|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngoài Suez, dòng chảy dầu mỏ toàn cầu còn nhiều nút thắt khác

20:05 | 04/04/2021
Chia sẻ
Siêu tàu mắc cạn ở Suez đã được giải cứu và hơn 400 tàu vận tải tắc nghẽn đã được đi qua hết sau nhiều ngày ăn đợi nằm chờ. Dù vậy, thế giới vẫn còn nhiều tuyến đường thủy huyết mạch khác tiềm ẩn nguy cơ bị kẹt cứng, đe dọa giao thương nhiều loại hàng hóa, trong đó có dầu mỏ.
Ngoài Suez, dòng chảy dầu mỏ toàn cầu còn nhiều nút thắt khác - Ảnh 1.

Tàu Ever Given đang bị mắc cạn ở Suez. (Ảnh: Reuters).

Kênh đào Suez là một trong những điểm nghẽn tiềm tàng trong dòng chảy dầu thô toàn cầu. Mở cửa năm 1869 và đã trải qua nhiều lần cải tạo, nâng cấp nhưng chỗ hẹp nhất của Suez chỉ rộng 205 mét, tức là chỉ đủ cho một tàu đi qua.

Năm 2020, mỗi ngày có trung bình hơn 50 tàu vận tải đi qua Suez thay vì đi đường vòng qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi, tiết kiệm lượng nhiên liệu và thời gian đáng kể. Trong những tàu qua đây có những tàu chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu, khí tự nhiên cũng như các tàu container mang theo vô số loại hàng hóa tiêu dùng, máy móc, nguyên vật liệu như Ever Given.

Khi Ever Given bị mắc cạn và cắt đứt giao thông qua kênh từ 23/3 đến 29/3, khoảng 13 triệu thùng dầu đã bị kẹt lại ở hai đầu Suez.

Theo ước tính của công ty nghiên cứu Lloyd's List Intelligence, trong năm 2018, mỗi ngày có 4,6 triệu thùng dầu đi qua Suez.

Con số này nghe có vẻ lớn nhưng vẫn nhỏ hơn nhiều so với 15,7 triệu thùng chảy qua eo biển Malacca (giữa Malaysia và Indonesia) và 17 triệu thùng đi qua eo biển Hormuz (giữa Iran và Oman).

Ngoài Suez, dòng chảy dầu mỏ toàn cầu còn nhiều nút thắt khác - Ảnh 2.

Cho đến nay Hormuz vẫn được coi là điểm nghẽn lớn nhất trong nguồn cung dầu toàn cầu và Iran thường xuyên đe dọa sẽ đóng cửa eo biển này trong nhiều năm qua. Tầm quan trọng của Hormuz được minh chứng qua mối quan hệ căng thẳng giữa Iran với Mỹ và nhiều quốc gia khác trong khu vực Trung Đông.

Mỹ từ lâu đã duy trì hiện diện quân sự rất lớn ở Trung Đông. Năm 1988 khi quan hệ hai nước đang căng như dây đàn, tàu tuần dương USS Vincennes của Hải quân Mỹ đã bắn rơi nhầm máy bay chở khách số 655 của hãng hàng không Iran Air đang bay qua Hormuz, tất cả 290 người trên chuyến bay đều thiệt mạng.

Tháng 1/2020, Mỹ không kích giết chết Thiếu tướng Qassem Soleimani và Iran trả đũa bằng việc bắn tên lửa vào căn cứ quân sự tại Iraq có lính Mỹ đồn trú nhưng không có thương vong. 

Lần này, đến lượt Iran bắn nhầm vào máy bay dân sự, làm 176 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Song Ngọc