|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Lĩnh vực vận tải toàn cầu lại đứt đoạn vì lũ lớn ở Trung Quốc và châu Âu

16:20 | 27/07/2021
Chia sẻ
CEO của một hãng vận tải biển cảnh báo rằng các trận lũ lụt mới đây tại Trung Quốc và châu Âu đang giáng một đòn đau khác vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Hiếm có tuần nào trôi qua yên ổn"

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với CNBC, ông Tim Huxley, Giám đốc Điều hành của hãng vận tải biển Mandarin Shipping (trụ sở tại Hong Kong), bình luận: "Hiếm có tuần nào trôi qua yên ổn mà không có biến mới xảy ra".

Lĩnh vực vận tải đã bị gián đoạn nghiêm trọng trong năm nay. Đầu năm, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vực dậy sau đại dịch, người tiêu dùng đẩy mạnh mua sắm, khiến nhu cầu hàng hóa tăng lên. Các công ty vận tải rơi vào cảnh thiếu hụt container, đơn hàng bị chậm trễ và làm cho cước vận tải tăng nóng.

Sau đó, vào tháng 4, Ever Given - một trong các tàu container lớn nhất thế giới, bị mắc kẹt tại kênh đào Suez. Sự cố này khiến giao thông qua tuyến đường biển huyết mạch tắc nghẽn trong gần một tuần.

Đến tháng 6, số ca bệnh tại khu vực miền nam Trung Quốc tăng nhanh buộc các cảng biển phải tăng cường giám sát y tế. Hoạt động thông quan do đó tiếp tục bị gián đoạn, cước vận tải càng tăng cao hơn.

Hiện tại, lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế toàn cầu lại đối mặt với một cuộc khủng hoảng mới: lũ lụt tàn phá nhiều khu vực tại châu Âu cũng như ở Trung Quốc.

Hệ thống đường sắt đứt gãy do lũ lớn ở châu Âu

Mưa lớn và lũ lụt đã tàn phá khắp khu vực Tây Âu, các nhân viên cứu hộ đang cố gắng ngăn chặn thiệt hại mới, CNBC đưa tin. Nhiều vùng của Thụy Sĩ, Luxembourg và Hà Lan bị ảnh hưởng, nhưng tình hình nghiêm trọng nhất là ở Đức và Bỉ.

Hạt Ahrweiler (bang Rhineland-Palatinate) cùng với bang North Rhine-Westphalia là hai trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất tại Đức.

Tuần trước, Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết một số khu vực ở Tây Âu đã nhận được lượng mưa lên đến hai tháng chỉ trong hai ngày.

'Hiếm có tuần nào trôi qua yên ổn', lĩnh vực vận tải toàn cầu lại đứt đoạn vì lũ lớn ở Trung Quốc và châu Âu - Ảnh 1.

Ảnh chụp từ trên không cho thấy một vùng của quận Blessem (Đức) bị nước lũ phá hủy khủng khiếp, ngày 16/7. (Ảnh: Getty Images).

Ông Huxley nhấn mạnh: "Lũ lụt ở Tây Âu sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng vì hệ thống đường sắt đang bị đứt gãy". Theo vị giám đốc, các tuyến đường sắt đi từ Cộng hòa Séc và Slovakia đến các cảng Rotterdam và Hamburg của Đức đều đã bị "gián đoạn nghiêm trọng".

"Do đó, dòng chảy hàng hóa ra và vào những cảnh này sẽ bị đình trệ. Ngành công nghiệp vận tải của chúng tôi sẽ hứng chịu một cú sốc lớn", ông Huxley cảnh báo. "Cuối cùng, các ngành công nghiệp khác như động cơ, thiết bị gia dụng và những hàng hóa tương tự cũng sẽ chịu thiệt hại", ông Huxley nói tiếp.

CEO của Mandarin Shipping ví dụ, gã khổng lồ ngành thép Thyssenkrupp của Đức hiện không thể nhập nguyên liệu thô do lũ lụt. Một nguồn tin của Thyssenkrupp chia sẻ với S&P Global Platts rằng một số bộ phận của tuyến đường sắt tại thành phố Hagen đã "biến mất" trong nước lũ và việc vận chuyển nguyên liệu bằng xe tải còn khó khăn hơn trước.

Nguồn cung lúa mì, than đá đứt quãng vì ngập lụt ở Hà Nam

Trong khi đó, tình trạng gián đoạn do lũ lụt ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc còn tồi tệ hơn do tỉnh này không giáp biển, ông Huxley cho hay.

Mưa lớn kéo dài đã gây lũ lụt trên diện rộng tại Hà Nam. Chính quyền thành phố Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam đã phải sơ tán khoảng 100.000 người dân đến nơi an toàn. Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhiều tuyến phố, tàu điện ngầm bị ngập nặng.

Trong 24 giờ tính đến 17h ngày 20/7, lượng mưa đổ xuống Trịnh Châu đạt 457,5 mm, mức cao nhất kể từ khi giới chức thành phố 10 triệu dân này bắt đầu thống kê số liệu.

Chưa kể, trong vòng một giờ từ 16h đến 17h cùng ngày, Trịnh Châu đón lượng mưa kỷ lục 201,9 mm, con số cao nhất từng ghi nhận tại Trung Quốc đại lục. Trung bình hàng năm, lượng mưa tại Trịnh Châu chỉ dao động quanh mức 640,8 mm.

'Hiếm có tuần nào trôi qua yên ổn', lĩnh vực vận tải toàn cầu lại đứt đoạn vì lũ lớn ở Trung Quốc và châu Âu - Ảnh 2.

Một góc thành phố Trịnh Châu ngập trong nước sau cơn mưa lớn, ngày 20/7. (Ảnh: AP).

Một lần nữa, ông Huxley của Mandarin Shipping cho biết sự gián đoạn của hệ thống đường sắt sẽ gây ra tác động lớn. "Rõ ràng, ngành vận tải sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến việc tăng cước vận chuyển hàng hóa", ông Huxley nhấn mạnh.

Hoạt động phân phối lúa mì than đá tại Hà Nam đã bị đứt quãng, ông Huxley cho hay. Hà Nam vốn được coi là "vựa bánh mì" của Trung Quốc, chỉ riêng trong mùa hè năm nay, tỉnh này sản xuất được khoảng 38 triệu tấn lúa mì.

Khả Nhân

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân: Hạ lãi suất cần cân nhắc đến tỷ giá, tác động từ Fed sẽ có độ trễ
Theo chuyên gia, động thái nới lỏng gần đây của NHNN sẽ giúp hạ lãi suất huy động, nhưng cũng có thể ảnh hưởng tới tỷ giá, nhất là trong bối cảnh Fed hạ lãi suất mới chỉ mang tác động về mặt tâm lý.