Kênh đào Suez được khai thông nhưng chuỗi cung ứng sẽ còn ùn ứ thêm nhiều tháng nữa
Ông Douglas Kent, Phó Chủ tịch tại Hiệp hội Quản lý Chuỗi cung ứng (ASCM) cho biết: "Chúng ta có thể ăn mừng việc giải phóng thành công siêu tàu và khai thông Suez, nhưng rắc rối vẫn chưa kết thúc".
"Sự cố Ever Given chắc chắn sẽ tiếp tục gây ra tình trạng quá tải và tắc nghẽn các hệ thống vận tải khác. Tất nhiên, sự hỗn loạn gây gián đoạn chuỗi cung ứng cũng vậy".
Ever Given bị mắc kẹt và chắn ngang kênh đào Suez từ ngày 23/3. Con tàu nổi trở lại vào sáng ngày 29/3 nhờ vào sự kết hợp của hơn 10 tàu lai dắt cùng với các thiết bị nạo vét chuyên dụng và đội trục vớt chuyên nghiệp. Nhưng dù giao thông trên kênh đào Suez đã được nối lại, tác động sau nhiều ngày tắc nghẽn sẽ tiếp tục lan truyền.
Hàng ngày, khoảng 12% thương mại toàn cầu chảy qua kênh đào Suez trên những con tàu lớn như Ever Given. Tờ Lloyd's List ước tính rằng hơn 9,6 tỷ USD hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường thủy này mỗi ngày, tương đương 400 triệu USD mỗi giờ.
Giáo sư Stephen Flynn tại Đại học Northeastern đánh giá: "Sự gián đoạn trong vòng một tuần với quy mô lớn cỡ này sẽ tiếp tục có tác động dữ dội. Sẽ phải mất ít nhất 60 ngày trước khi mọi thứ được giải quyết và tình hình trở lại bình thường đôi chút".
"Mức độ gián đoạn do Ever Given gây ra cứ tự nhân lên sau mỗi 24 giờ", ông nói thêm.
Tác động tức thời bao gồm tắc nghẽn tại các cảng cũng như ảnh hưởng đến lịch trình của hàng trăm con tàu chờ đi qua Suez. Quan trọng nhất, sự cố Ever Given khiến cho căng thẳng của chuỗi cung ứng vì thiếu thốn container càng trở nên trầm trọng, CNBC cho biết.
Giáo sư Flynn lưu ý rằng sự cố bất ngờ tới một bộ phận gây ra tác động dây chuyền lên toàn chuỗi cung ứng là một trong những thách thức của hệ thống sản xuất tức thời (just in time). Ví dụ, nhiều dây chuyền lắp ráp sẽ phải tạm thời ngồi chơi vì các linh kiện không được chuyển đến như dự kiến.
"Chuỗi cung ứng chưa bao giờ chịu căng thẳng lớn như thế này và tình hình sẽ cần rất nhiều thời gian để giải quyết. Giải phóng Ever Given mới chỉ là bước đầu. Tình trạng tắc nghẽn tại kênh đào Suez không thể được giải quyết một cách đơn giản. Chúng ta phải khởi động lại toàn bộ hệ thống và việc này sẽ cần đến sự phối hợp cực kỳ ăn khớp".
Trong cuộc đua tối đa hóa hiệu quả hoạt động và săn lùng hàng hóa giá rẻ, tàu container ngày càng "phình to". Chỉ một số ít những cảng nhất định mới có thể tiếp cận những con tàu siêu lớn như Ever Given, tạo ra các hệ thống tập trung.
Các tàu cỡ Ever Given thường sẽ dừng chân tại một địa điểm rồi gỡ container xuống các con thuyền nhỏ. Sau đó, những con thuyền này lại tỏa ra các địa điểm khác như châu Âu hay Mỹ.
Nói cách khác, các cảng nhỏ không thể gỡ rối ngay lập tức các xung đột lịch trình gây ra bởi tình trạng tắc nghẽn tại kênh đào Suez.
Trong năm 2020, trung bình mỗi ngày có 51 tàu thuyền đi qua kênh đào Suez. Đến sáng 29/3, tổng cộng có hơn 450 con tàu phải neo đậu ở hai đầu kênh do Ever Given đã chặn đứng giao thông cả hai chiều. Công ty vận tải GAC ước tính giao thông sẽ trở lại bình thường trong 3 đến 4 ngày.
Tàu thuyền bắt đầu đi về phía nam từ Hồ Great Bitter vào Vịnh Suez vào chiều 29/3 trong bối cảnh Ai Cập tìm cách giải tỏa ùn tắc.
Ông Mark Szakonyi, biên tập viên Tạp chí Thương mại của HIS cho biết: "Các hãng vận tải cảnh báo rằng gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ tiếp diễn trong nhiều tháng. Công suất vận tải sẽ ngày càng khó đáp ứng nhu cầu do xuất khẩu từ châu Á sang châu Âu và Bắc Mỹ tăng mạnh".
Một số công ty vận chuyển, bao gồm Hapag-Lloyd đã quyết định cho tàu đi vòng qua Mũi Hảo Vọng. Nhưng tuyến đường này sẽ khiến thời gian di chuyển tăng thêm ít nhất một tuần và gia tăng chi phí nhiên liệu.
Các chuyên gia bất đồng về việc ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ sẽ lớn đến đâu.
Giáo sư tài chính Jeffrey Bergstrand của Trường Kinh doanh Mendoza thuộc Đại học Notre Dame kỳ vọng tác động sẽ chỉ ở mức tối thiểu: "Do hầu hết hàng hóa nhập khẩu bị nghẽn lại ở kênh đào Suez cuối tuần trước hướng đến châu Âu, người tiêu dùng Mỹ sẽ ít thấy tác động lên giá hàng hóa nhập khẩu".
Ngược lại, Giáo sư Flynn của Đại học Northeastern cho rằng giá cả ở Mỹ "gần như chắc chắn" sẽ tăng. "Kênh đào Suez giống như băng chuyền của hệ thống vận tải hàng hải. Hàng hóa khắp nơi được vận chuyển nhờ vào nó. Việc băng chuyền này đột ngột dừng lại sẽ dẫn đến rất nhiều tác động thứ cấp".