Một cơn gió độc làm thương mại toàn cầu méo miệng: Nguồn cơn câu chuyện lạ kỳ từ Suez
Con tàu đi vào lịch sử
Dự báo thời tiết ngày 23/3 cho thấy miền bắc Ai Cập sẽ có gió mạnh với tốc độ lên tới gần 70 km/h kèm theo bão cát. Theo Bloomberg, đây là kiểu thời tiết thường thấy ở bán đảo Sinai tại khoảng thời gian này trong năm, và thực tế đã diễn ra đúng như dự báo.
Kênh đào Suez - một trong những tuyến giao thương đường thủy huyết mạch và cũng rất mỏng manh của thế giới - vẫn mở cửa cho tàu thuyền qua lại. Các tàu chở hàng - trong đó có chiếc Ever Given - bắt đầu tập hợp thành từng đoàn dài đúng lúc gió mạnh nổi lên. Chỉ vài giờ sau đó, chuyến đi này sẽ khiến cho cả thế giới phải náo động.
Ever Given là một trong những con tàu lớn nhất thế giới với chiều dài 400 mét, chở theo 20.000 container với tổng trọng tải 224.000 tấn, bên trong chứa cơ man đủ thứ từ cá đông lạnh cho tới nội thất.
Chiều dài của Ever Given lớn hơn chiều rộng của Suez và lớn hơn chiều cao của Tháp Eiffel. Nếu xếp tất cả container trên tàu thành một đường thẳng thì chiều dài sẽ lên tới 120 km.
Lúc 7h40 sáng theo giờ địa phương, siêu tàu mắc cạn. Sự cố này không chỉ phơi bày những yêu cầu tinh vi phức tạp trong việc lèo lái con tàu khổng lồ qua một kênh đào nhỏ bé, mà còn cho thấy sự mỏng manh yếu đuối của hệ thống thương mại toàn cầu.
Theo tìm hiểu của Bloomberg, Ever Given bắt đầu tiến về phía kênh đào Suez trong khi ít nhất một tàu khác trong đoàn quyết định đứng ngoài vì e ngại gió mạnh. Theo hai nguồn tin thân cận, chiếc Ever Given cũng không sử dụng tàu lai dắt mà tự mình bơi qua con kênh. Trong khi đó, hai tàu container nhỏ hơn đi trước đã chọn dùng tàu lai dắt.
Các tàu vận tải cỡ lớn chỉ thích hợp để tung hoành ngang dọc trên đại dương bao la. Khi vào các vùng nước hẹp, đòi hỏi nhiều di chuyển nhỏ và chính xác như ở bến cảng, kênh đào, ... tàu lớn phải phụ thuộc vào các tàu lai dắt để đến được vị trí mong muốn.
Tàu lai dắt có động cơ rất khỏe so với kích thước khiêm tốn của mình, có khả năng đẩy hoặc kéo tàu lớn vào những nơi mà tàu lớn không thể tự mình vào được.
Trong phi vụ giải cứu ở Suez, 8 tàu lai dắt đã dốc sức vừa đẩy vừa kéo siêu tàu container Ever Given nhưng bất thành vì trọng tải quá lớn và mắc cạn quá nghiêm trọng.
Đội giải cứu đang phải đưa các tàu lai dắt lớn hơn tới hiện trường, cũng như kết hợp thêm các biện pháp khác như nạo vét cát ở lòng kênh và xem xét dỡ bớt container khỏi tàu hàng.
Gió lớn trên con kênh hẹp
Có dấu hiệu cho thấy siêu tàu này đang tăng tốc khi tiến về phía bờ cát, khiến cho phần thân tàu lún sâu hơn vào bờ của con kênh. Việc di chuyển qua con kênh nhỏ hẹp vốn dĩ đã đầy thách thức, những cơn gió mạnh càng khiến cho hành trình khó khăn gấp bội.
Ông Andrew Kinsey - Nhà tư vấn rủi ro hàng hải tại công ty Allianz Global Corporate & Specialty nhận định: "Đi qua kênh Suez hết sức căng thẳng. Lòng kênh rất nhỏ và gió lại rất mạnh. Bạn hầu như không được phép mắc sai sót. Nếu không, hậu quả sẽ khôn lường". Ông Kinsey cũng từng là thuyền trưởng điều khiển một tàu hàng dài 300 m đi qua Suez.
Ngày 23/3, gió đủ mạnh để khiến cho một số cảng lân cận phải đóng cửa, nhưng tình hình cũng không xấu đến mức không lưu thông được. Một số tàu lớn sử dụng tàu lai dắt hoặc biện pháp hỗ trợ khác, một số tàu cứ đi thẳng qua kênh và không gặp phải vấn đề gì.
Dù vậy, đã có ít nhất một tàu quyết định hoãn đi qua kênh đào.
Một ngày trước khi Ever Given mắc cạn, tàu Rasheeda nằm trong nhóm tiếp cận Suez từ phía nam. Do nhận thấy những nguy hiểm tiềm tàng của cơn bão cát sắp tới, thuyền trưởng của tàu Rasheeda đã hội ý với công ty quản lý là Royal Dutch Shell và quyết định chưa vội đi vào kênh. Lúc này, Rasheeda đang chở theo đầy khí tự nhiên hóa lỏng từ Qatar.
Cơ quan quản lý kênh Suez (SCA) cho biết gió mạnh gây ra bão cát đã làm giảm tầm nhìn và khiến Ever Given bị mất kiểm soát rồi mắc cạn. Tập đoàn vận tải Evergreen thì cho biết siêu tàu này gặp nạn vì "đi chệch hướng do có gió mạnh bất ngờ".
Đơn vị quản lý kỹ thuật của tàu là Benhard Schulte Shipmanagement cho biết các cuộc điều tra ban đầu xác định nguyên nhân sự cố là gió thổi mạnh. Một cuộc điều tra quy mô lớn hơn và bao gồm nhiều bên liên quan hơn đang được thực hiện, tất cả thuyền viên trên tàu đều sẽ được phỏng vấn.
Thủy thủ đoàn của Ever Given gồm 25 người, tất cả đều mang quốc tịch Ấn Độ và hiện đều có sức khỏe tốt.
Những nỗ lực trong vô vọng, Suez vẫn tắc
Khoảng 20 phút sau khi mắc cạn, hai tàu lai dắt đi cùng các tàu phía trước đã quay trở lại để đẩy vào mạn trái của Ever Given, cố giúp nó thoát ra nhưng không thành. Về sau, tổng cộng 8 tàu lai dắt có mặt để đẩy và kéo từ cả hai bên mạn tàu nhưng đều vô ích. Siêu tàu này quá lớn và mắc cạn quá nghiêm trọng.
Trên bờ, máy xúc làm việc cần mẫn để múc bớt đất cát ở gần mũi tàu đi. Nhưng ở dưới nước, các loại trầm tích đang tụ lại quanh con tàu chắn ngang kênh này. Ever Given bị mắc càng lâu thì lượng bùn đất tích tụ quanh thân nó càng lớn, khiến việc giải cứu càng khó khăn.
Ở ngôi làng cách hiện trường khoảng 100 mét, con tàu hiện lên sừng sững như một tượng đài khổng lồ. Nhiều người dân hiếu kỳ kéo đến xem cảnh tượng trăm năm có một này.
Các nỗ lực giải cứu gần đây đều thất bại và một số nguồn tin nội bộ cho biết sớm nhất cũng phải tới thứ Tư tuần sau (31/3), Suez mới có thể được khai thông.
Trung bình mỗi ngày bình thường có 50 tàu vận tải đi qua Suez, vận chuyển khoảng 10 tỷ USD hàng hóa, tương đương 12% tổng giá trị thương mại toàn cầu. Nói vậy để thấy mỗi ngày trôi đi, ảnh hưởng của vụ tắc nghẽn ở Sue tới nền kinh tế toàn cầu lớn tới mức nào.
Ngày 23/3, chiếc Ever Given khởi hành khi trời vừa hửng sáng và đón hai hoa tiêu dẫn đường từ Cơ quan quản lý kênh Suez. Những hoa tiêu này lên tàu để giám sát quá trình di chuyển qua con kênh, thời gian nhiều khi lên tới 12 giờ. Tuy nhiên, theo quy định về hàng hải, thuyền trưởng, chủ tàu về bên thuê tàu vẫn là những người chịu trách nhiệm khi tai nạn xảy ra.
Theo một cựu thủy thủ của tàu Ever Given, vị thuyền trưởng chỉ huy hôm 23/3 đã từng rất nhiều lần đi qua kênh đào Suez, kể cả trong điều kiện gió giật mạnh. Các công ty vận tải cũng khẳng định luôn chọn những thuyền trưởng xuất sắc nhất cho các chuyến đi qua Suez vì tính chất rủi ro của nhiệm vụ.
Ấy vậy nhưng sự cố vẫn cứ xảy ra, khiến cho hơn 300 tàu thuyền chở đủ loại hàng hóa phải đứng đợi, gần 10 tỷ giá trị thương mại bị ùn tắc mỗi ngày, tương đương khoảng 400 triệu USD/giờ.
Sau khi đi vào kênh Suez được khoảng 8 km, tàu Ever Given bị chệch hướng ban đầu và rẽ sang bên phải. Sau đó, siêu tàu 224.000 tấn này hơi nghiêng sang bên trái và bắt đầu di chuyển ngang về phía bờ rồi bị mắc cạn. Chiếc mũi quả lê màu đỏ vốn dĩ có tác dụng giúp tàu di chuyển dễ dàng hơn trong nước thì giờ đây lại đang cắm sâu vào bờ cát.
Ông Ian Ralby - CEO của công ty tư vấn hàng hải I.R. Consilium nói: "Chỉ cần có một con tàu đứng nhầm chỗ là cả hệ thống hàng hải và nền kinh tế toàn cầu phải chịu hậu quả. Con tàu này chở theo những thứ mà chúng ta cần dùng đến hàng ngày và nó đã cho chúng ta thấy các chuỗi cung ứng liên kết với nhau chặt chẽ tới mức nào, hầu như không có chỗ cho sự sai sót".
Tàu chạy quá tốc độ
Theo dữ liệu của Bloomberg, tốc độ cuối cùng của con tàu được biết đến là 13,5 hải lý/giờ (tương đương 25 km/h) vào lúc 7h28 sáng 23/3, tức là 12 phút trước khi mắc cạn.
Trong khi đó, tốc độ tối đa mà Cơ quan quản lý kênh Suez cho phép tàu thuyền đi qua là từ 7,6 đến 8,6 hải lý/giờ. Một số thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm cho biết việc đi nhanh có ưu điểm là giúp tàu dễ điều khiển hơn.
"Tăng tốc tới một mức nhất định sẽ mang lại hiệu quả. Nhưng nếu tăng tốc quá nhanh thì lại có tác dụng ngược vì mũi tàu sẽ chúi sâu xuống nước. Thêm mã lực từ động cơ sẽ chỉ khiến vấn đề thêm trầm trọng", thuyền trưởng Chris Gillard cho biết, ông từng điều khiển một con tàu dài 300 m đi qua Suez hàng tháng trong 10 năm liên tiếp cho tới 2019.
Dữ liệu của Bloomberg cho thấy con tàu Maersk Denver dài 300 m đi ngay sau Ever Given cũng có tốc độ 10,6 hải lý trên giờ vào lúc 7h28, tức là cao hơn khuyến cáo của cơ quan quản lý.
Tàu Cosco Galaxy - chỉ nhỏ hơn Ever Given một chút xíu - đang đi ngay phía trước và có vẻ cũng di chuyển với tốc độ tương tự, nhưng có sự giúp đỡ của tàu lai dắt. Chiếc Al Nasriyah đi trước Cosco Galaxy cũng được tàu lai dắt hỗ trợ.
Thuyền trưởng Theologos Gampierakis của công ty thương mại Trafigura Group nói: "Những con tàu lớn thường dùng tới tàu lai dắt khi đi trong vùng nước hẹp để di chuyển dễ dàng hơn". Cơ quan quản lý kênh Suez không bắt buộc dùng tàu lai dắt mà để cho các chủ tàu tự quyết định.
Ông Andrew Kinsey - người từng làm thuyền trưởng và đi qua kênh Suez lần cuối cùng vào năm 2006 - cho biết việc điều khiển các tàu lớn có khối container chất cao như Ever Given có thể rất khó khăn vì thân tàu cộng với bức tường container khổng lồ có thể đóng vai trò là các cánh buồm để gió thổi vào.
Ông Kinsey cho rằng vụ việc này chính là cơ hội để ngành hàng hải toàn cầu học cách thích nghi: "Sẽ có những con tàu còn lớn hơn cả Ever Given bị mắc kẹt ở Suez. Vụ tai nạn tiếp theo sẽ còn tồi tệ hơn thế này nhiều".