|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hỗn loạn ngành vận tải biển: 1.800 con bò ốm đói, chết dần chết mòn trên con tàu nát hơn 54 năm tuổi

17:14 | 08/07/2021
Chia sẻ
Trong 1.800 con bò rời Tây Ban Nha đến Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm ngoái, gần 200 con đã chết và số còn lại khi đến đất liền thì ốm đói, gầy gò. Mẩu chuyện này gợi ra câu hỏi về tính nhân đạo và quyền lợi của động vật sống trong hoạt động thương mại hàng hải thế giới.

1.800 con bò chết dần chết mòn trên biển

Cuối tháng 12 năm ngoái, khoảng 1.800 con bò rời Tây Ban Nha lên đường đến Thổ Nhĩ Kỳ trên một con tàu mang tên Elbeik. Chuyến đi dự kiến kéo dài 11 ngày, sau đó đàn bò sẽ được bán, chủ yếu là cho các lò mổ halal theo nghi thức đạo Hồi.

Ba tháng sau đó, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu tàn phán ngành hàng hải trên toàn cầu, con tàu Elbeik không thể dỡ hàng và đàn bò bắt đầu chết đói, theo một cuộc điều tra của chính phủ Tây Ban Nha.

Gần 10% số bò tót chết, xác của chúng bị ném lên trên boong tàu hoặc bị bỏ lại trong chuồng chung với những con bò còn sống. Khi Elbeik trở lại Tây Ban Nha, giới chức địa phương cho rằng 1.600 con bò còn lại quá ốm yếu, không thể bán được và phải được di dời khỏi tàu.

Hỗn loạn ngành vận tải biển: 1.800 con bò ốm đói, chết dần chết mòn trên con tàu nát hơn 54 năm tuổi - Ảnh 1.

Gần 2.000 con bò trên tàu Elbeik ốm đói, xơ xác sau nhiều tháng lênh đênh trên biển. (Ảnh: Handout).

Elbeik đã trở thành một minh chứng điển hình khiến các nhà chức trách có thêm lý do để cấm hoạt động buôn bán động vật sống gây tranh cãi trên toàn thế giới, hiện trị giá khoảng 18 tỷ USD, Bloomberg cho hay.

Đại dịch COVID-19 đã làm suy yếu điều kiện sống của khoảng 2 tỷ con bò, cừu, dê, heo và gà được xuất khẩu mỗi năm. Trước bối cảnh này, các nhà dịch tễ học cũng tham gia kêu gọi cải cách.

Ông Thomas Waitz, một nông dân đến từ Áo, đồng thời đang là đại diện của Nghị viện châu Âu tại một ủy ban chịu trách nhiệm cập nhật các quy định liên quan tới vận chuyển động vật, nhận xét: "Khi bàn tới quyền lợi của động vật, vận chuyển bằng đường biển là một lỗ hổng lớn".

"Các tàu biển hoàn toàn không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy định hoặc tiêu chuẩn nào về quyền lợi động vật. Sức khỏe cộng đồng sẽ gặp rủi ro nếu động vật được vận chuyển trong điều kiện có nhiều vi trùng, vi khuẩn sinh sôi nảy nở", ông Waitz nhấn mạnh.

Hỗn loạn ngành vận tải biển: 1.800 con bò ốm đói, chết dần chết mòn trên con tàu nát hơn 54 năm tuổi - Ảnh 2.

Những con cừu nằm lẫn trong phân trên hành trình từ Australia đến Trung Đông. (Ảnh: Animals Australia).

Động vật sống chỉ là hàng hóa

Năm 2019, toàn thế giới xuất khẩu được khoảng 39 triệu tấn thịt, hầu hết được giết mổ, đóng gói và đông lạnh hoặc ướp lạnh trước khi xuất ra nước ngoài.

Tuy nhiên, khi người tiêu dùng tại các nước như Trung Quốc ngày càng trở nên giàu có hơn, họ càng tiêu thụ nhiều thịt và sữa trong khẩu phần ăn hơn, từ đó làm tăng nhu cầu đối với các động vật sống.

Hỗn loạn ngành vận tải biển: 1.800 con bò ốm đói, chết dần chết mòn trên con tàu nát hơn 54 năm tuổi - Ảnh 3.

Ngoài ra, nhu cầu thịt halal của những người Hồi giáo sùng đạo cũng tăng vọt trong những năm gần đây. Theo Bloomberg, giá gia súc sống từ Australia đang ở mức cao kỷ lục.

Liên minh châu Âu (EU), thị trường chiếm hơn 75% xuất khẩu động vật sống trên thế giới, "không có khả năng đảm bảo quyền lợi động vật", theo một báo cáo do ủy ban của ông Waitz thực hiện.

Ngay cả trong giai đoạn bình thường, động vật sống vẫn thường được coi là hàng hóa. Các tàu chở hàng nhồi nhét hàng nghìn con cừu được đối xử ngang hàng với những con tàu chở áo len lông cừu.

Hỗn loạn ngành vận tải biển: 1.800 con bò ốm đói, chết dần chết mòn trên con tàu nát hơn 54 năm tuổi - Ảnh 4.

Ông Maarten Vlag, thư ký của một liên minh hàng hải tại Paris (Pháp), cho biết: "Chúng tôi không quan tâm tới quyền lợi hàng hóa hay động vật. Chúng tôi sẽ xem xét liệu con tàu có bị quá tải hay không, vì điều đó có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động vận tải biển. 10.000 container hay 10.000 động vật trên tàu đối với chúng tôi không khác gì nhau".

Sự việc đối với đàn bò trên tàu Elbeik khủng khiếp đến mức Bộ Nông nghiệp Tây Ban Nha phải chuyển hồ sơ lên các công tố viên tại tòa án quốc gia. Bloomberg đã cố liên lạc nhưng không nhận được phản hồi từ chủ tàu của Elbeik, Ibrahim Maritime.

Ông Vlag còn cho biết, hầu hết tàu chở gia súc đều đã cũ và được chuyển đổi để chở động vật sống. Điều này cũng khiến hàng hóa trên tàu gặp rủi ro. "Con tàu hơn 50 năm còn khó bảo trì, huống chi là tìm phụ tùng thay thế mà không ai sản xuất nữa", ông Vlag nhấn mạnh.

Tàu Elbeik đến nay đã vận hành hơn 54 năm. Trong một cuộc kiểm tra vào tháng 1 năm ngoái, giới chức cho biết con tàu đã bị nứt dầm, sàn và cửa sổ cũng như vi phạm một số biện pháp an toàn khác. 6 tháng sau, các thanh tra viên phát hiện thêm 8 vấn đề mới, liên quan đến động cơ, hệ thống lái và độ kín gió của tàu.

Báo cáo trên cũng kết luận rằng động vật trên tàu Elbeik phải tồn tại trong điều kiện tồi tàn. Đàn bò trên tàu Elbeik mắc các vấn đề về mắt, da và vận động, đồng thời sụt cân nghiêm trọng dẫn đến chứng suy mòn - một chứng rối loạn gây suy mòn cơ bắp.

"Một số con bò ở trong trạng thái sừng sờ, không thể mở mắt hoặc phản ứng với các kích thích", bác sĩ thú ý viết trong báo cáo.

Hỗn loạn ngành vận tải biển: 1.800 con bò ốm đói, chết dần chết mòn trên con tàu nát hơn 54 năm tuổi - Ảnh 5.

Tổ chức Nông lương của Liên Hợp Quốc cảnh báo, vận chuyển động vật sống là "điều kiện lý tưởng để lây lan dịch bệnh", thậm chí là lây lan từ động vật sống sang con người.

Cho đến nay, Australia là quốc gia duy nhất yêu cầu các nhà xuất khẩu động vật phải có một chuỗi cung ứng có thể xác định nguồn gốc, mục đích là để theo dõi gia súc sống từ thời điểm chúng được tải lên tàu cho đến khi tới nhà máy giết mổ ở nước ngoài nhằm đảm bảo chúng được giết thịt một cách nhân đạo.

Dù vậy, ông John Klepec, Chủ tịch của hãng thương mại Wellard, cho biết tiêu chuẩn của chính phủ đang làm tăng đáng kể chi phí cho các nhà xuất khẩu Australia.

Khả Nhân