở lại sử dụng công cụ mua giao ngay để có thể tác động tức thời và hiệu quả lên thị trường tiền tệ, như ổn định tỷ giá, hỗ trợ thanh khoản, bình ổn lãi suất liên ngân hàng, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hạ lãi suất.
Do vậy, KBSV cho rằng nhiều khả năng NHNN sẽ tích cực hoạt động mua vào ngoại tệ trong thời gian tới, thay vì dè dặt như trong 7 tháng đầu năm (chỉ mua vào khoảng 7 - 8 tỷ USD). Điều này có thể giúp giảm tải khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.