|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thế giới kinh sợ nhưng Trung Quốc vẫn bình chân như vại khi Suez tắc nghẽn

08:44 | 30/03/2021
Chia sẻ
Khi kênh đào Suez bị ách tắc vì siêu tàu container chắn ngang gần một tuần liền, các nước lo lắng đếm thiệt hại chồng chất mỗi ngày còn Trung Quốc vẫn tỏ vẻ "bình chân như vại", không hề hấn gì.

Theo nhận định của các nhà kinh tế và phân tích, tác động của sự cố tắc nghẽn ở kênh đào Suez đối với nền kinh tế Trung Quốc có thể không đáng kể vì hầu hết chuỗi cung ứng trung gian của nước này đều đặt tại châu Á - Thái Bình Dương.

Hơn nữa, dù vụ mắc cạn của siêu tàu Ever Given ở Suez có một số tác động lên nền kinh tế tỷ dân, phạm vi ảnh hưởng chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực như sản xuất pin và cao su - hai mặt hàng mà Trung Quốc vốn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô trung gian từ châu Âu, các vị chuyên gia nói thêm.

Tuy nhiên, việc một trong những tuyến đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới bị ách tắc đã lại dấy lên báo động cho các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc và châu Á. Theo South China Morning Post, vụ việc cho thấy các nền kinh tế cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đặc biệt là sau khi thương mại gián đoạn vì đại dịch COVID-19.

Ông Steve Cochrane, kinh tế trưởng của Moody's ở châu Á - Thái Bình Dương, nhận xét: "Khá nhiều chuỗi cung ứng trung gian của châu Á nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nên ban đầu sự cố mắc cạn ở Suez không gây nhiều ảnh hưởng lên nguồn cung và giá cả".

"Song, kênh đào Suez đóng cửa gần một tuần đã chỉ ra nhiều yếu tố rủi ro để doanh nghiệp đánh giá lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Các lo ngại về địa chính trị đã xuất hiện trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Đại dịch cho thấy một khía cạnh khác của chính sách và khả năng ứng phó với thảm họa của các quốc gia/khu vực", ông Cochrane nhấn mạnh.

"Vụ tai nạn ở kênh đào Suez cho thấy rủi ro của chuỗi cung ứng, những rủi ro này liên quan đến các điểm nghẽn trong vận tải hàng hóa", kinh tế trưởng của Moody's ở châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục.

Thế giới kinh sợ, còn Trung Quốc bình chân như vại khi Suez tắc nghẽn - Ảnh 1.

Tàu kéo đưa tàu Ever Given rời khỏi vị trí mắc cạn, kênh đào Suez bắt đầu khai thông trở lại. (Ảnh: AP).

Sau hơn 5 ngày mắc cạn thì sáng ngày 29/3, tàu Ever Given đã nổi trở lại nhờ tàu nạo vét xúc được hơn 27.000 m3 cát và triều cường dâng cao. Đến tối cùng ngày, con tàu đã di chuyển tự do và kênh đào Suez bắt đầu khai thông trở lại.

Tuy nhiên, 453 tàu chở nhiên liệu (dầu thô, khí tự nhiên hóa lỏng LNG), tàu container chở hàng tiêu dùng và vật liệu rời vẫn đang phải đứng đợi quanh kênh đào, chờ đến lượt mình để đi qua tuyến đường thủy huyết mạch này.

Thế giới kinh sợ nhưng Trung Quốc vẫn bình chân như vại khi Suez tắc nghẽn - Ảnh 2.

Những dư chấn duy nhất

Tác động lớn nhất của vụ mắc cạn là giá dầu. Khi có tin mắc cạn, giá dầu tăng mạnh. Sau tin tàu Ever Given được giải cứu, giá dầu đã quay đầu giảm. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) khẳng định rằng tồn kho dầu thô và sản phẩm tinh chế trên toàn cầu vẫn duy trì ở mức ổn định.

Nguồn cung dầu thô của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng lớn vì chưa đến 10% dầu thô nhập khẩu của đất nước tỷ dân đi qua kênh đào Suez, nhà phân tích Jean Zhou của công ty phân tích hàng hóa ICIS cho hay.

Chỉ duy nhất tàu chở dầu Nordic Cygnus - dự kiến đi từ Novorossiysk của Nga và cập cảng Thiên Tân ở phía bắc Trung Quốc, bị mắc kẹt tại khu neo đậu ở đầu Biển Đỏ của kênh đào Suez.

Chuyên gia Wang Yan của ICIS cho biết nhập khẩu LNG của Trung Quốc cũng chỉ bị gián đoạn tương đối hạn chế. Khoảng 60% lượng LNG nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Trung Đông, châu Phi, châu Úc và Mỹ, tức là không đi qua Suez.

Nhưng sự cố tắc nghẽn của con kênh có thể gây ảnh hưởng đến ngành cao su tổng hợp của Trung Quốc, vì nước này nhập khẩu nguyên liệu thô từ châu Âu. Tương tự, các cực âm bằng đồng nhập khẩu từ châu Âu cũng có nguy cơ bị thiếu cung, đây là các vật liệu để sản xuất pin tái tạo như pin lithium-ion.

Theo South China Morning Post, Trung Quốc là nhà sản xuất cao su tổng hợp và sản phẩm pin lithium-ion lớn nhất thế giới.

"Một số lô nguyên liệu cao su tổng hợp từ châu Âu sang châu Á có thể bị chậm trễ... Sự cố có thể khiến nguồn cung cao su tổng hợp tại Trung Quốc bị siết chặt, ngay giữa thời điểm nhu cầu của đất nước tỷ dân có thể tăng cao vào quý II", nhà phân tích Ann Sun của ICIS cảnh báo.

Ông Jimmy Zhang, cũng làm việc cho ICIS, cho biết xuất khẩu sợi polyester của Trung Quốc sang châu Âu cũng có thể bị gián đoạn khi tàu thuyền chờ đợi để được đi qua kênh Suez, gây áp lực lên giá cả. Chuyên gia kinh tế cấp cao Raphie Hayat của Rabobank Trung Quốc nói các lô hàng thực phẩm đi từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhất là các mặt hàng dễ hỏng, có thể cũng bị thiệt hại.

Tuy nhiên, chi nhánh Trung Quốc của hãng vận tải biển Maersk khẳng định còn quá sớm để xác định phí tổn lên chuỗi cung ứng của Trung Quốc. 

Nhìn chung, vụ tắc nghẽn của kênh đào Suez sẽ không có tác động lâu dài lên nền kinh tế Trung Quốc hay buộc đất nước tỷ dân phải điều chỉnh chuỗi cung ứng, ông Aidan Yao - nhà kinh tế cấp cao tại AXA Investment Managers China, kết luận.

Khả Nhân