|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nỗ lực khai thông Suez thất bại, chính phủ Mỹ lo ảnh hưởng tới giá dầu

13:47 | 27/03/2021
Chia sẻ
Các máy móc hiện có ở Suez không thể giải thoát được cho con tàu Ever Given đang mắc cạn. Tất cả đều phải chờ các công cụ “nặng đô” hơn. Chính phủ Mỹ đã đề nghị được giúp đỡ Ai Cập vì lo ngại thị trường dầu mỏ bị ảnh hưởng.
Nỗ lực giải cứu Suez thất bại, chính phủ Mỹ lo ảnh hưởng tới giá dầu - Ảnh 1.

Tàu Ever Given chắn ngang kênh Suez (góc trên bên trái) khiến cho hàng trăm tàu thuyền khác phải đứng đợi. (Ảnh: Reuters).

Mỹ đề nghị giúp đỡ

Ngày 26/3 theo giờ Mỹ, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết chính phủ Mỹ đang theo dõi sát tình hình ở kênh đào Suez. 

"Chúng tôi đã đề nghị giúp Ai Cập khai thông dòng chảy thương mại ở Suez … các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp diễn", bà Psaki nói trong một cuộc họp báo, sau đó cho biết thêm rằng giá dầu có thể sẽ chịu một số tác động.

"Vì kênh đào Suez là một tuyến vận tải dầu mỏ chủ chốt nên chúng tôi cho rằng thị trường năng lượng có thể sẽ bị ảnh hưởng. Đây cũng là lý do mà chính phủ Mỹ đề nghị giúp đỡ", người phát ngôn Nhà Trắng cho hay.

Trong phiên giao dịch 26/3, giá dầu thô WTI và Brent cùng tăng hơn 4% giữa lo ngại tình trạng tắc nghẽn ở Suez có thể sẽ kéo dài nhiều tuần.

Theo Bloomberg, giá trị hàng hóa và dầu thô đi qua Suez là khoảng 10 tỷ USD mỗi ngày và chiếm 12% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.

CNBC dẫn lời bà Paola Rodriguez-Masiu – Phó Giám đốc phụ trách thị trường dầu mỏ của công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy cho hay: "Các nhà giao dịch bắt đầu nhận ra rằng tình trạng mắc kẹt ở Suez đang có ảnh hưởng đáng kể tới dòng chảy của dầu mỏ cũng như nguồn cung hàng hóa, tác động có thể lớn hơn nhiều so với đánh giá trước đây".

Số liệu của hãng nghiên cứu Kpler cho thấy: Trong số 39,2 triệu thùng dầu mỗi ngày được vận chuyển bằng đường biển trong năm 2020 có 1,74 triệu thùng (tương đương 4,4%) đi qua kênh đào Suez. Tuy tỷ lệ không lớn nhưng nếu ách tắc kéo dài, tác động tích tụ cũng sẽ tăng lên theo.

Nỗ lực giải cứu Suez thất bại, chính phủ Mỹ lo ảnh hưởng tới giá dầu - Ảnh 2.

Ảnh chụp tàu Ever Given từ một tàu lai dắt trên kênh Suez, ngày 25/3/2021. (Ảnh: Cơ quan quản lý kênh Suez).

Bernhard Schulte Shipmanagement – công ty quản lý kỹ thuật của tàu Ever Given – cho biết một nỗ lực giải cứu cho siêu tàu mắc cạn này vào ngày 26/3 đã thất bại. Vì vậy, các bên đã phải kêu gọi thêm "viện binh".

Một máy nạo vét đặc biệt có khả năng hút 2.000 m3 đất cát mỗi giờ hiện đang có mặt ở Suez và "công tác chuẩn bị đang được thực hiện để dùng bơm công suất lớn hút bớt nước trong tàu ra" nhằm giảm trọng tải.

Bernhard Schulte cũng cho biết hai thuyền lai dắt nữa sẽ có mặt tại hiện trường vào Chủ nhật (28/3) để hỗ trợ giải cứu. Ever Given nặng tới trên 220.000 tấn nên các tàu cứu hộ loại nhỏ sẽ không thể kéo nổi.

Các bên liên quan đang tính đến khả năng hút bớt nước, nhiên liệu cũng như tháo dỡ các container hàng hóa của Ever Given. Một khi trọng lượng giảm xuống, con tàu mắc cạn này sẽ có thể được các tàu lai dắt kéo ra ngoài.

Một kịch bản tương tự từng diễn ra trong quá khứ. Tháng 11/2004, tàu Tropic Brilliance chở theo 85.000 tấn dầu bị mắc cạn tại Suez. Ban đầu, nỗ lực kéo tàu ra thất bại. Về sau, một tàu chở dầu khác được đưa đến hiện trường, 22.000 tấn dầu được chuyển sang và các tàu lai dắt đã giải cứu được Tropic Brilliance.

Quân đội Mỹ có các trực thăng vẫn tải cỡ lớn có khả năng chuyển bớt container từ Ever Given vào đất liền. Tuy nhiên việc làm này cũng khá mạo hiểm do cần người chèo lên các chồng container cao để gắn các móc trước khi nâng. 

Ngoài ra việc hút nước và nhiên liệu, cũng như tháo dỡ bớt container cần phải được tính toán một cách hết sức cẩn thận. Nếu không, siêu tàu Ever Given có thể mất ổn định, bị lật nghiêng hoặc thậm chí gãy làm đôi, gây ra thảm họa môi trường.

Tác động còn kéo dài

Ông Douglas Kent – Phó Chủ tịch Hiệp hội Quản lý Chuỗi cung ứng nhận định rằng kể cả sau khi tàu Ever Given được giải cứu thì tác động của vụ việc vẫn sẽ còn dai dẳng về sau.

Nguyên nhân là các tàu đang ùn ứ tại Suez sẽ được di chuyển và cập cảng gần như cùng lúc, gây ra tắc nghẽn tại các cảng. Lịch trình chạy tàu được sắp xếp cẩn thận từ hàng tháng trước cũng sẽ phải thay đổi do hàng trăm tàu bị trễ chuyến.

Các chủ tàu tàu giờ đây đang nghe ngóng thông tin để quyết định tiếp tục đợi sự cố ở Suez được giải quyết hay đi đường khác. Nếu vòng qua Mũi Hảo Vọng (Nam Phi), quãng đường sẽ dài thêm gần 10.000 km và thời gian di chuyển cũng tăng khoảng 10 ngày, chưa kể chi phí nhiên liệu bị đội lên.

Đức Quyền