|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những ngộ nhận về vụ mắc kẹt ở Suez

17:12 | 30/03/2021
Chia sẻ
Vụ việc tàu Ever Given mắc cạn làm tê liệt giao thông qua kênh đào Suez đã và đang thu hút sự quan tâm từ khắp nơi trên thế giới. Trong núi thông tin khổng lồ, có không ít những tin tức sai lệch hoặc dễ gây hiểu lầm.
Những ngộ nhận về vụ mắc kẹt ở Suez - Ảnh 1.

Tàu Ever Given mắc cạn ở Suez từ ngày 23/3 đến 29/3. (Ảnh: Maxar Technologies).

Tên tàu là Ever Given hay Evergreen?

Các bức ảnh chụp con tàu mắc cạn trên kênh Suez cho thấy dòng chữ Evergreen to tướng ở giữa thân tàu. Vậy nhưng các cơ quan truyền thông báo chí đều nói tên con tàu là Ever Given, phải chăng đã có sự nhầm lẫn hàng loạt?

Sự tình là Evergreen là tên của hãng vận tải biển đang thuê tàu, còn tên tàu thì đúng là Ever Given. 

Dòng chữ Ever Given được ghi nhỏ hơn ở phía mũi tàu. Sau khi con tàu này gặp sự cố ở Suez, cộng đồng mạng thế giới đã sửa cách gọi con tàu này là "Ever Stuck".

Những ngộ nhận về vụ mắc kẹt ở Suez - Ảnh 2.

Chữ Evergreen viết to ở giữa thân tàu là tên công ty vận tải, chữ Ever Given viết nhỏ hơn ở phía mũi là tên con tàu. (Ảnh: Reuters).

Ever Given đến từ đâu?

Siêu tàu container 224.000 tấn Ever Given được đăng ký ở Panama, do công ty Shoei Kisen Kaisha của Nhật Bản sở hữu, được tập đoàn Evergreen của Đài Loan thuê, do công ty Bernhard Schulte Shipmanagement của Đức quản lý kỹ thuật, có thủy thủ đoàn 25 người - tất cả đều mang quốc tịch Ấn Độ.

Khi gặp nạn tại kênh đào Suez của Ai Cập, Ever Given đang trong hành trình từ cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến, Trung Quốc đến cảng Rotterdam, Hà Lan.

Kênh đào Suez nằm trên tuyến đường biển ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu nên đương nhiên Ever Given đã chọn đi qua đây. 

Sau khi Ever Given tạm cắt đứt tuyến giao thông quan trọng này từ 23/3 đến 29/3, nhiều tàu đã chọn đi đường vòng qua Mũi Hảo Vọng (Nam Phi) khiến cho hải trình dài thêm khoảng 7.000-10.000 cây số, thời gian tăng thêm khoảng 10-15 ngày.

Những ngộ nhận về vụ mắc kẹt ở Suez - Ảnh 3.

Thiệt hại 400 triệu USD/giờ? Đốt gần 10 tỷ USD/ngày?

Nhiều hãng truyền thông của Việt Nam cũng như quốc tế đã giật các title gây choáng như: "Siêu tàu hàng kẹt ở kênh đào Suez đốt 400 triệu USD mỗi giờ" hay "Kinh tế toàn cầu bị thổi bay 400 triệu USD/giờ do kênh đào Suez tắc nghẽn" hoặc "Kênh đào Suez tắc nghẽn, mỗi ngày thiệt hại gần 10 tỷ USD".

Các thông tin nói trên được đưa ra dựa theo ước tính của công ty dữ liệu hàng hải Lloyd's List. Cụ thể, khi Suez không tắc nghẽn, giá trị hàng hóa mỗi ngày đi qua đây từ Tây sang Đông là khoảng 4,5 tỷ USD và từ Đông sang Tây là 5,1 tỷ USD, tổng cộng khoảng 9,6 tỷ USD. Chia cho 24 giờ mỗi ngày, kết quả là 400 triệu USD/giờ.

Khi tàu Ever Given mắc cạn và chắn ngang lòng kênh, số hàng hóa nói trên chỉ bị tạm thời mắc kẹt chứ không biến mất và không hư hỏng hoàn toàn. Vì vậy, nói sự cố ở Suez "đốt" hay "thổi bay" 400 triệu USD/giờ hay 10 tỷ USD/ngày là chưa thuyết phục.

Thiệt hại là không thể tránh khỏi, có thể thấp hơn hoặc cao hơn 10 tỷ USD/ngày, nhưng không thể tùy tiện lấy luôn giá trị hàng hóa làm giá trị thiệt hại.

Thử tưởng tượng bạn cầm 10 tỷ tiền mặt đi gửi ngân hàng, nhưng đang đi thì bị tắc đường, lúc đến nơi thì ngân hàng đã đóng cửa.

Bạn sẽ mất thêm tiền xăng xe để đến ngân hàng lần thứ 2, không nhận được tiền lãi trong một ngày mà bạn đem tiền về nhà cất thay vì gửi ngân hàng, nhưng bạn sẽ không nói vụ tắc đường đó đã "đốt", "thổi bay" hay làm bạn "thiệt hại" 10 tỷ.

Tại sao không đào rộng kênh Suez ra?

Sau khi Ever Given đâm vào bờ và mắc cạn, Cơ quan quản lý kênh Suez đã phải điều động máy xúc đến múc đất ở phần mũi con tàu ra, các tàu nạo vét hút khoảng 30.000 m3 cát ở dưới lòng kênh để giải thoát cho siêu tàu. Đây có thể coi là một hoạt động mở rộng cục bộ và bất thường.

Câu hỏi đặt ra là tại sao chính phủ Ai Cập không mở rộng con kênh này từ trước để Ever Given không mắc cạn và chuỗi cung ứng toàn cầu không phải một phen chao đảo?

Câu trả lời là Ai Cập thực ra đã rất nhiều lần nâng cấp, cải tạo con kênh. Chiều rộng của Suez năm 1956 chỉ là 60 mét, từ 2010 đến nay là 205 mét. 

Chi phí cho lần mở rộng gần đây nhất vào năm 2014-2015 là gần 9 tỷ USD. Đây là một con số không hề nhỏ và chính phủ Ai Cập đã phải phát hành công trái để huy động nguồn vốn cần thiết. Vì vậy, không thể cứ nói đào là đào, nói mở rộng là mở rộng ngay được.

Những ngộ nhận về vụ mắc kẹt ở Suez - Ảnh 5.

Số liệu trên đây là chiều rộng của Suez ở độ sâu 11 mét. Khi mới mở cửa năm 1869, con kênh này chỉ sâu 8 mét nên không có số liệu phù hợp để so sánh.

Thủ tướng Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi kỳ vọng việc cải tạo kênh đào Suez năm 2014 sẽ giúp doanh thu của chính phủ tăng vọt lên 13,5 tỷ USD vào năm 2023. Thực tế, nguồn thu của Ai Cập từ Suez những năm qua chỉ đi ngang, không có thay đổi đáng kể so với trước khi cải tạo.

Cụ thể: Năm 2014, doanh thu từ kênh đào Suez là 5,5 tỷ USD. Đến năm 2018, con số là 5,59 tỷ USD và năm 2020 là 5,61 tỷ USD.

Tuy kênh Suez lớn lên nhưng các tàu dường như còn lớn nhanh hơn. Trước biến cố của Ever Given, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về các vụ mắc cạn tương tự. Tàu càng to càng dễ mắc cạn và càng khó giải cứu.

Tác động sẽ kéo dài đến bao giờ?

Ever Given mắc kẹt vào ngày 23/3. Đến ngày 26/3, nỗ lực giải cứu đầu tiên thất bại, cố vấn của Tổng thống Ai Cập nhận định phải mất thêm 48 – 72 giờ (tức 2-3 ngày) nữa thì giao thông trên kênh Suez mới có thể được nối lại.

Ông Peter Berdowski – CEO của công ty Boskalis trực tiếp tham gia cứu hộ tại Suez thì bi quan hơn khi cho rằng phải nhiều tuần nữa mới giải phóng được cho Ever Given.

Thực tế, đến ngày 29/3, siêu tàu container này đã không còn mắc cạn và di chuyển dọc theo Suez lên phía bắc.

Trong gần một tuần giao thông tê liệt, đã có tới hơn 450 tàu hàng phải đứng đợi quanh Suez. Để giải phóng hết số tàu này phải mất 3-6 ngày.

Tuy nhiên, hệ lụy của vụ việc sẽ còn kéo dài hơn thế. Các tàu ồ ạt đi qua Suez rồi cập cảng gần như cùng lúc sẽ gây ra tình trạng ách tắc tại cảng đến. Việc hàng hóa đến chậm khiến cho nhiều dây chuyển sản xuất và phân phối bị gián đoạn.

Các chuyên gia cho rằng tác động của vụ tắc nghẽn ở Suez sẽ còn dai dẳng trong nhiều tháng.

Đức Quyền - Song Ngọc

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.