Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 23/8 – 27/8: Tín hiệu từ hội nghị chuyên đề thường niên của Fed
Theo Investing.com, sự kiện chính trong tuần này là hội nghị chuyên đề thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tại đây, đầu tư có thể tìm hiểu về thời điểm mà Fed dự kiến sẽ bắt đầu thu hẹp quy mô chương trình thu mua tài sản.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn có thể theo dõi thêm một số dữ liệu kinh tế mới như doanh số bán nhà, thu nhập và chi tiêu cá nhân của người dân Mỹ; cũng như chỉ số PMI của khu vực đồng tiền chung euro.
Dưới đây là các sự kiện có thể ảnh hưởng đến giao dịch ngoại hối tuần này:
1. Hội nghị chuyên đề của Fed
Hiện tại, ngân hàng trung ương Mỹ đang mua vào khoảng 120 tỷ USD trái phiếu và tài sản đảm bảo mỗi tháng. Đây là các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tại hội nghị chuyên đề sắp tới, các nhà hoạch định chính sách sẽ thảo luận về kế hoạch thu hẹp quy mô của chương trình thu mua tài sản, vốn là bước đầu tiên để Fed tăng lãi suất về sau.
Song, khả năng Fed thực hiện động thái trên đang giảm dần khi mà biến chủng Delta đang lây lan nhanh chóng và che mở triển vọng phục hồi của nền kinh tế Mỹ, theo Investing.com.
Cuối tuần trước, Fed đã thông báo rằng hội nghị chuyên đề năm nay sẽ được tổ chức trực tuyến thay vì diễn ra tại địa điểm thông thường là thành phố Jackson Hole, bang Wyoming.
Theo kế hoạch, hội nghị sẽ kéo dài từ ngày 26 đến hết ngày 28/8. Sự kiện chính là bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell, dự kiến bắt đầu vào khoảng 21h ngày 27/8 (theo giờ Việt Nam). Giới phân tích dự đoán ông Powell có thể phát đi tín hiệu nào đó trước thềm cuộc họp chính sách tháng 9.
Cũng trong tuần trước, Fed đã công bố biên bản cuộc họp tháng 7. Các quan chức của ngân hàng trung ương Mỹ đang muốn giảm các biện pháp kích thích trong năm nay, nếu nền kinh tế tiếp tục phục hồi.
Dù còn một số khác biệt trong dự đoán lạm phát và việc làm, các nhà hoạch định chính sách đều kỳ vọng chương trình thu mua tài sản sẽ chững lại trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, các quan chức Fed vẫn thừa nhận rằng nền kinh tế đang đối mặt với nhiều thách thức và bất ổn, đơn cử như biến chủng Delta và tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
2. Dữ liệu kinh tế của Mỹ
Bên cạnh cuộc họp của Fed, nhà đầu tư ngoại hối có thể theo dõi thêm một loạt dữ liệu kinh tế khác như các báo cáo về doanh số bán nhà, số lượng đơn đặt hàng bền và thu nhập cũng như chi tiêu cá nhân của người Mỹ.
Số liệu về doanh số bán nhà hiện có được công bố vào ngày 23/8, sau đó một ngày là báo cáo về doanh số bán nhà mới. Dữ liệu về các đơn đặt hàng bền sẽ được công khai vào ngày 25/8 và số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp sẽ công bố định kỳ vào ngày 26/8.
Cũng trong ngày 26/8, chính phủ Mỹ sẽ phát hành số liệu GDP quý II sau khi điều chỉnh, song các chuyên gia phân tích cho rằng sẽ không có nhiều thay đổi so với kết quả ban đầu.
Đến ngày 27/8, Mỹ sẽ công bố dữ liệu chi tiêu cá nhân cùng chỉ số giá PCE - thước đo lạm phát yêu thích của Fed.
3. Chỉ số PMI của Eurozone
Theo Investing.com, khu vực đồng euro sẽ công bố dữ liệu PMI vào ngày 23/8. Trong khi các chính sách nới lỏng phong tỏa có thể thúc đẩy hoạt động du lịch của người dân thì một số vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ đóng vai trò là lực cản đối với hoạt động sản xuất của khối kinh tế chung.
Trong tuần này, chính phủ Đức còn công bố thêm chỉ số Ifo tháng 8, các chuyên gia dự báo là sẽ giảm nhẹ so với mức đỉnh hai năm rưỡi xác lập vào tháng trước.
Vào ngày 26/8, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phát hành biên bản cuộc họp tháng 7. Dự kiến, ECB sẽ tiết lộ một số định hướng về lãi suất và thực hiện một chiến lược tiền tệ mới để thúc đẩy lạm phát.