|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nút thắt cổ chai trong dòng chảy kinh tế thế giới

23:39 | 19/03/2021
Chia sẻ
Dầu mỏ là nhiên liệu thiết yếu đối với cỗ máy kinh tế toàn cầu. Khi dòng chảy dầu mỏ bị cản trở bởi một điểm nghẽn địa lý như eo biển Hormuz, cả thế giới sẽ nhanh chóng bị tác động.
Nút thắt cổ chai trong dòng chảy kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Eo biển Hormuz nằm giữa hai nước Iran và Oman. (Nguồn: Financial Times).

Eo biển Hormuz nằm giữa hai quốc gia Iran và Oman, nối liền Vịnh Ba Tư với Vịnh Oman và sau đó là ra Biển Arab. Ở chỗ hẹp nhất, eo biển này có chiều ngang chỉ 21 dặm (tương đương 34 km) nhưng vai trò của nó đối với nền kinh tế toàn cầu thì lại siêu to khổng lồ.

Hàng ngày có hàng chục tàu vận tải lớn đi qua eo biển này, mỗi tàu có thể chở theo 300.000 m3 dầu mỏ. Theo thống kê của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), năm 2018 có gần 21 triệu thùng dầu thô đi qua Hormuz mỗi ngày, tương đương 21% tổng tiêu thụ toàn cầu. Ngoài ra còn có 3,3 triệu thùng chế phẩm xăng dầu mỗi ngày, cùng với khoảng 4,1 tỷ feet khối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mỗi năm.

Dầu từ khu vực Trung Đông đi qua Hormuz để đến các thị trường ở châu Á, châu Âu, châu Phi, Mỹ, …  Nếu một tàu gặp bất trắc ở Hormuz – bất kể điểm đến cuối cùng là đâu, giá dầu thế giới cũng sẽ bị tác động vì dầu là sản phẩm được giao dịch tập trung toàn cầu.

Tháng 7/2019, hai tàu chở dầu bị tấn công ở Hormuz, ngay lập tức giá dầu Brent Biển Bắc cách đó hàng nghìn cây số tăng thêm gần 2 USD/thùng.

Ngày 4/1/2021, cũng tại Hormuz, Iran bắt giữ một tàu chở dầu của Hàn Quốc, trên tàu có hai thuyền viên Việt Nam. Vụ việc cũng gây ra nhiều quan ngại về ổn định của khu vực và dòng chảy năng lượng toàn cầu.

Về lý thuyết, các tranh chấp tại eo biển Hormuz phải được xử lý theo quy định tại Luật Biển 1982 của Liên Hợp quốc (UNCLOS). Tuy nhiên Iran mới chỉ ký chứ chưa phê chuẩn đạo luật này và thường xuyên đặt lợi ích của mình lên trên thông lệ quốc tế khi hành động.

Tầm quan trọng địa chính trị đặc biệt khiến Hormuz từ lâu đã là vấn đề tâm điểm trong căng thẳng giữa Tehran và phương Tây.

Cựu Thủ tướng Iran Amir-Abbas Hoveida từng gọi Eo biển Hormuz là "huyết quản thiết yếu" của Iran. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Cyrus Vance thì gọi eo biển này là "huyết quản thiết yếu" của nền kinh tế toàn cầu.

Tháng 4/1959, Iran tuyên bố eo biển này thuộc khu vực lãnh hải của mình và chỉ những tàu "di chuyển hòa bình" mới được phép qua. Năm 1972, Oman cũng ra tuyến bố tương tự, có nghĩa là Eo biển Hormuz là vùng tranh chấp lãnh hải giưa hai nước. 

Trong thập niên 1980 – 1990, cả Iran và Oman nhiều lần đưa ra các yêu sách không phù hợp luật biển quốc tế liên quan tới eo biển Hormuz.

Đại chiến tàu dầu

Năm 1980, chiến tranh nổ ra ở Trung Đông khi Iraq dưới quyền cai trị của nhà độc tài Saddam Hussein đưa quân tấn công Iran, xung đột kéo dài trong gần hết thập niên 80. Đây không chỉ là cuộc đối đầu giữa hai cường quốc khu vực mà còn là cuộc đọ sức giữa hai siêu cường chiến tranh lạnh Xô – Mỹ.

Năm 1984, chiến sự từ đất liền lan ra biển. Theo lệnh của Tổng thống Saddam Hussein, không quân Iraq bắt đầu tấn công các tàu chở dầu của Iran. Theo tạp chí Time, đầu năm 1984, mỗi ngày Iran xuất khẩu khoảng 2,6 triệu thùng dầu qua eo biển Hormuz.

Việc Iraq ném bom các tàu Iran đi qua Hormuz có nguy cơ đóng chặt tuyến giao thông huyết mạch này và khiến cho Iran kiệt quệ về kinh tế. 

Một mặt, Iran bảo vệ nghiêm ngặt đường sống của mình. Mặt khác, quân đội Tehran đáp trả bằng cách tấn công các tàu chở dầu của Iraq cũng như các nước vùng Vịnh khác đi qua Hormuz. Lý do là một số quốc gia vùng Vịnh cũng đang giúp sức cho Iraq trong cuộc chiến.

Tuy nhiên, chiến lược ăn miếng trả miếng này đe dọa đẩy căng thẳng lên cao tới mức mất kiểm soát. Vì vậy, Iran quyết định chuyển sang dùng thủy lôi để phong tỏa phần lớn eo biển Hormuz, buộc tàu thuyền phải di chuyển gần về phía Iran.

Nút thắt cổ chai trong dòng chảy kinh tế thế giới - Ảnh 1.

Một binh sĩ Iran ở gần eo biển Hormuz. (Ảnh: Reuters).

Năm 1987, Hải quân Mỹ can thiệp và hộ tống các tàu chở dầu đi qua Hormuz. Một quả thủy lôi của Iran trị giá 1.500 USD phát nổ đã gây hư hỏng nặng tàu khu trục Samuel B. Roberts của Mỹ, thiệt hại vật chất khoảng 96 triệu USD, một số thủy thủ bị thương. Mỹ đáp trả bằng cách dùng không quân đánh chìm hai thuyền chiến của Iran.

Chuyến bay Iran Air 655

Tháng 7/1988, một tháng trước khi cuộc chiến Iran – Iraq kết thúc, tàu tuần dương Vincennes của Mỹ phóng hai quả tên lửa, bắn rơi chiếc may bay chở khách Airbus A300 của Iran đang bay trên eo biển Hormuz. Toàn bộ 290 hành khách và tổ bay đều tử vong. Phía Mỹ cho biết các binh sĩ hải quân nhầm chiếc máy bay dân sự này với một máy bay chiến đấu F-14 của Iran.

Tổng thống Ronald Reagan gửi một bức thư dài 5 đoạn cho phía Iran để bày tỏ "sự tiếc thương sâu sắc" về tai nạn xảy ra. Tuy nhiên khi phát biểu công khai, ông Reagan gọi thảm kịch này là "một tai nạn có thể hiểu được".

Đài Radio Tehran giận dữ: "Tội ác của Mỹ ngày hôm nay khi bắn rơi một chiếc Airbus của Iran là bằng chứng mới cho thấy sự tàn ác của Mỹ và phơi bày bản chất xấu xa của Mỹ rõ ràng hơn bao giờ hết".

Một tháng sau, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định không trừng phạt bất kỳ ai liên quan tới vụ việc vì "những sai sót này xảy ra không phải vì sơ suất hay cố ý phạm tội".

Năm 1996 tại Tòa án Công lý Quốc tế, Đại diện Mỹ và Iran thống nhất số tiền bồi thường trị giá 61,8 triệu USD cho gia đình các nạn nhân. Dù vậy đến nay, Mỹ chưa từng chính thức nhận trách nhiệm hay xin lỗi về vụ việc.

Trục ma quỷ

Năm 2002, Mỹ ngày càng nghi ngờ về chương trình hạt nhân của Iran, cáo buộc chính quyền Tehran đang bí mật làm giàu uranium để phục vụ các mục đích quân sự như chế tạo bom nguyên tử hay đầu đạn hạt nhân.

Trong suốt thập niên 1990 và đầu những năm 2000, Iran đã gián tiếp tham gia vào các cuộc xung đột tại nhiều quốc gia Trung Đông như Lebanon, Iraq, Syria, … Mỹ lo rằng nguyên liệu hạt nhân của Iran có thể rơi vào tay các phần tử khủng bố và bị sử dụng cho các mục đích nguy hiểm.

Trong bản thông điệp liên bang đọc ngày 29/1/2002, Tổng thống Mỹ George W. Bush (tức Bush con) cho rằng Iran, Iraq và Triều Tiên tạo nên một "trục ma quỷ", "đang gây chiến và đe dọa đến nền hòa bình thế giới", cũng như "theo đuổi các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt".

Mỹ nghi ngờ Iran có các cơ sở bí mật với quy mô lớn nhằm chế biến uranium với độ tinh khiết cao, không phải để phục vụ mục đích dân sự như chạy nhà máy điện mà là để chế tạo bom. Đến năm 2011, một báo cáo của Liên Hợp quốc nhận định: "Iran đã thực hiện các hoạt động liên quan tới việc chế tạo một thiết bị nổ hạt nhân". 

Đại sứ Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nói: "Chưa ai tìm được dù chỉ 1 gram uranium được Iran dùng cho mục đích quân sự". Mặc dù vậy, Mỹ vẫn áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế với Iran.

Căng thẳng hàng hải 2011 - 2012

Ngày 21/11/2011, Tổng thống Barack Obama ký sắc lệnh hành pháp trừng phạt thẳng vào ngành hóa dầu của Iran, khiến cho xuất khẩu dầu và cùng với đó là nguồn thu ngân sách của Tehran cạn kiệt.

Năm 2011, Iran xuất khẩu khoảng 2,5 triệu thùng dầu và khí ngưng tụ mỗi ngày, sang năm 2012, con số giảm còn 1,5 triệu thùng – mức thấp nhất kể từ năm 1996. Doanh thu xuất khẩu dầu ròng giảm từ 95 tỷ USD trong năm 2011 xuống còn 69 tỷ USD vào năm 2012. Theo Economist Intelligence Unit, dầu mỏ chiếm 80% tổng thu xuất khẩu và 50-60% tổng thu ngân sách của chính phủ Iran.

Các lệnh cấm vận nhanh chóng đẩy nền kinh tế Iran rơi vào suy thoái.

Nút thắt cổ chai trong dòng chảy kinh tế thế giới - Ảnh 3.

Tình cảnh càng tuyệt vọng thì Iran lại càng có động lực để khóa chặt eo biển Hormuz. Không ăn được thì đạp đổ, Iran không bán được dầu thì cũng không ai được yên ổn làm ăn, âu cũng là tâm lý dễ hiểu.

Tháng 12/2011, Tư lệnh Hải quân Iran tuyên bố trên truyền hình quốc gia rằng quân đội nước này có thể "dễ dàng" chặn đứng tàu thuyền đi qua Hormuz và khẳng định "Iran có quyền kiểm soát toàn diện đối với tuyến đường thủy chiến lược này".

Tháng sau, Iran một lần nữa đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz để đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu nhằm vào doanh thu từ dầu mỏ của nước này. Cả Mỹ và Iran đều tổ chức tập trận tại Hormuz, đẩy căng thẳng lên cao. Trong suốt năm 2012, hai nước chỉ trích nhau vì hiện diện quân sự trong khu vực.

Quay lại bàn đàm phán

Rất may cho thế giới, căng thẳng Mỹ - Iran đã không leo thang thành xung đột vũ trang. Đến giữa 2015, Iran và các cường quốc gồm Mỹ, Anh, Nga, Đức, Pháp, Trung Quốc và EU đã đạt được một thỏa thuận ngoại giao.

Theo thỏa thuận này, Iran sẽ hạn chế chương trình phát triển hạt nhân của mình, đồng thời cho phép thêm các thanh sát viên hạt nhân quốc tế đến kiểm tra. Đổi lại, các nước phương Tây nới lỏng lệnh cấm vận đối với nền kinh tế Tehran.

Xuất khẩu dầu cũng như tăng trưởng kinh tế của Iran nhanh chóng hồi phục.

Kỷ nguyên đối đầu của Donald Trump và bài toán khó cho ông Biden

Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp dụng các biện pháp trừng phạt hà khắc hơn lên quốc gia Trung Đông này. Kinh tế Iran lại một lần nữa lao đao.

Nút thắt cổ chai trong dòng chảy kinh tế thế giới - Ảnh 4.

Để đáp trả, Iran tăng cường làm giàu uranium và mở rộng chương trình hạt nhân. Tình hình trên eo biển Hormuz cũng căng thẳng hơn thấy rõ.

Ngày 12/5/2019, 4 tàu trong đó có hai tàu chở dầu của Arab Saudi bị tấn công ở ngay bên ngoài Hormuz. Quan chức Mỹ cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công nhưng Tehran phủ nhận.

Một tháng sau, vào ngày 13/6, thêm hai tàu chở dầu nữa bị tấn công. Mỹ, Anh, Arab Saudi và Đức cùng cáo buộc Iran là thủ phạm. Iran một lần nữa phủ nhận. Dù vậy, Mỹ vẫn điều thêm 1.000 binh sỹ đến Trung Đông.

Tháng 7/2019, Iran công khai bắt giữ Stena Impero – một tàu chở dầu của Anh đi ngang qua eo biển Hormuz, mục đích là trả đũa việc Anh tham gia giữ một tàu chở dầu Iran gần bờ biển Gibraltar vài ngày trước. Đến ngày 27/9, chiếc tàu này mới được thả.

Hiện nay ông Trump không còn làm chủ Nhà Trắng nhưng quan hệ Mỹ - Iran vẫn chưa được cải thiện.

Tổng thống Joe Biden muốn hồi sinh thỏa thuận hạt nhân mà ông từng góp công xây dựng trong thời gian làm phó tướng cho Tổng thống Obama năm 2015. Tuy vậy, phía Iran lại đang tỏ ra cứng rắn vì không muốn bị coi thường là món đồ chơi của Mỹ, gọi đến là đến, đuổi đi là đi.

Mỹ yêu cầu Iran cắt giảm chương trình hạt nhân, còn Iran lại đòi hỏi Mỹ phải gỡ lệnh cấm vận trước, không ai nhường ai.

Trong tháng 2 và 3, liên tiếp các vụ phóng tên lửa được thực hiện nhằm vào căn cứ quân sự ở Iraq có lính Mỹ đồn trú. Phía Mỹ cho rằng Iran là nước đứng sau các cuộc tấn công này và đã tiến hành không kích để trả đũa. Trung Đông nói chung và eo biển Hormuz nói riêng vẫn là điểm nóng địa chính trị và nút thắt của dòng chảy kinh tế toàn cầu.

Đức Quyền - Song Ngọc